F-15EX: Sai lầm lớn nhất của Không quân Mỹ?

Hoàng Phạm |

F-15EX được cho là không thể sống sót trước các vũ khí đất đối không và không đối không tiên tiến của các cường quốc khác.

F-15EX của Không quân Mỹ. Ảnh: National Interest

F-15EX của Không quân Mỹ. Ảnh: National Interest

Không quân Mỹ đã ký hợp đồng mua hơn 140 tiêm kích F-15EX. Chiếc đầu tiên đã được bàn giao đầu tháng 3 vừa qua và 2 chiếc nữa dự kiến bàn giao trong tháng 4.

Tuy nhiên, theo phóng viên chuyên về an ninh quốc gia Mark Epikopos của National Intererst, hợp đồng “khổng lồ” này lại là một trong những thương vụ tồi tệ của Không quân Mỹ trong những năm gần đây – một khoản đầu tư kém hiệu quả vào phong cách tác chiến ngày càng lỗi thời.

“Đại bàng thép” F-15EX

F-15EX là mẫu mới nhất của dòng F-15 Strike Eagle, dựa trên nền tảng của mẫu F-15 Eagle năm 1972. Gói nâng cấp của phiên bản EX có một số cải tiến so với các mẫu trước đây, trong đó có hệ thống radar tốt hơn, hay màn hình buồng lái hiện đại hơn.

Những cải tiến nhỏ này cho thấy thực tế EX vẫn chỉ dựa phần lớn vào khung thân đã 45 năm. F-15 Eagle từng là một trong những tiêm kích tốt nhất trong số tiêm kích cùng lớp, nhưng cùng với những phiên bản nâng cấp suốt nửa thế kỷ qua, các loại vũ khí phòng không cũng đã có những bước tiến vượt bậc.

Là tiêm kích thế hệ thứ 4, F-15EX thiếu đặc tính tàng hình cần thiết để hoạt động hiệu quả trong tác chiến trên không hiện đại. Nói một cách đơn giản, F-15EX không thể sống sót trước các vũ khí đất đối không và không đối không của các cường quốc khác.

Với hiệu quả của hệ thống tên lửa S-400 uy lực và phiên bản tiếp theo S-500, sẽ ngày càng khó để những phi đội F-15EX hoạt động trong các không phận tranh chấp mà không gánh lấy những rủi ro đáng kể.

Ngay cả những loại vũ khí cũ hơn như hệ thống tên lửa đất đối không KN-06 của Triều Tiên cũng có thể đe dọa F-15EX nếu các hệ thống này không bị vô hiệu hóa từ trước.

Đến thời điểm F-15EX đi vào hoạt động trong thập kỷ tới, những thiếu sót của nó sẽ tụt hậu hơn nhiều so với hiện nay.

Tiêm kích cho Chiến tranh Lạnh, không phải thế kỷ 21

Chuyến bay đầu tiên của F-15EX diễn ra đầu tháng 2/2021, gần 50 năm sau khi phiên bản F-15A có chuyến bay đầu tiên.

“F-15EX sẽ là một yếu tố chủ chốt của phi đội máy bay chiến thuật và bổ sung vào kho khí tài của Không quân Mỹ. Ngoài ra, F-15EX còn có khả năng triển khai vũ khí siêu thanh, đem lại cho nó vai trò đáng kể trong các cuộc xung đột trong tương lai”, Đại tá Sean Dorey tuyên bố như vậy hôm 11/3 khi Không quân Mỹ tiếp nhận chiếc F-15EX đầu tiên từ Boeing.

Có một sự thật không thể phủ nhận là F-15EX có thể triển khai nhiều vũ khí hơn so với các phiên bản trước đây. F-15EX có khả năng mang tới 22 tên lửa không đối không.

Dù vậy, theo Mark Epikopos, tiêm kích F-35 cũng có thể mang 16 tên lửa – một con số ấn tượng - ở chế độ “ngày chiến tranh thứ 3” hay còn được biết đến là “chế độ quái thú”.

Với các nhiệm vụ thực chiến, chẳng có sự khác biệt đáng kể nào giữa một tiêm kích mang 22 tên lửa với một tiêm kích mang 16 tên lửa. Cũng khó có thể tưởng tượng ra một kịch bản nào mà F-15EX có thể phóng hết toàn bộ 22 tên lửa.

Hơn nữa, F-35 linh động hơn khi chuyển đổi giữa chế độ tàng hình và chế không tàng hình tùy thuộc vào nhiệm vụ cụ thể.

Dù ấn tượng trên giấy tờ, nhưng khả năng vũ khí của F-15EX có vẻ như là quảng cáo quá lời hơn là yếu tố thực chiến.

Những thách thức chiến trường mới về cơ bản cần các giải pháp kỹ thuật mới như khả năng tàng hình và khả năng thâm nhập sâu. Nền tảng của F-15EX thì không làm được như vậy và nó không thể đem lại cho Không quân Mỹ một nền tảng vững chắc để phát triển ổn định.

Trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh của Mỹ đang ngày càng sở hữu những năng lực phòng không phức tạp, sẽ là điều khó hiểu cả về mặt tài chính cũng như quân sự khi đầu tư vào những năng lực của một kỷ nguyên đã cũ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại