Đường: “Sát thủ” âm thầm có sức tàn phá không kém ma túy

Phương Thuý |

Thói quen của người Việt Nam ăn rất ngọt và mặn. Ngay cả sữa của trẻ em Việt cũng ngọt hơn so với các nước khác.

Đường: “Sát thủ” âm thầm có sức tàn phá không kém ma túy - Ảnh 1.

Trẻ em Việt ăn quá ngọt từ kẹo cho đến sữa.

Báo động nghiện đồ ngọt

PGS Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay người Việt Nam ăn rất nhiều đường, có thể do thói quen từ ngày xưa. Họ thích ăn đồ ngọt nên ngay cả trẻ nhỏ cũng nghiện đồ ngọt.

Trẻ em Việt Nam có thói quen dùng nhiều nước ngọt mà không thích uống nước lọc.

Có nhiều gia đình cho trẻ uống nước ngọt có gas bất kỳ khi nào các con thích, mà không để ý mỗi lon nước ngọt chứa từ 36-63 gam đường, trong khi khuyến cáo mỗi người chỉ nên sử dụng 20 gam đường/ngày.

Ngoài ra, trẻ em Việt rất thích ăn kẹo. Chỉ cần một cái kẹo thôi đã có thể dỗ dành các bé ngoan ngoãn, không khóc.

Hơn nữa, trong quá trình thực tế, PGS Mai cho biết sữa của trẻ nhỏ ở Việt Nam ngọt hơn hẳn các nước khác, khi sữa ngoại nhập về, doanh nghiệp Việt Nam đã được thêm đường để phù hợp với người Việt Nam hơn.

Nếu so sánh sữa ngoại mua tại nước ngoài mang về nhạt hơn sữa dành cho người Việt rất nhiều.

Theo nghiên cứu, lượng đường của trẻ em ăn vào có tới 40% đến từ sữa. Các loại sữa ở nước ta ngọt hơn hẳn các nước khác.

Trong khi đó, đường từ sữa chủ yếu là chất tạo ngọt, hay còn gọi là đường hóa học.

PGS Mai lo ngại việc sử dụng đường như hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng “chai sạn” đường của người Việt.

Người Việt sẽ không còn cảm nhận được vị ngọt từ đường truyền thống, nhất là trẻ nhỏ, các cháu có vị giác rất nhạy bén và ăn ngọt quá nhiều sẽ không tốt cho sức khoẻ.

Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu cho rằng nếu sử dụng chất tạo ngọt lâu dài sẽ làm mất đi phản xạ của bộ não kiểm soát độ đường huyết và không có phản xạ dừng chế độ ăn.

Nếu một người đang sử dụng chất tạo ngọt có độ ngọt cao khi dừng lại bộ não không còn cảm nhận được chất tạo ngọt truyền thống, não bộ bỏ qua vai trò kiểm soát “no” sẽ dẫn đến tình trạng tăng cân do lượng đường vào cơ thể quá nhiều mà không biết.

Nhiều bệnh tật trong tương lai

PGS Mai cho biết so với tình trạng bệnh tật thừa cân béo phì ở trẻ nhỏ và bệnh tật gia tăng ở người béo phì trưởng thành hiện nay thì đây thực sự là nỗi quan ngại không chỉ của chuyên gia dinh dưỡng mà ngay cả với các bác sĩ cũng thế.

Béo phì gây ra gánh nặng cho ngành y tế, các bệnh viện về nội tiết chuyển hóa đang trở nên quá tải.

Hiện nay, theo các chuyên gia về đái tháo đường thì tỷ lệ mắc tiểu đường typ 2 đang trẻ hoá.

Nếu ở thời điểm cách đây chục năm thì bệnh chỉ xuất hiện ở người trên 40 tuổi thì đến nay trẻ 9 tuổi đã bị tiểu đường typ 2.

Lứa tuổi 18 - 20 cũng xuất hiện nhiều bệnh rối loạn chuyển hóa trong đó có tác nhân đến từ đường.

Đặc biệt, trong những năm gần đây ngày càng có nhiều nghiên cứu tại Mỹ và châu Âu kết luận, đường là thực phẩm gây béo phì nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với chất béo.

Theo CDC (Cơ quan Kiểm soát và Phòng bệnh Mỹ), 30 năm trước khi thực đơn giàu đường, nghèo chất béo bão hòa theo lý thuyết Keys chưa phổ biến, chỉ có 15% dân Mỹ thuộc dạng béo phì.

Đến năm 1999-2000, thời gian thực đơn này được phổ cập rộng rãi, béo phì đã tấn công 27,5% đàn ông Mỹ và 33,4% phụ nữ tại quốc gia này.

Trong khi béo phì là “kẻ tiếp tay” đắc lực các bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường và nhiều chứng bệnh nan y khác.

Lạm dụng đường, nhất là đường tinh luyện, bị coi là chất độc nguy hiểm không thua kém ma túy.

Ăn nhiều đường cơ thể sẽ bị “cướp đoạt” nhiều loại muối khoáng, một số vitamin (nhất là vitamin B1), làm tăng huyết áp, tăng nồng độ trygliceride (mỡ máu), tăng nồng độ cholesterol xấu (LDL) trong máu, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại