Thành lập Liên minh máy bay chiến đấu cho Ukraine
Vừa qua, ông Igor Zhovkva, phó chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky thông báo rằng, đã có 8 quốc gia châu Âu xác nhận tham gia vào liên minh cung cấp máy bay chiến đấu cho Không quân Ukraine, trong đó chủ yếu là tiêm kích hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon do Mỹ sản xuất.
Trước đó, Tổng thống Zelensky cũng xác nhận chính quyền Kiev sẽ đưa ra quyết định chính thức về việc thành lập "liên minh máy bay chiến đấu" tại cuộc họp tiếp theo ở định dạng Rammstein.
Tại cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của "Cộng đồng chính trị châu Âu" (European Political Community, viết tắt là EPC) ở Chisinau (còn được gọi là Kishinev, thủ đô của Moldova), ông Zelensky nói rằng, đã có một số lượng lớn các quốc gia sẵn sàng cung cấp cho Kiev các máy bay chiến đấu tiên tiến.
Theo đó, cơ sở phần châu Âu của liên minh được hình thành với sự tham gia của tám quốc gia (và sẽ sớm có thêm), gồm: Anh, Hà Lan, Ba Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Bỉ, Bồ Đào Nha và Pháp.
Theo lời ông Zhovkva được ấn bản Ukraine "Sự thật châu Âu" trích dẫn, tuyên bố chung về vấn đề này thậm chí đã được thống nhất với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
NATO đang thành lập Liên minh cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine
Người phát ngôn của ông Zelensky nhấn mạnh, sau chuyến đi của tới Moldova của Tổng thống Ukraine để dự hội nghị thượng đỉnh "Cộng đồng chính trị châu Âu", các bước được thực hiện để đẩy nhanh việc đào tạo phi công và kỹ thuật viên cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư F-16 Fighting Falcon, và sau này không chỉ giới hạn ở F-16, mà còn cả các chiến đấu cơ khác.
Hà Lan đứng đầu Liên minh cấp F-16 cho Ukraine
Theo tiết lộ của hãng tin Mỹ Bloomberg, hiện nay hai quốc gia châu Âu là Hà Lan và Đan Mạch chính là những nước đứng đầu liên minh cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Chính phủ các nước này đã thảo luận với các đồng minh về vấn đề tổ chức triển khai máy bay chiến đấu phương Tây ở Ukraine.
Bloomberg dẫn "hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này", thông báo rằng, Hà Lan có thể sẽ gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine ngay sau khi hoàn tất công việc đào tạo phi công.
Theo Bloomberg, Hà Lan hiện có 42 máy bay chiến đấu F-16 trong biên chế lực lượng không quân, 24 chiếc trong số đó hiện đang được quân đội Hà Lan sử dụng và chỉ có thể gửi tới Ukraine sớm nhất là giữa năm 2024, trong trường hợp các máy bay chiến đấu F-35 thay thế có thể được Mỹ bàn giao đúng lộ trình.
Hà Lan sẽ là nước đầu tiên cung cấp F-16 cho Không quân Ukraine? |
Đối với 18 chiếc F-16 còn lại, vào tháng 6 năm 2021, có thông tin cho rằng Hà Lan đã lên kế hoạch bán 12 máy bay chiến đấu F-16 của mình cho công ty tư nhân Draken International với tùy chọn mua thêm 28 chiếc nữa (sau khi không quân nước này nhận bàn giao F-35 Lightning II).
Tuy nhiên, vào đầu tháng 5 vừa qua, giới truyền thông đã tiết lộ việc giới chức Bộ Quốc phòng Hà Lan đã hủy bỏ thỏa thuận này. Mặc dù không nêu rõ lí do nhưng giới chuyên gia cho rằng, thỏa thuận bất thành này là nhằm dọn đường cho việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.
Bloomberg nhận xét, mặc dù quyết định cuối cùng về việc triển khai vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng Ukraine có thể nhận được một số máy bay phản lực đang được bán hoặc một số trong số 24 máy bay đang hoạt động vào năm tới, tùy thuộc vào thời gian huấn luyện.
Hậu quả của việc huấn luyện ngắn hạn F-16
Theo giới chuyên gia, việc huấn luyện để các phi công Ukraine có thể điều khiển thành thạo các chiến đấu cơ phương Tây đã là điều không hề dễ dàng, còn để họ có thể sử dụng chúng để đối phó với các chiến đấu cơ hiện đại của Không quân Nga trong chiến đấu thực tế thì lại còn khó khăn hơn.
Theo Thượng nghị sĩ Mark Kelly - Thành viên Thượng viện Hoa Kỳ thuộc đảng Dân chủ cho biết trên kênh truyền hình CBS, sẽ mất khoảng một năm để đào tạo 12 phi công MiG-29 Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16, để họ có đủ kỹ năng chiến đấu trên không với những máy bay Nga.
Việc huấn luyện chuyển loại phi công MiG-29 sang F-16 sẽ mất tới hàng năm |
Còn chuyên gia Nga Vladimir Popov cho biết, một chương trình huấn luyện F-16 cơ bản điển hình của Mỹ mất tới 2 năm, nhưng cũng có những chương trình rút ngắn trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, đó chỉ là khóa huấn luyện bay cơ bản, bao gồm huấn luyện lý thuyết và thực hành về kỹ năng điều khiển, huấn luyện cất cánh/hạ cánh…, còn để chiến đấu thì sẽ mất hàng năm.
Chuyên gia chú ý đến thực tế phi công cần phải cảm nhận cách máy bay hoạt động trên không, thực hiện các thao tác của mình ở mức độ tự động hóa. Khó khăn trong huấn luyện có thể phụ thuộc vào loại kinh nghiệm nghề nghiệp của các phi công sẽ được đào tạo, kinh nghiệm bay của họ thế nào, nói tiếng Anh ở trình độ nào, v.v.
Ông nhấn mạnh rằng, trong trường hợp đào tạo theo khóa học ngắn hạn cắt bớt thời gian thực hành, chương trình huấn luyện chỉ còn 25% đến 40% thì đây sẽ là những "mục tiêu bay" cho đối phương, vì lái được loại máy bay mới là một chuyện, còn sử dụng chúng để chiến đấu lại là chuyện khác. Sự khác biệt là rất lớn.
Do đó, mốc thời gian để Không quân Ukraine có thể đưa loại máy bay chiến đấu của Mỹ vào cuộc chiến trên không với máy bay Nga thậm chí có thể còn kéo dài hơn, bởi nếu đốt cháy giai đoạn, những máy bay phương Tây sẽ chỉ là "những tấm bia bay" cho phòng không và không quân Nga.