Những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như: ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng, phần lớn được phát hiện ở giai đoạn muộn và việc điều trị vẫn còn nhiều thách thức. Bên cạnh những nỗ lực nâng cao kỹ thuật điều trị của các cơ sở y tế, việc thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống cũng như tầm soát nhằm phát hiện bệnh sớm cũng là điều người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cao cần lưu ý.
Việc đi khám một cách tình cờ nay trở thành sự may mắn lớn với ông Lực (TP Hà Nội) khi căn bệnh ung thư thực quản được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Ung thư thực quản - bệnh của ông Lực, cũng là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến, đứng thứ 8 về các loại ung thư hay mắc trên thế giới.
Ở Việt Nam, cùng với ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, số ca ung thư thực quản có xu hướng tăng nhanh. Trung bình mỗi năm ghi nhận hơn 3.000 ca mắc mới và con số tử vong tương đương. Đáng nói, phần lớn các ca bệnh được phát hiện khi đã ở giai đoạn tiến triển.
Căn bệnh ung thư thực quản của ông Lực (TP Hà Nội) được phát hiện ở giai đoạn sớm.
"Nội soi vẫn là phương pháp sàng lọc chính để phát hiện sớm, tuy nhiên đối với ung thư thực quản ở giai đoạn sớm thì nội soi khó khăn hơn vì dễ bỏ sót. Phần lớn gặp ở người cao tuổi do tích tụ các yếu tố nguy cơ. Cần phải đi sàng lọc định kỳ hàng năm", Bác sĩ Lê Văn Thành, Khoa Ngoại Bụng 1 - Bệnh viện K, cho biết.
Ca bệnh có tiền sử cắt bán phần dạ dày đã được phẫu thuật tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội nhờ việc tầm soát định kỳ và phát hiện ung thư thực quản giai đoạn sớm dù không có bất cứ biểu hiện bệnh nào.
Bên cạnh việc tầm soát nhằm phát hiện bệnh sớm, thực hiện một chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, nói không với rượu, bia, thuốc lá sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa. Đa phần các ca bệnh đều có tiền sử sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá trong thời gian kéo dài.