Được ưa chuộng, ký những hợp đồng vũ khí cực khủng: Nga hốt bạc ở châu Á!

Quang Huy |

Kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga cho các nước Châu Á đang tăng, chiếm tương đương 2/3 tổng số, và trong tương lai, tỷ lệ này còn tăng do nhu cầu cao của Iran cũng như Ấn Độ.

Chờ đón những hợp đồng xuất khẩu vũ khí khủng

Moscow đang tiến hành đàm phán với Tehran về các bản hợp đồng cung cấp vũ khí trị giá lên tới gần 10 tỷ USD. Trước đó, Ấn Độ đã thông qua kế hoạch mua 464 xe tăng T-90 của Nga trị giá khoảng 2 tỷ USD. Dehli hiện nay đang là khách hàng nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga.

Trong những năm gần đây, Nga và Iran có những cách tiếp cận tương đồng trước các vấn đề quốc tế. Trước tiên, những nỗ lực của Moscow và Tehran đều tập trung vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria và tiêu diệt tổ chức khủng bố quốc tế tại nước cộng hòa Ả Rập này.

Để giành được thắng lợi trước các phiến quân tại Syria, cần phải thống nhất hành động cả về quân sự và chính trị. Từ tháng 9/2015, Quân đội Nga và Iran đã phối hợp trong khuôn khổ hoạt động của Trung tâm thông tin ở Bagdad (đây là trung tâm phân tích-trinh sát chuyên thu thập và xử lý thông tin về quân khủng bố trên lãnh thổ Syria và Iraq).

Sau cuộc hội đàm với tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Hasan Rouhani, chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko đã thông báo rằng, mối quan hệ với Iran "đã bước lên tầm đối tác chiến lược".

Đằng sau tuyên bố này có thể không chỉ là những nhiệm vụ chính trị, mà cả sự hợp tác chặt chẽ về kỹ thuật-quân sự. Cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố không thể mang lại hiệu quả nếu không có các lực lượng vũ trang hiện đại và thiện chiến.

Được ưa chuộng, ký những hợp đồng vũ khí cực khủng: Nga hốt bạc ở châu Á! - Ảnh 1.

Xe tăng T-90 của Nga

Hôm 14/11, người đứng đầu Tiểu ban về quốc phòng và an ninh của Thượng viện Nga, ông Victor Ozerov chia sẻ rằng, Iran đang rất quan tâm tới xe tăng T-90, pháo, máy bay và trực thăng vì quân đội của họ là một trong những lực lượng được trang bị kỹ thuật yếu kém nhất so với các quốc gia Trung Đông và Châu Á khác.

Việc thiếu hụt các kênh cung cấp những sản phẩm tiên tiến đã khiến cho quân đội 550 nghìn người của Iran chỉ được trang bị các loại vũ khí lỗi thời của những năm 1950 – 1960, số ít của những năm 1970.

Lục quân của Iran phải tự bằng lòng với sức mạnh chiến đấu của xe tăng T-72 và T-62, cũng như các loại xe tăng nhẽ ra phải đưa vào viện bảo tàng từ lâu như T54/55 và M60 của Mỹ.

Không quân của Iran cũng không có gì sáng sủa. Hiện giờ các máy bay "Phantom" F-4, F-5, F-14 của Mỹ hay như tiêm kích MiG-29 và máy bay ném bom Su-24 đã già cỗi nhưng lại vẫn đang là những cỗ máy chủ lực.

Hạm đội của Iran xứng đáng với tên gọi mỉa mai - "muỗi". Lực lượng này bao gồm 3 chiếc tàu ngầm diezel đề án 877 "Paltus" của Liên Xô, 20 chiếc tàu ngầm siêu nhỏ sản xuất trong nước, 7 tàu hộ vệ, 10 tàu tên lửa, 10 tàu đổ bộ hạng nhỏ và 50 tàu tuần tra.

