Các chuyên gia đánh giá, nếu giấc mơ về một khu vực như vậy trở thành hiện thực, nó sẽ góp phần quan trọng vào nỗ lực chung của thế giới trong việc ngăn chặn sự phổ biến WMD.
Tại hội nghị trên, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết: “Những năm qua, nhiều quốc gia đã ủng hộ việc tạo ra các khu vực không có vũ khí hạt nhân. Điều này, giúp ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột hạt nhân trong khu vực”.
Về phần mình, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov nhấn mạnh, Nga sẵn sàng hỗ trợ quá trình tạo ra một khu vực không có WMD ở Trung Đông.
“Chúng tôi muốn khẳng định rằng, những bên tham gia hội nghị có thể tin tưởng chắc chắn vào sự hỗ trợ từ Nga, vốn nhận thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc đóng góp cho tiến trình này với tư cách là một trong 3 đồng tác giả (Nga, Mỹ, Anh) của Nghị quyết năm 1995 của LHQ về sự cần thiết thiết lập khu vực không có WMD ở Trung Đông”, ông Mikhail Ulyanov cho biết.
Nghị quyết năm 1995 của LHQ được thông qua tại hội nghị đánh giá và gia hạn hiệu lực của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), hiện có 190 quốc gia tham gia ký kết. Tại hội nghị này, các bên tham gia đã thông qua quyết định gia hạn NPT vô thời hạn.
Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn hai thập kỷ, chủ đề về việc tạo ra khu vực không có WMD ở Trung Đông đã không được đưa ra thảo luận tích cực.
Đến cuối năm 2018, nhằm triển khai việc thực hiện Nghị quyết năm 1995, Đại hội đồng LHQ quyết định tổ chức hội nghị về việc thành lập một khu vực không có vũ khí hạt nhân và các WMD khác ở Trung Đông vào năm nay.
Đánh giá về sự kiện này, giới quan sát cho rằng, việc tiến hành các bước đi hướng tới thực thi Nghị quyết năm 1995 của LHQ sau gần một phần tư thế kỷ là một thành tựu quan trọng.WMD được cho là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
Do tính chất nguy hiểm của WMD, cộng đồng quốc tế luôn nỗ lực nhằm ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí này. Do đó, việc thiết lập một khu vực không có WMD ở Trung Đông được đánh giá là có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với khu vực này, mà còn đối với thế giới trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực ngăn ngừa phổ biến WMD.
Theo RT, các chuyên gia nhận định, một trong những trở ngại chính trong việc thiết lập một khu vực không có WMD ở Trung Đông là quan điểm của Israel-quốc gia từ chối ký NPT.
“Israel cho rằng có nhiều mối đe dọa đến từ các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, theo các chính trị gia Israel, nếu nước này không sở hữu vũ khí hạt nhân thì điều đó sẽ gây nguy hiểm cho chính sự tồn tại của quốc gia này”, bà Irina Fedorova, nhà nghiên cứu cao cấp ở Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga giải thích.
Thêm vào đó, thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức) vào năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), vốn được coi là giải pháp nhằm ngăn chặn mối đe dọa về vũ khí hạt nhân ở Trung Ðông, đang trên bờ vực đổ vỡ.
Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Tehran đã cam kết hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút nước này khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, Tehran bắt đầu thu hẹp cam kết trong JCPOA.
Đầu tháng 11 này, Iran đã bắt đầu giai đoạn thứ tư của việc cắt giảm nghĩa vụ theo JCPOA, dẫn đến nguy cơ sụp đổ hoàn toàn thỏa thuận mang tính lịch sử này. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc giải quyết vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông.
“Nếu JCPOA thực sự bị hủy bỏ thì quá trình gia tăng các mối đe dọa của vũ khí hạt nhân ở nhiều quốc gia khác nhau có thể không được kiểm soát”, chuyên gia Irina Fedorova lưu ý.
Theo ông Boris Dolgov, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Arab và Hồi giáo của Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, một số quốc gia ở Trung Đông sẵn sàng thúc đẩy việc thiết lập một khu vực không có WMD.
Dẫu vậy, đây là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, vì một số quốc gia, đặc biệt là Israel, dù không thừa nhận chính thức về việc sở hữu vũ khí hạt nhân, không quá hoan nghênh ý tưởng này.
Hơn ai hết, chính các quốc gia Trung Đông có vai trò quyết định và trách nhiệm chính trong việc thiết lập một khu vực không có WMD. Kế hoạch này sẽ khó có thể thành công nếu các nước trong khu vực không đồng lòng.