Dù vậy, những thông tin về máy bay J-20 vẫn còn rất ít. Nhiều người cho rằng nó sẽ là một loại phi cơ được thiết kế để tấn công vào khả năng gây ảnh hưởng quân sự của Mỹ đối với khu vực Tây Thái Bình Dương.
J-20 được cho là sẽ có thể công kích các máy bay tiêp nhiên liệu, máy bay cảnh báo sớm hoặc thậm chí được trang bị tên lửa hành trình tầm xa để tấn công các căn cứ và tàu sân bay Mỹ trong khu vực.
Theo những gì được biết về J-20, có thể thấy rằng máy bay này có thiết kế được dưa trên các máy bay F-22 và F-35 của Mỹ, khiến nhiều người cho rằng Trung Quốc đã đánh cắp những dữ liệu tuyệt mật về F-35. J-20 cũng được cho là có hệ thống định vị mục tiêu quang-điện tử được lắp đặt ngay trước mũi máy bay, mang tên EOTS-89.
Cũng có một số dấu hiệu cho thấy J-20 cũng được trang bị một loại radar quét mảng pha chủ động (AESA). Được biết, loại radar này có tên là Type 1475, hiện đang được thử nghiệm trên phi cơ Tu-204 mà Trung Quốc đang sở hữu.
Tuy nhiên, rất khó để có thể xác nhận thông tin này bởi Trung Quốc giữ rất kín các dữ liệu quân sự mật. Với việc Bắc Kinh mua về phi cơ Su-35 của Nga, được cho là nhằm nghiên cứu công nghệ radar trên máy bay này, tiến độ của Trung Quốc trong việc phát triển radar có thể đang còn khá chậm.
Mặc dù thân của J-20 khá lớn và có khoang chứa rộng bên trong để mang tên lửa, song cánh của nó lại tương đối nhỏ.
Nhiều chuyên gia cho rằng điều này sẽ khiến máy bay có khả năng xoay trở trên không không tốt trong các tình huống không chiến. Hơn nữa, Trung Quốc vẫn chưa chứng tỏ được rằng họ có thể phát triển một động cơ máy bay dành cho các phi cơ tiêm kích đáng tin cậy.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện được động cơ WS-10 mà các máy bay tiêm kích hiện nay của nước này đang sử dụng, trong khi vẫn tìm cách phát triển động cơ thế hệ tiếp theo WS-15.
Mặc dù đã tiếp nhận một số công nghệ động cơ từ Nga, song Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất định. Hiện tại các máy bay mới của Trung Quốc đang sử dụng động cơ AL-31F đã cũ của Nga.
Tuy nhiên, có rất nhiều người đã nhận định rằng các phi cơ chiến đấu như F-22 và F-35 không phù hợp để hoạt động trong khu vực Tây Thái Bình Dương do số căn cứ của Mỹ trong khu vực này khá ít và máy bay phải hoạt động đường dài liên tục.
Điều này có nghĩa là các máy bay này sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào các máy bay tiếp nhiên liệu, đồng nghĩa với việc các phi cơ Trung Quốc sẽ nhằm vào căn cứ, máy bay tiếp liệu và các cơ sở liên lạc của Mỹ trong khu vực, qua đó giới hạn khả năng hoạt động của các tiêm kích Mỹ. Như vậy J-20 có lợi thế rất lớn trước F-22 khi hoạt động ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Tất cả những nhận định trên cho đến nay vẫn chỉ là suy đoán với rất ít bằng chứng xác thực. Chỉ có Trung Quốc mới biết rõ về J-20, và nó rất có thể sẽ là một loại phi cơ cực kỳ lợi hại.