Trong những năm cấm vận, Iran không thể xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng có khả năng sao chép các mẫu vũ khí nước ngoài. Sự vươn ra trường quốc tế đúng nghĩa của Tehran không thể được thực hiện nếu không cải tiến mạnh mẽ các lực lượng vũ trang.

Căn cứ vào mối quan hệ đối đầu với Mỹ, Nga trở thành nhà cũng cấp vũ khí hiện đại không thể thay thế được đối với Iran.

Được ưa chuộng, ký những hợp đồng vũ khí cực khủng: Nga hốt bạc ở châu Á! - Ảnh 2.

Tiêm kích MiG-29 của Không quân Iran. Ảnh: Airliners.net.

"Vấn đề tương lai"

Trong hai chục năm tới, các doanh nghiệp của Nga có thể thực hiện các bản hợp đồng trị giá hàng tỷ USD, và Iran có thể sẽ chiếm vị trí khách hàng lớn nhất của Nga từ tay Ấn Độ.

Vào thời điểm hiện nay, giữa Moscow và Tehran còn tồn tại 2 vấn đề cơ bản: Các biện pháp trừng phạt và nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái. Rào cản đầu tiên có lẽ sẽ biến mất vào năm 2020, còn rào cản thứ hai – hoàn toàn phụ thuộc vào giá năng lượng.

Hôm 14/7/2015, Iran chấp thuận từ bỏ chương trình nghiên cứu nguyên tử của mình để đổi lấy việc các biện pháp trừng phạt được bãi bỏ. Gần như tất cả các biện pháp trừng phạt kinh tế đã được dỡ bỏ, nhưng thay vào đó là những biện pháp mới được áp dụng liên quan tới nhập khẩu vũ khí.

Theo phán quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 20/7/2015, đến năm 2020 các quốc gia thành viên của tổ chức này phải thống kê danh sách vũ khí bán cho Iran.

Trưởng phòng nghiên cứu các cuộc xung đột Trung Đông của Viện Nghiên cứu tiến bộ (Nga), ông Anton Mardasov, trong cuộc nói chuyện với hãng thông tấn RT (Nga) cho rằng, việc ký kết những thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Iran là "vấn đề tương lai": "Có thể ký kết các hợp đồng, nhưng chúng sẽ bị Hội đồng Bảo an vô hiệu hóa.

Phó giáo sư Viện Khoa học xã hội thuộc Học viện kinh tế quốc dân và quản lý nhà nước của Nga, ông Sergei Demidenko kêu gọi không nên ảo tưởng về các bản hợp đồng với Iran:

"Thứ nhất, người Iran là những chuyên gia đàm phán rất phức tạp. Họ luôn tranh đấu vì lợi ích của mình và rất khó tìm được sự nhượng bộ với họ.

Thứ hai, Tehran nhiều khả năng không có số tiền 10 tỷ đôla mặc dù nhu cầu vũ khí của họ là rất lớn. Đúng là nền kinh tế của quốc gia này đang ổn định trở lại sau khi các biện pháp trừng phạt được bãi bỏ, nhưng chi ra những số tiền lớn cho quốc phòng là điều Iran khó có thể làm được".

Chuyên gia này cho rằng, Iran đang bày ra một trò chơi đối ngoại để đạt được những điều kiện tốt nhất cho mình:

"Tehran mang mong muốn mua số lượng lớn vũ khí của Nga đem ra doạ phương Tây hòng tìm kiếm sự nhượng bộ. Không nên có ảo tưởng cho rằng Iran có thể áp đặt những điều kiện chính trị nào đó để đổi lấy điều kiện thuận lợi khi mua vũ khí.

Đồng minh duy nhất của Iran chính là Iran, và sự việc liên quan tới căn cứ không quân Hamadan khi người Iran suy nghĩ lại và từ chối không cho chúng ta mượn nó để khai thác là bằng chứng rõ nét nhất của cái cách mà họ coi trọng các thỏa thuận", ông Demidenko nhấn mạnh.

T-90 dành cho Ấn Độ

Giáo sư bộ môn Phương Đông học thuộc Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (Nga), tiến sĩ sử học Sergei Lunev tuyên bố với RT rằng, nhiệm vụ trước tiên của Nga trên thị trường vũ khí quốc tế không phải là thuyết phục những khách hàng còn đắn đo, mà là phục vụ những đối tác truyền thống có uy tín.

Nếu không, những thiệt hại về tài chính và rủi ro về chính trị là điều không thể tránh khỏi. Theo ý kiến của chuyên gia này, vào thời điểm hiện nay cần phải đáp ứng nhu cầu mua xe tăng T-90 của Ấn Độ, quốc gia có uy tín gần như tuyệt đối.

Trong tuần trước, hãng thông tấn Sputnik căn cứ vào những nguồn tin của mình thông báo rằng, Ấn Độ dự định mua của Nga 464 xe tăng T-90MS tiên tiến. Quyết định này được Ủy ban mua sắm quân sự Bộ Quốc phòng Ấn Độ đưa ra.

Được ưa chuộng, ký những hợp đồng vũ khí cực khủng: Nga hốt bạc ở châu Á! - Ảnh 3.

Xe tăng T-90MS.

Giám đốc Trung tâm phân tích hoạt động kinh doanh vũ khí quốc tế (Nga), ông Igor Korotchenko chỉ rõ rằng, đây là một bản hợp đồng lớn nữa.

Tổng biên tập Tạp chí Moscow Defense Brief, chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ, ông Vasily Kashin nhận định, ở Ấn Độ người ta áp dụng quy trình thông qua các hoạt động mua sắm vũ khí vô cùng phức tạp. Theo ý kiến của ông, đây đúng là một tin tốt, nhưng không nên kỳ vọng bản hợp đồng sẽ được ký kết trong thời gian tới.

Hồi giữa những năm 2000, Ấn Độ bắt đầu triển khai mua hàng loạt xe tăng T-90 và thiết lập dây chuyền lắp ráp tại Công ty Heavy Vehicle Factory (HVF) tại Ấn Độ.

Dehli có được giấy phép sản xuất 1.000 chiếc T-90. Hiện nay đã lắp ráp được hơn 700 chiếc với tên gọi là Bhishma. Quân đội Ấn Độ hiện đang sở hữu hơn 6 nghìn chiếc xe tăng, chủ yếu là T-72 và T-90.

Theo ý kiến của chuyên gia Anton Mardasov, T-90, có lẽ, là chiếc xe tăng tốt trên thế giới về giá cả và chất lượng, nó thực hiện rất tốt các nhiệm vụ của mình trong mọi điều kiện thời tiết:

"Xe tăng Nga chứng tỏ được khả năng sinh tồn và sức mạnh hỏa lực của mình. Căn cứ vào việc xe tăng là vũ khí để đột phá, vì thế T-90 có thể chứng tỏ được tất cả những tính năng đó".

Vai trò của Ấn Độ như một nhà nhập khẩu vũ khí Nga là không thể phủ nhận. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2011-2015, 39% tổng doanh thu xuất khẩu vũ khí Nga đến từ Ấn Độ.

Theo tổng kết của năm 2014, 50% chi phí mua vũ khí của Ấn Độ là từ Nga (2,146 tỷ đôla), 25% từ Mỹ (1,138 tỷ đôla).

Nga xếp vị trí thứ hai trong danh sách các quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Theo bảng xếp hạng của SIPRI, trong giai đoạn 2011-2015, Moscow xếp vị trí thứ hai với 25% thị phần (tăng 3% so với cùng kỳ 5 năm trước và 28% về giá trị tuyệt đối).

Ngoài Ấn Độ, những khách hàng chính của Nga còn có Việt Nam, Trung Quốc, các nước Châu Phi và Trung Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại