Gần 300 người tử vong trong 5 ngày nghỉ lễ, hàng nghìn người nhập viện vì đánh nhau

Ngọc Minh |

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua trên cả nước đã có 271 người tử vong, bao gồm tử vong tại viện, trước viện và tiên lượng tử vong xin về.

Đã có 6 trường hợp tử vong do đánh nhau

Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, báo cáo đầy đủ của 40 sở y tế và một số bệnh viện trung ương, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cả nước có 273.876 ca khám, cấp cứu; 67.796 người nhập viện nội trú; 7.730 ca phẫu thuật; 5.413 ca đẻ, mổ đẻ.  

Đã có 1.126 trường trường tới khám và điều trị bệnh do đánh nhau, trong đó đã có 6 trường hợp tử vong  (tại viện và xin về).

Riêng về tai nạn giao thông, cả nước có tới gần 10.000 ca khám, cấp cứu; trong đó gần 3.000 ca phải nhập viện điều trị, 492 ca chuyển tuyến trên, 52 người tử vong trong kỳ lễ dài ngày này, trong đó có liên quan tới uống rượu.

Tâm điểm nhất, là vụ tai nạn khiến nữ lao công tử vong thương tâm do tài xế say chưa kịp lắng xuống, vào tối 30/4, tại hầm Kim Liên, Hà Nội tiếp tục xảy ra vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 2 phụ nữ. Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc tài xế uống rượu bia trước khi lái xe. 

Gần 300 người tử vong trong 5 ngày nghỉ lễ, hàng nghìn người nhập viện vì đánh nhau - Ảnh 1.

Bạch Mai số bệnh nhân người cao tuổi đột quỵ do nắng nóng tăng, ảnh Dương Ngọc.

Tại Bệnh viện Bạch Mai trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2019, tại khoa Cấp cứu A9 - bệnh viện Bạch Mai cấp cứu 150 bệnh nhân nặng/ngày, trong đó 50% số ca chuyển tuyến; các ca bệnh chủ yếu là tim mạch, huyết áp, hô hấp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu, suy gan thận cấp.

Do ảnh hưởng của nắng nóng nên số ca đột quỵ ở người cao tuổi tới Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu tăng.

Tai nạn có liên quan tới rượu bia tăng

Còn tại Bệnh viện Việt Đức do đã sắp xếp lịch trực, sẵn sàng phương án ứng phó với các ca cấp cứu và cấp cứu hàng loạt nên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã nhanh chóng khám, phân loại bệnh nhân, kịp thời phẫu thuật các trường hợp nặng và chuyển bệnh nhân vào các khoa theo dõi.

Theo bác sĩ Bùi Trung Nghĩa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ ngày 27/4-30/4), trung bình mỗi ngày bệnh viện cấp cứu cho khoảng 150 trường hợp, trong đó 120 ca cấp cứu do tai nạn và 60% trong tổng số bệnh nhân này cấp cứu do tai nạn giao thông.

Đáng lưu ý nhất, 30% do tai nạn sinh hoạt (đánh nhau, gây gổ…), 10 % còn lại do các nguyên nhân khác.

Cụ thể, trong ngày  Ngày 30/4, bác sĩ Nghĩa đã tiến hành mổ 42 ca chấn thương, mặc dù vậy đến sáng 1/5 vẫn còn 6 trường hợp chấn thương sọ não, 5 trường hợp chấn thương do tai nạn lao động đang chờ mổ.

Chỉ riêng ngày 29/4, trong số những nạn nhân cấp cứu do tai nạn đã có 6 trường hợp tử vong hoặc tình trạng nặng không có khả năng cứu chữa được gia đinh xin về.

Đặc biệt, trong số 90% trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt có khoảng 30- 40 trường hợp nghi ngờ có nồng độ cồn được chỉ định xét nghiệm.

Những bệnh nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu cao là một khó khăn lớn đối với y, bác sĩ. Bởi lẽ cùng một mức độ thương tổn, nhưng với bệnh nhân uống rượu bia, việc hồi sức cấp cứu trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Trong số những nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông hầu hết ở độ tuổi lao động, nhiều trường hợp trong số này là nạn nhân của đối tượng sử dụng rượu bia hoặc trước đó có sử dụng rượu bia.

Trước đó, trong 2 ngày 27 và 28/4, mỗi ngày có 4 trường hợp bệnh nhân tử vong hoặc xin về vì tình trạng quá nặng. Đáng nói những trường hợp này đều do tai nạn giao thông.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi đã sử dụng bia rượu không nên tham gia giao thông để tránh những nguy hiểm cho bản thân cũng như cho những người tham gia giao thông.

Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại