Sở hữu 'kho báu' hiếm có, đứng thứ 2 thế giới, Việt Nam lên kế hoạch khai thác như thế nào?

B. Bình |

Theo Quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt, Việt Nam dự tính tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm, hai mỏ được chú trọng khai thác là Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái).

Dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm/năm

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định số 866 phê duyệt về "quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Trong đó, dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai mỗi năm.

Quyết định nêu rõ, việc phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm phải thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững.

Đối với các doanh nghiệp được cấp phép mới khai thác khoáng sản đất hiếm phải gắn với dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%, khuyến khích sản xuất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO), công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thu hồi tối đa các khoáng sản có ích đi kèm, đảm bảo môi trường, an toàn về phóng xạ.

Sở hữu kho báu hiếm có đứng thứ 2 thế giới, Việt Nam lên kế hoạch khai thác như thế nào? - Ảnh 1.

Công ty Cổ phần đất hiếm và lực lượng Công an huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu kiểm tra hiện trạng mỏ đất hiếm. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Tam Đường

Theo quyết định trên, đối với đất hiếm, giai đoạn từ nay đến năm 2030 hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (Lai Châu). Thăm dò nâng cấp, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.

Đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm đã cấp phép khai thác tại các mỏ như Đông Pao (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái). Đồng thời hoàn thành nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái).

Để chế biến tổng các ôxit đất hiếm (TREO) sẽ đầu tư mới từ 3 dự án thủy luyện - chế biến đất hiếm tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai với các sản phẩm chế biến đến năm 2030 dự kiến đạt từ 20.000 - 60.000 tấn/năm.

Để chế biến đất hiếm riêng rẽ (REO) sẽ đầu tư mới các dự án chiết tách - chế biến tại các tỉnh Lai Châu và Lào Cai hoặc địa điểm phù hợp với các sản phẩm chế biến đất hiếm riêng rẽ đến năm 2030 dự kiến đạt từ 20.000 - 60.000 tấn/năm.

Giai đoạn từ năm 2031 - 2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1-2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.

Duy trì hoạt động của các dự án hiện có, đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Căn cứ tình hình thực tế, đầu tư mở rộng nâng công suất các dự án đã có, tập trung chế biến sâu các kim loại đất hiếm:

- Tổng các ôxit đất hiếm (TREO) đạt từ 40.000 - 80.000 tấn/năm.

- Đất hiếm riêng rẽ (REO) đạt từ 40.000 - 80.000 tấn/năm.

Đầu tư mới nhà máy luyện kim đất hiếm, địa điểm nhà máy đầu tư lựa chọn với tổng công suất các kim loại đất hiếm từ 7.500 - 10.000 tấn/năm.

Việt Nam sở hữu "kho báu" có trữ lượng lớn thứ 2 thế giới

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc (44 triệu tấn).

Ở Việt Nam, đất hiếm được phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có các mỏ đất hiếm đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế.

Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm.

Bên cạnh đó, còn có mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion ở Lào Cai. Một số mỏ đất hiếm được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng…

Đất hiếm từ lâu được coi là "vitamin của nền công nghiệp hiện đại". Tuy nhiên, việc trích xuất nguyên tố đất hiếm từ quặng thô rất khó khăn và tốn kém, do hiếm khi chúng tập trung một chỗ với hàm lượng đủ lớn để việc khai thác đạt được hiệu quả kinh tế.

Đến nay, hai mỏ đất hiếm được cấp phép khai thác là Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái).

Sở hữu kho báu hiếm có đứng thứ 2 thế giới, Việt Nam lên kế hoạch khai thác như thế nào? - Ảnh 2.

Đất hiếm là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao. Ảnh minh hoạ. Nguồn: QĐND

Mới đây nhất, trao đổi với báo Sức khoẻ và Đời sống, ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE), cho biết doanh nghiệp và đối tác Blackstone Minerals (đơn vị đàm phán đấu thầu các mỏ đất hiếm với Việt Nam) đang lên kế hoạch cho cuộc đấu giá khai thác mỏ Đông Pao. Hiện những công việc đã, đang và chuẩn bị được triển khai gồm thử nghiệm nguyên liệu đất hiếm trên dây chuyền quy mô nhỏ trong năm 2023; đưa ra quy trình, thiết kế nhà máy khai thác mỏ; thiết kế, đào tạo chuyên gia cho nhà máy phân tách quặng thành sản phẩm đất hiếm đạt độ tinh khiết từ 95% trở lên để đưa vào nhà máy phân ly trong năm 2024.

Bên cạnh đó, nói về những khó khăn, thách thức, TS Đỗ Văn Lĩnh, Phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, đã gọi là hiếm thì khó, từ nghiên cứu đến quyết định thăm dò là cả một quá trình. Khi thăm dò xác định có giá trị kinh tế thì cần có nguồn lực để khai thác…

Việc khai thác đất hiếm có ý nghĩa quan trọng nhưng vậy nhưng theo chuyên gia, hiện nay, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chế biến đất hiếm. Tìm được mỏ đất hiếm là câu chuyện dài, nhất là tìm được mỏ đất hiếm xác định nó có giá trị rất lớn. Khó khăn rất nhiều, do vậy việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn chưa xứng với tiềm năng

"Việt Nam chưa có công nghệ khai thác thân thiện môi trường và công nghệ chế biến sâu, vì việc khai thác và chế biến các mỏ quặng, đất hiếm có thể dẫn đến sự hủy hoại môi trường nếu khai thác không đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là đất hiếm chứa nhiều nguyên tố độc hại, có tính phóng xạ cao. Đây là trở ngại rất lớn để doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu", TS Đỗ Văn Lĩnh phân tích.

Theo nghiên cứu của Tổ chức nghiên cứu địa chất Geological Survey của Mỹ, đất hiếm gồm 17 nguyên tố, phần lớn trong số đó đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, pin, nam châm vĩnh cửu phục vụ cho xe điện, tuabin điện gió, máy bay, điện thoại và công nghiệp quốc phòng.

Điều kỳ diệu ở đất hiếm là chúng có thể tại ra loại nam châm mạnh hơn nhiều lần so với nam châm thông thường. Nếu không có các nguyên tố đất hiếm như neodymium, praseodymium và lanthanum, động cơ xe điện và ổ cứng máy tính sẽ không hoạt động được.

Trung Quốc sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới với tổng cộng 44 triệu tấn. Đứng ở vị trí thứ hai là Việt Nam với 22 triệu tấn, tiếp đến là Brazil với 21 triệu tấn. Một số nước như Nga, Ấn Độ, Mông Cổ cũng có đất hiếm nhưng trữ lượng ít hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại