Trong bối cảnh đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 gây tranh cãi sắp hoàn thành và các lệnh trừng phạt của Mỹ không ngăn cản được hoạt động xây dựng dự án, nhà điều hành đường ống đã thông tin về các hoạt động “khiêu khích” ngày càng tăng đến từ các tàu chiến và máy bay trong khu vực.
Hãng thông tấn TASS trích lời ông Andrey Minin - Giám đốc chi nhánh Nord Stream 2 AG, nói rằng ba tháng vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về sự hiện diện quân sự trong khu vực.
“Sau khi hoạt động xây dựng Nord Stream 2 ngoài khơi được nối lại vào tháng 1/2021, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng hoạt động của các tàu quân sự, máy bay, trực thăng cũng như các tàu dân sự của nước ngoài. Những hành động này thường mang tính khiêu khích”, ông Minin cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng sự hiện diện của các tàu này có thể làm hỏng đường ống.
Các tàu chiến và tàu ngầm đối phương đi vào khu vực của đường ống Nord Stream 2
Theo ông Minin, có một khu vực an toàn dài 2,4 km xung quanh khu vực mà các tàu thuyền không tham gia xây dựng không được phép vào.
Tuy nhiên, tàu quân sự nước ngoài thường xuyên được nhìn thấy xuất hiện gần đó. Ông Minin cũng lưu ý rằng một máy bay chống ngầm của Ba Lan thường xuyên bay vòng quanh khu vực ở độ cao thấp.
Ông Minin đã liệt kê một số sự vụ xảy ra vài ngày qua, trong đó có sự xuất hiện của một tàu ngầm không xác định danh tính đi qua chỉ cách nơi neo đậu của con tàu đặt ống Fortuna vài dặm. Những tuần gần đây, nhiều tàu cá cũng được nhìn thấy đi vào khu vực bảo vệ công trình.
“Chúng tôi đang nói về các hành động khiêu khích, rõ ràng được lên kế hoạch và chuẩn bị từ trước, sử dụng cả tàu cá và các tàu chiến, tàu ngầm cũng như máy bay để cản trở dự án kinh tế”, ông Minin cho biết. “Dạng thức khiêu khích này có lẽ là trường hợp đầu tiên và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử”.
Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 sẽ kết nối trực tiếp Đức với Nga qua Biển Baltic. Công trình nhằm mục đích bảo vệ an ninh năng lượng cho Berlin và giúp giảm bớt phụ thuộc vào các nước thứ ba trong công tác vận chuyển khí đốt với chi phí rẻ hơn.
Phần lớn năng lượng của Liên minh châu Âu đến từ Nga thông qua Ukraine và Kiev cũng nhận được khoản phí khổng lồ cho việc sử dụng đường ống.
Công trình này đã bị Washington liên tục phản đối, cho rằng đây là mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của châu Âu. Trong nỗ lực ngăn chặn việc hoàn thành dự án, Nhà Trắng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty tham gia vào việc xây dựng nó. Cho đến nay, 95% đường ống đã được xây dựng.