Đó là nhận định do tờ Defense News và Forbes đồng loạt đưa ra.
Theo đó, trong nhiệm kỳ của ông Obama, tương tự như chính sách chung của nhiều đời tổng thống đảng Dân chủ trước đó, ngân sách quốc phòng thường được dùng nhiều vào việc triển khai và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu hơn là mua sắm mới.
Mặc dù tân tổng thống Trump thường bày tỏ quan điểm rằng đang có quá nhiều sự lãng phí tại Lầu Năm Góc thì vẫn có một số chương trình có thể nhận được nhiều kinh phí hơn trong những năm sắp đến.
Một số nhà phân tích dự kiến ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2017 có thể tăng 18 tỷ USD so với dự kiến hiện nay. Việc đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện quốc hội sẽ giúp quá trình thông qua ngân sách các chương trình quốc phòng dễ dàng hơn.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump nhiều lần lặp lại lời hứa sẽ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Mỹ, bao gồm các tàu ngầm chiến lược, tên lửa liên lục địa phóng từ trên bộ và máy bay ném bom chiến lược. Chính phủ ông Obama cũng từng đặt ra kế hoạch hiện đại hóa nhưng chưa có thông tin cụ thể ngân sách sẽ được chi như thế nào.
Do đó, các công ty như General Dynamics - chế tạo tàu ngầm, Lockheed Martin - chế tạo tên lửa chiến lược, Northrop Grumman - chế tạo máy bay ném bom, Boeing - chế tạo máy bay tiếp nhiên liệu trên không, nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Ưu tiên thứ hai có thể nằm ở việc tăng quy mô hai quân chủng lục quân và thủy quân lục chiến. Vì vậy, các nhà sản xuất phương tiện quân sự trên bộ như BAE Systems và General Dynamics có thể nhận được các hợp đồng chế tạo mới hay nâng cấp. Các hãng sản xuất trực thăng như Boeing và Sikorsky, thiết bị điện tử, hệ thống phòng không cũng nhiều khả năng được hưởng lợi lớn.
Ông Trump cũng từng nhắc đến việc tăng quy mô quân chủng Hải quân, đưa tổng số tàu chiến từ dưới 300 hiện nay lên 350. Đây là tin tốt lành đối với General Dynamics và Huntington Ingalls Industries - hai nhà sản xuất tàu chiến lớn nhất nước Mỹ.
Việc Donald Trump trở thành Tổng thống có thể là tín hiệu vui đối với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Ảnh: (Michael Vadon/Flickr)
Chính sách quốc phòng của ông Trump còn ủng hộ việc tăng số chiến đấu cơ của Không quân Mỹ, đồng nghĩa với việc quá trình sản xuất F-35 có thể được đẩy mạnh.
Cũng cần phải xem xét chính sách quốc phòng của ông Trump trong toàn cảnh chính sách kinh tế và ngân sách. Theo đó, ông sẽ ưu tiên việc cắt giảm thuế và tập trung đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách cho quốc phòng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, vực dậy các ngành sản xuất luôn là trọng tâm trong chương trình tranh cử của tân tổng thống, và cũng là chìa khóa dẫn đến những thắng lợi tại các bang dao động. Những công ty dẫn đầu trong ngành sản xuất của Mỹ hiện nay không ai khác ngoài các tập đoàn quốc phòng và hàng không.
Hiệp hội công nghiệp hàng không Mỹ (AIA) trong tuyên bố chúc mừng tân tổng thống Trump cũng cho biết họ và các thành viên trong ban vận động tranh cử của ông Trump đã có các cuộc thảo luận từ tháng 6 năm nay về các vấn đề trọng yếu.
Liên quan đến chính sách quốc phòng, một câu hỏi được đặt ra là sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Châu Âu. Tân tổng thống Trump nhiều lần nhấn mạnh việc các thành viên NATO phải chia sẻ thêm trách nhiệm với Mỹ. Ngoài ra, cả ông Trump và tổng thống Putin đều đã dành cho nhau nhiều lời đánh giá rất tích cực.
Tất nhiên, không phải tất cả đều là tin vui đối với ngành công nghiệp quốc phòng. Với xuất thân là một chủ doanh nghiệp, ông Trump chắc chắn sẽ mạnh tay hơn với các chương trình bị đội vốn và kéo dài thời gian. Các hợp đồng với giá trị cố định sẽ được dùng nhiều hơn.
Ngoài ra, chính sách cứng rắn của ông Trump đối với người nhập cư Hồi giáo có thể gây hại đến triển vọng của các hợp đồng xuất khẩu vũ khí giá trị lớn cho các quốc gia Vùng Vịnh.