Gan lúc nhúc sán vì ăn quá nhiều gỏi hải sản tươi sống

ĐÔNG HƯNG - VĂN HỌC |

Sở thích ăn đồ sống, ăn các loại gỏi thịt tái, gỏi cá sống, gỏi hải sản tươi sống... đã khiến nhiều người nhập viện.

Có ca bệnh vượt qua được hiểm nguy nhưng ảnh hưởng sức khỏe nặng nề về sau.

Sán lúc nhúc trong gan vì ăn gỏi sống

Có sở thích ăn gỏi cá sống nhiều năm nay, đầu năm 2021, anh Nguyễn Văn Trung (Quy Nhơn, Bình Định) phải điều trị gần 1 tháng vì gan nhiễm sán. Vốn làm nghề đánh bắt hải sản nên anh Trung cũng như nhiều người khác có sở thích chế biến sơ sài hoặc xắt thịt cá sống thành lát mỏng để bóp gỏi ăn.

Gan lúc nhúc sán vì ăn quá nhiều gỏi hải sản tươi sống - Ảnh 1.

Soi gan bệnh nhân ăn gỏi hải sản tươi sống ở Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) thấy lúc nhúc sán.

Trung bình mỗi tháng ăn gỏi hải sản tươi sống 3-5 lần, cuối tháng 2/2021, anh Võ Hữu C. ở Phù Mỹ (Bình Định) bỗng đau bụng liên tục kèm sốt cao, nôn ói. Mất cảm giác đối với thức ăn nên phải nhập viện. Bác bác sĩ thăm khám kỹ càng và chẩn đoán bệnh nhân nhiễm trùng đường mật cấp, theo dõi đoạn thấp ống mật chủ.

Tuy nhiên khi soi kỹ ống mật thì phát hiện có 20 con sán đã xâm nhập gan nên phải khẩn trương gắp ra để bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân.

[Đọc thêm: Những việc không nên làm khi đói: Bất ngờ ngay từ điều số 1]

Thống kê của ngành y tế tỉnh Đăk Lăk cũng cho thấy, việc ngộ độc khi ăn thực phẩm chưa được chế biến kỹ, nhất là các món gỏi rất đáng báo động. Vài năm trở lại đây, hàng trăm người đã bị. Điển hình như vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra tại huyện Krông Búk khiến cho 195 bệnh nhân phải vào viện. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, “thủ phạm” gây ngộ độc chính là vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus và vi khuẩn Salmonella spp có trong gỏi hải sản chưa được nấu kỹ.

Cách đây không lâu, anh Nguyễn V. C. (53 tuổi, trú tạ Quảng Yên, Quảng Ninh) cũng phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng đau bụng nhiều vùng thượng vị và hạ sườn phải, sốt liên miên. Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết rất thích ăn gỏi hải sải tươi sống. Hầu như tháng nào cũng ăn.

Trong quá trình nội soi chụp đường mật, phát hiện đoạn thấp ống mật chủ có nhiều nốt khuyết thuốc cản quang, các bác sĩ đã quyết định cắt cơ oddi và dùng bóng kéo sỏi khảo sát ống mật chủ, kết quả lấy được ra rất nhiều sán lá gan (khoảng 50 con). Thủ thuật kết thúc an toàn sau khi các bác sĩ đã bơm rửa lại đường mật, kiểm tra dịch mật trong thoát ra tốt. Sau can thiệp ERCP, tình trạng người bệnh ổn định và điều trị đặc hiệu diệt sán lá gan nhỏ.

Gan lúc nhúc sán vì ăn quá nhiều gỏi hải sản tươi sống - Ảnh 2.

bệnh nhân C. được cấp cứu vì gan nhiễm sán do ăn gỏi hải sản tươi sống.

Nguy cơ tử vong nếu không điều trị kịp thời

Theo đánh giá của lãnh đạo ngành y tế nhiều địa phương, một số loại gỏi tươi sống (cá, tôm, thịt...) do chưa được chế biến nên dễ nhiễm bệnh. Thực tế một số thực phẩm sống có chứa trứng giun sán nên khi sử dụng, trứng sẽ theo đường tiêu hóa xâm nhập cơ thể người. Nếu các ấu trùng này tồn tại được thì sẽ lớn dần dần thành giun sán, gây tác hại cho sức khỏe, làm phát bệnh.

Từng tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng vì nhiễm giun, sán khi ăn gỏi hải sản tươi sống, BS. Chu Mạnh Tường, Khoa Ngoại (Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh) đánh giá: Việc nhiễm sán cần phải trị sớm. Điển hình như trường hợp của anh Nguyễn V. C., nếu không cứu kịp sẽ dẫn đến tắc mật và nhiễm trùng đường mật.

Nhiễm trùng đường mật có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời như: áp-xe gan, huyết khối tĩnh mạch cửa, viêm phúc mạc mật, hẹp đường mật, ung thư đường mật... Nguy hiểm nhất là nhiễm trùng huyết dẫn đến suy gan, suy thận cấp, sốc nhiễm trùng nặng và có nguy cơ tử vong cao.

BS. Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đăk Lăk cũng đánh giá: Các loại gỏi sống đều tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao, nhất là ấu trùng sán dây lợn.

Nhiều người cho rằng rượu có thể làm chết được các ấu trùng tiềm ẩn nhưng chưa có cơ sở chứng minh điều này. Các loại gỏi với thịt sống, cá sống, thịt tái, cá tái... nhiễm ấu trùng giun, sán thì nó xâm nhập cơ thể, khu trú ở dạ dày và ruột non để đợi thời cơ gây bệnh.

Từ các nguy cơ trên, các bác sĩ khuyến cáo, nên thực hiện ăn chín, uống sôi, không nên ăn các loại thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến. Thức ăn đã nấu chín nên ăn ngay, nếu chưa ăn ngay phải được bảo quản đúng cách. Tuyệt đối nên tránh xa các loại gỏi đã có dấu hiệu ôi thiu. Cùng với đó, thường xuyên tẩy giun định kỳ, có dấu hiệu bệnh nên đi thăm khám ngay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại