"Đánh thức" khoáng sản quý hiếm sau 10 năm "án binh bất động"
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2023 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam dự tính đạt mục tiêu khai thác hơn 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm.
Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu khai thác 2,1 triệu tấn quặng đất hiếm để xuất khẩu đi các nước.
2 mỏ được tập trung đầu tư để khai thác là Yên Phú (Yên Bái) và Đông Pao (Lai Châu).
Cơ quan chức năng kiểm tra hiện trạng mỏ đất hiếm Đông Pao. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Tam Đường.
Trong đó, theo thông tin mới nhất, mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam - Đông Pao ở Lai Châu dự kiến sẽ khởi động kế hoạch khai thác sau 10 năm kể từ ngày cấp phép.
Mỏ Đông Pao rộng hơn 132 ha, cách thị trấn Tam Đường, tỉnh Lai Châu, khoảng 10 km. Tháng 12/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu (Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam) cùng đối tác Nhật Bản khai thác mỏ Đông Pao. Lý do mỏ này có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác ngay theo quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, quá trình khai thác những năm qua gặp nhiều trở ngại do nhiều nguyên nhân.
Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 400 km về phía Đông Nam; phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Điện Biên, phía Đông và phía Đông Nam tiếp giáp với 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái, phía Nam tiếp giáp với tỉnh Sơn La.
Lai Châu có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú bao gồm: tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên du lịch... Đặc biệt là trữ lượng lớn tài nguyên đất hiếm vô cùng quý giá. Trong tương lai, nếu được "đánh thức", nguồn tài nguyên này sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho địa phương.
Mẫu quặng đất hiếm được khai thác từ mỏ Nậm Xê. Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ.
Về kế hoạch khai thác đất hiếm, trao đổi với báo VnExpress, ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE), cho biết doanh nghiệp và đối tác Blackstone Minerals (đơn vị đàm phán đấu thầu các mỏ đất hiếm với Việt Nam) đang lên kế hoạch cho cuộc đấu giá khai thác mỏ Đông Pao. "Ngay sau khi đấu giá thành công, chúng tôi sẽ sử dụng quặng từ mỏ này và các mỏ sẽ được cấp mới để sản xuất", ông Tuấn cho biết.
Kế hoạch của VTRE là phối hợp với Công ty Blackstone Minerals để khai thác, quản lý vận hành mỏ theo tiêu chuẩn quốc tế với chứng chỉ môi trường của châu Âu. Việc này không chỉ giúp đáp ứng các yêu cầu về môi trường, con người mà còn đảm bảo cung cấp các sản phẩm theo tiêu chuẩn cho các công ty toàn cầu.
Theo ông Tuấn, những công việc đã và chuẩn bị được triển khai gồm: Thử nghiệm nguyên liệu đất hiếm trên dây chuyền quy mô nhỏ trong năm 2023; đưa ra quy trình, thiết kế nhà máy khai thác mỏ; thiết kế, đào tạo chuyên gia cho nhà máy phân tách quặng thành sản phẩm đất hiếm đạt độ tinh khiết từ 95% trở lên để đưa vào nhà máy phân ly trong năm 2024.
Một công trường khai thác đất hiếm trên thế giới. Nguồn: Shutterstock
Ngoài ra, một trong những "ông lớn" hàng đầu thế giới về sản xuất nam châm đất hiếm là Tập đoàn Star Group Industries Hàn Quốc (Tập đoàn SGI) cũng đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư khai thác, chế biến đất hiếm tại Lai Châu.
Thông tin trên tờ Kinh tế Việt Nam, ông Kong Koon Seung - Tổng Giám đốc Tập đoàn SGI cho biết, SGI là tập đoàn có công nghệ tiên tiến nhất trong việc sản xuất nam châm vĩnh cửu đất hiếm. Tập đoàn SGI đang tiến hành xây dựng nhà máy xản xuất nam châm vĩnh cửu tại Quảng Nam. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 17ha, với tổng số vốn khoảng 100 triệu USD. Dự kiến nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7/2024. Tuy nhiên khó khăn là nhà máy đang chưa có được đủ nguồn cung cấp nguyên liệu đất hiếm.
"Chúng tôi rất vui mừng được có mặt tại đây để chia sẻ với quý vị kế hoạch của chúng tôi về việc khai thác thí điểm và sản xuất hàng loạt đất hiếm tại Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đã sẵn sàng cung cấp nguồn tài chính ước tính khoảng 4 triệu USD để triển khai giai đoạn thí điểm của dự án", ông Kong Koon Seung chia sẻ.
Ngoài SGI, một số Tập đoàn trong nước như Sovico cũng bày tỏ quan tâm đến dự án khai thác đất hiếm tại Lai Châu.
Việt Nam có thể thu về hàng chục tỷ USD mỗi năm từ đất hiếm
Đánh giá về tiềm năng to lớn từ nguồn tài nguyên đất hiếm, TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) chia sẻ với VnBusiness rằng, thế giới đua nhau làm chất bán dẫn, rất nhiều sản phẩm ô tô, máy bay, hàng điện tử cần đất hiếm.
Vì vậy, việc Việt Nam có trữ lượng khoảng 22 triệu tấn đất hiếm sẽ là lợi thế rất lớn trong việc phát triển, đón đầu công nghệ tương lai. Ông Mại tính toán, Việt Nam đã khai thác đất hiếm 10 năm nhưng quy mô nhỏ, mỗi năm chỉ xuất khẩu hơn 4.000 tấn đất hiếm, thu về 200 triệu USD.
Nếu Việt Nam sản xuất được một lượng đất hiếm hàng năm như Trung Quốc là 220 nghìn tấn, với thời gian một mỏ khai thác hàng trăm năm, thì số tiền thu được về Việt Nam có thể lên tới lên tới mười mấy tỷ USD mỗi năm.
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm
Theo ước tính của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, trữ lượng đất hiếm của thế giới là khoảng 120 triệu tấn. Trong đó, 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới là:
1. Trung Quốc: 44 triệu tấn (chiếm 37,9% trữ lượng toàn cầu)
2. Việt Nam: 22 triệu tấn (chiếm 18,9%)
3. Brazil: 21 triệu tấn (chiếm 18,1%)
4. Nga: 12 triệu tấn (chiếm 10,3%)
5. Ấn Độ: 6,9 triệu tấn (chiếm 5,9%)
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm. Ảnh: vietnamfinance
Đất hiếm là thành phần không thể thiếu trong sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự cùng nhiều lĩnh vực khác.