Gia tăng bệnh nhân đột quỵ

NGUYỄN THẠNH - NGUYỄN THUẬN |

Hơn 90% bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết não có liên quan đến bệnh tăng huyết áp. Đáng lo ngại khi có đến 46% người bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh lý này

Những ngày cuối tháng 5, tại khu vực phía Nam dồn dập bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết não trên bệnh nền tăng huyết áp với tình trạng rất khó chữa.

"Còn nước còn tát"

TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (S.I.S Cần Thơ), cho hay ca mới nhất ghi nhận trong ngày 29-5 là một nữ bệnh nhân 41 tuổi, vào viện nhưng không cứu kịp do xuất huyết não nặng.

Trước đó vài ngày, một nữ bệnh nhân cũng cùng tuổi ở Cần Thơ, nhập viện trong tình trạng hôn mê, thở máy, tiên lượng nặng.

Bệnh nhân trước đó đột ngột đau đầu, ngã quỵ và mê dần, được một bệnh viện trên địa bàn can thiệp nhưng không cải thiện, phải chuyển sang Bệnh viện S.I.S Cần Thơ với hy vọng "còn nước còn tát". Sau 2 ngày nhập viện, bệnh nhân được chăm sóc tích cực nhưng tình trạng cũng không khả quan do vị trí xuất huyết lớn.

Gia tăng bệnh nhân đột quỵ - Ảnh 1.

Bệnh nhân đột quỵ trẻ nhập viện gia tăng đáng kể những ngày gần đây tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ. Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Trong khi đó, bệnh nhân T.T.L (45 tuổi, quê Cà Mau) có phần may mắn hơn. Cách đây vài ngày, khoảng 1 giờ sáng, chị dậy đi vệ sinh thì thấy yếu tay chân bên phải, sau đó lừ đừ nên được gia đình đưa đến cấp cứu tại một bệnh viện ở địa phương nhưng tình trạng không giảm. Vài giờ sau, chị được đưa đến Bệnh viện S.I.S Cần Thơ trong tình trạng liệt nửa người phải, gọi mở mắt, không tiếp xúc.

Từ kết quả các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận chị bị xuất huyết não bán cầu trái trên nền tăng huyết áp. Sau khi được điều trị tích cực, sức khỏe chị L. cải thiện dần.

Theo BS Cường, tình hình bệnh đột quỵ những ngày gần đây ở các tỉnh ĐBSCL gia tăng đáng báo động, đặc biệt có nhiều trường hợp dưới 50 tuổi. Hiện trung bình mỗi ngày Bệnh viện S.I.S Cần Thơ tiếp nhận khoảng 50 ca đột quỵ. Thống kê từ đầu tháng 5 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu 1.314 ca, trong đó 611 bệnh nhân đột quỵ và 114 ca trong số này là do xuất huyết não.

Thuốc tiêu sợi huyết cứu người

ThS-BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết thống kê gần đây cho thấy bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ có dấu hiệu trẻ hơn so với thời gian trước. Mặc dù hiện nay khả năng tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ sớm hơn, xử trí kịp thời và nhiều người được cứu sống, song đột quỵ vẫn là gánh nặng của xã hội vì số lượng không ngừng tăng lên.

Theo BS Nguyễn Văn Minh, Trưởng Khoa Thần kinh - Bệnh viện Trưng Vương, mấu chốt trong cấp cứu và điều trị đột quỵ là tranh thủ được thời gian vàng. BS Minh nêu ví dụ vừa qua, bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân 53 tuổi bị liệt nửa người bên trái, méo miệng, khó nói. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Trưng Vương đã kích hoạt ngay quy trình tiêu sợi huyết cho bệnh nhân và chuyển lên Đơn vị Đột quỵ.

Tại Đơn vị Đột quỵ, bệnh nhân được chẩn đoán bị đột quỵ nhồi máu não giờ thứ 2 và được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch nhằm làm tan cục máu đông. Sau 1 giờ can thiệp, các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân như liệt mặt trung ương trái, liệt nửa người trái và cơ lực tay chân trái đều cải thiện rõ rệt.

Không chỉ ca bệnh này, BS Minh cho biết rất nhiều trường hợp nhồi máu não cấp khác cũng đã được cứu chữa kịp thời nhờ điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết. Trước đây, khi chưa có phương pháp này, các bệnh nhân đột quỵ mặc dù được cứu sống nhưng thường bị để lại các di chứng như liệt nửa người, liệt tứ chi, không nói được, méo mặt...

Tuy nhiên, phương pháp điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết chỉ thật sự có hiệu quả và tối ưu khi được thực hiện trong thời gian vàng, tức là trước 4 giờ rưỡi tính từ lúc khởi phát triệu chứng.

"Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ nhồi máu não như đau đầu, nôn, méo miệng, yếu liệt tay chân, ngôn ngữ bất thường, rối loạn ý thức… cần lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị hiệu quả bằng phương pháp tiêu sợi huyết trong thời gian ngắn nhất" - BS Minh nói.

Phải luôn kiểm soát huyết áp

Theo các bác sĩ, hơn 90% bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết não có liên quan đến bệnh tăng huyết áp. BSCKI Tô Văn Tân, Phó Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức S.I.S Cần Thơ, cho hay nhiều trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết não trên nền tăng huyết áp do người bệnh không kiểm soát tốt huyết áp của mình.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính có khoảng 1,3 tỉ người trưởng thành trên toàn thế giới bị tăng huyết áp. Có đến 46% người bị tăng huyết áp không biết bản thân mắc bệnh lý này. Có khoảng 42% người tăng huyết áp được chẩn đoán và điều trị nhưng chỉ 21% trong số này đã kiểm soát được huyết áp của bản thân.

TS-BS Trần Hòa, Phó Khoa Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết phần lớn người bệnh cao huyết áp không tuân thủ điều trị vì bệnh hầu như không gây triệu chứng điển hình. "Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, tăng huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu…" - BS Hòa cảnh báo.

Theo các bác sĩ, để phòng ngừa bệnh đột quỵ cần thay đổi thói quen xấu trong cuộc sống. Rượu bia, thuốc lá vẫn là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ, đặc biệt là hút thuốc lá khi còn trẻ. Kế đến là quan tâm, theo dõi huyết áp, nếu mắc bệnh tăng huyết áp thì phải tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Thứ 3 là tầm soát sớm khi có dấu hiệu nhức đầu, đau đầu, đau nửa đầu kéo dài. "Những lưu ý trên dù đã được tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên nhưng có vẻ chưa đến được với nhiều người, đặc biệt là người trẻ. Nên nhớ bệnh lý đột quỵ không loại trừ ai và ngày càng trẻ hóa" - BS Cường nhấn mạnh.

BS Cường cảnh báo xuất huyết não rất khó tiên lượng, tỉ lệ tử vong tùy thuộc vào nguyên nhân gây chảy máu. Nếu chảy máu ồ ạt bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng sau vài giờ. Bệnh nhân có tiền căn tăng huyết áp nên theo dõi cẩn thận, kiểm soát chặt chẽ mức huyết áp của mình. Nếu có đau đầu đột ngột, nôn ói, tê yếu tay chân… hãy đến ngay bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

Cảnh báo đột quỵ do nắng nóng

Bộ Y tế cho biết hiện nắng nóng gay gắt bắt đầu xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và người lao động. Vào mùa nắng nóng có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng.

Các chuyên gia y tế cho biết các triệu chứng đột quỵ do nắng nóng là đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch và có thể tử vong. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ. Người dân nên mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi.

N.Dung

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại