Ảnh minh họa.
F0 nặng nhập viện tăng
Ngày 11/9/2022, Việt Nam ghi nhận 1.643 ca COVID-19. So với 24 giờ trước đó, số mắc mới giảm 855 ca. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.439.613 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.256 ca nhiễm).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.129 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tại Hà Nội, theo số liệu cập nhật mới nhất của Cục Quản lý khám chữa bệnh, có 260 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện, trong đó 241 bệnh nhân ở mức độ trung bình.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh, Hà Nội) ghi nhận tình trạng ca bệnh mắc COVID-19 nặng nhập viện tăng nhanh trong vài tuần trở lại đây. Hiện 2 khoa tại bệnh viện là Hồi sức tích cực và Khoa Virus - Ký sinh trùng đang tiếp nhận và điều trị cho các F0 này.
Cụ thể, theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận trung bình 10 F0 nặng, nguy kịch, tăng gần gấp đôi so với mức 4 - 6 bệnh nhân/ngày vào cuối tháng 8.
BS Phúc cho biết: "Hiện tại Khoa đang điều trị khoảng 50 bệnh nhân COVID-19, đều là các trường hợp nặng và nguy kịch. Trong số đó, có khoảng 30 ca phải thở máy, các trường hợp còn lại đều phải can thiệp thở oxy. Còn tại Khoa Virus - Ký sinh trùng hiện cũng đang có 21 ca phải can thiệp thở oxy".
Vaccine vẫn là phương pháp phòng bệnh tốt nhất
BS Phúc lý giải, nguyên nhân khiến việc tình hình F0 nặng gia tăng là do hiệu quả của vaccine giảm dần theo thời gian. "Sau 6 tháng tiêm vaccine, khả năng bảo vệ trước COVID-19 sẽ bị giảm xuống đáng kể. Lá chắn này thậm chí còn giảm hiệu lực hơn nữa khi gặp các biến thể SARS-CoV-2 mới. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ việc các cơ sở điều trị COVID-19 ở nhiều địa phương đã đóng cửa nên ca bệnh phải dồn lên tuyến cuối", BS Phúc cho hay.
Tiêm vaccine là biện pháp bảo vệ tốt nhất cho người dân. Ảnh minh họa
"Hầu hết các bệnh nhân nặng, nguy kịch mà chúng tôi tiếp nhận điều trị đều là người cao tuổi, người có bệnh nền. Trong số này, nhiều ca bệnh chưa tiêm bất kỳ mũi vaccine COVID-19 nào", BS Phúc phân tích.
TS. Shane Fairlie, Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với chủ đề "Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh" do Bộ Y tế tổ chức chiều 12/9, cho biết dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.
Do đó, Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, tiêm bao phủ vaccine và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết.
BS Phúc nhấn mạnh đến thời điểm hiện tại, tiêm vaccine vẫn là phương pháp bảo vệ chủ yếu trước COVID-19. Khả năng hạn chế nguy cơ diễn biến nặng, tử vong của vaccine đã được chứng minh rõ ràng. Do đó, người dân cần tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 khi đến lịch để đảm bảo lá chắn trước dịch bệnh. Đặc biệt, các trường hợp người cao tuổi, người có bệnh nền càng cần phải được bảo vệ bởi vaccine.