Gần 100 cán bộ, cảnh sát của Bộ Công an phong toả một mỏ đất hiếm tại Yên Bái

B. Bình |

Lực lượng cảnh sát của Bộ Công an đang phong toả phục vụ công tác điều tra tại mỏ đất hiếm trên địa bàn huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

TTXVN đưa tin, tối 10/10, Thượng tá Phạm Duy Thịnh, Trưởng Công an huyện Văn Yên (Yên Bái) xác nhận, Đoàn công tác Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đang làm việc tại mỏ đất hiếm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương trên địa bàn xã Yên Phú, huyện Văn Yên.

Theo Thiếu tá Nguyễn Quang Sáng, Trưởng Công an xã Yên Phú, từ sáng 9/10, lực lượng chức năng thuộc Cục C03 - Bộ Công an đã vào làm việc tại mỏ đất hiếm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương. Bước đầu nội dung làm việc cụ thể chưa được thông tin, chỉ nghe nói khám xét để điều tra về hành vi vi phạm pháp luật.

Sáng 11/10, trao đổi với PV báo Tuổi trẻ, một lãnh đạo UBND xã Yên Phú cho biết từ ngày 9/10, khoảng 100 công an, cảnh sát về phong tỏa, làm việc tại mỏ đất hiếm này, phía UBND xã cũng không nhận được thông báo về sự việc

"Họ chỉ mời công an xã vào chứng kiến. Đến sáng nay, lực lượng cảnh sát vẫn còn ở đây" - lãnh đạo UBND xã Yên Phú thông tin.

Gần 100 cán bộ, cảnh sát của Bộ Công an phong toả một mỏ đất hiếm tại Yên Bái - Ảnh 1.

Khu vực khai thác đất hiếm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Báo Lao động

Được biết, các nhà địa chất đã tìm ra mỏ đất hiếm tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Theo báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia phê duyệt tại Quyết định số 772, ngày 29/12/2010 thì trữ lượng địa chất 2.219.427 tấn đất quặng (tương ứng 27.681 tấn tổng oxit đất hiếm TR2O3; 295.792 tấn tinh quặng sắt 60% Fe).

Hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú từ tháng 6/2013 với diện tích 6,24ha, mức sâu khai thác đến mức + 35m, thời gian khai thác 8 năm 1 tháng kể từ ngày ký giấy phép; trữ lượng khai thác 1.894.617 tấn đất quặng (tương ứng 23.569 tấn tổng oxit đất hiếm TR2O3, 259.615 tấn tinh quặng sắt 60 %Fe).

Đề nghị điều tra việc buôn bán đất hiếm trái phép ở 5 tỉnh

Trước đó, vào tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên vừa ký văn bản đề nghị 5 địa phương khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh tình trạng buôn bán, khai thác trái phép đất hiếm.

Văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, vừa qua, báo chí có thông tin về hoạt động buôn bán, khai thác trái phép đất hiếm trên địa bàn các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ và Thanh Hóa.

Theo đó, một số đối tượng đã tổ chức khai thác trái phép, tuyển, chiết suất và buôn bán tinh quặng đất hiếm từ khu vực xã Bản Hon (huyện Tam Đường, Lai Châu), cạnh mỏ đất hiếm Đông Pao và khu vực xã Tân Hương, huyện Yên Bình, Yên Bái với khối lượng quặng tinh sau tuyển lớn.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác trái phép nêu trên của các đối tượng được phản ánh là xuất phát từ việc đào trộm, đào hạ cốt nền có người bảo lãnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá, đây là hoạt động có tính chất phức tạp, giá trị khối lượng khoáng sản lớn. Trong văn bản trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xác minh thông tin phản ánh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đất hiếm là một trong những loại khoáng sản quý hiếm, được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thực phẩm, y tế, gốm sứ, máy tính, màn hình tivi màu, ô tô thân thiện với môi trường, nam châm, pin…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại