Không quân Hải quân Nga liên tiếp nhận Su-30SM
Được biết, chiếc Su-30SM này có số series 10MK5 1406 mang số hiệu 70 "xanh" trên thân sau khi bay thủ thành công sẽ được bàn giao cho lực lượng Không quân hải quân Nga.
Có tin cho rằng, chiếc máy bay tiêm kích đa năng Su-30SM này sẽ được biên chế cho căn cứ không quân số 72 thuộc Hạm đội Baltic.
Động thái này đánh dấu bước chuyển biến lớn, tái trang bị cho đơn vị không quân vốn đang sử dụng các máy bay cường kích Su-24 và máy bay trinh sát Su-24R phiên bản hải quân đồn trú tại căn cứ sân bay Chernyahovsk thuộc khu vực Kaliningrad.
Các máy bay cũ có thể sẽ được đưa vào niêm cất hoặc được biên chế cho một trung đoàn không quân cường kích hải quân độc lập.
Chiếc tiêm kích Su-30SM phiên bản hải quân số hiệu 70 "xanh" thực hiện bay thử. Ảnh: Алексей Коршунов / russianplanes.net
Tuy nhiên, tiến trình hoàn tất việc tái trang bị cho căn cứ không quân số 72 có thể sẽ còn phải chờ lâu vì số lượng máy bay mới được bàn giao rất nhỏ giọt, thế nên, trước khi chính thức được biên chế cho đơn vị, chiếc Su-30SM kể trên có thể sẽ được chuyển tới Trung tâm huấn luyện phi công hải quân số 859 ở Yeisk, khu vực Krasnodar.
Đến nay, Hải quân Nga đã ký 4 hợp đồng đặt mua tổng cộng 28 chiếc Su-30SM phiên bản hải quân, trong đó 10 chiếc đã được sản xuất trong giai đoạn 2014-2016, bao gồm 9 chiếc (số hiệu từ 35 đến 43) đã được biên chế cho Trung đoàn không quân cường kích hải quân độc lập số 43 thuộc Hạm đội Biển Đen đồn trú ở Saki (bán đảo Crimea).
Chiếc Su-30SM còn lại (số hiệu 45 "xanh") mang số series 10MK5 1403 được Liên hiệp chế tạo máy bay Irkutsk giữ lại tại nhà máy, có thể là để tiếp tục thử nghiệm, hoàn thiện, tích hợp thêm các hệ thống vũ khí mới, sau đó cũng sẽ được bàn giao cho Trung đoàn 43 vào cuối năm nay.
Việc sản xuất và bàn giao 17 chiếc Su-30SM phiên bản hải quân còn lại sẽ được thực hiện trong 2 năm tới, tuy nhiên, số lượng máy bay đã đặt mua không đủ để trang bị hoàn thiện cho Trung đoàn không quân số 43 và một phi đội (hoặc trung đoàn) mới của Hạm đội Biển Đen.
Do vậy, rất có thể trong giai đoạn 2020-2021, Hải quân Nga sẽ buộc phải đặt mua thêm một lượng lớn tiêm kích đa năng Su-30SM phiên bản hải quân để đáp ứng yêu cầu thay thế máy bay cũ và xây dựng biểu biên chế mới.
Thế nên, trong mọi trường hợp, việc tái trang bị cho phi đội không quân tại căn cứ Chernyahovsk sẽ chỉ được bắt đầu từ năm 2018.
Chiếc tiêm kích Su-30SM phiên bản hải quân số hiệu 70 "xanh" thực hiện bay thử. Ảnh: Алексей Коршунов / russianplanes.net
Tại sao bỏ qua Su-30MK2 để chọn Su-30SM phiên bản hải quân?
Hiện nay, Nga có tới 2 nhà máy chuyên sản xuất dòng máy bay Su-30, trong đó Su-30MK2 và Su-30M2 của Liên hiệp chế tạo máy bay thành phố Thanh niên cộng sản bên sông Amur (KnAAPO) chế tạo và Su-30SM (và các biến thể Su-30 có "cánh mũi") của Liên hiệp chế tạo máy bay Irkutsk.
Mặc dù Su-30MK2 khá hiện đại và toàn diện, được thiết kế thiên về tác chiến trên biển nhưng đã không được Không quân Hải quân Nga lựa chọn đặt mua, mà thay vào đó, họ chọn Su-30SM phiên bản hải quân. Có thể thấy đây là lựa chọn hoàn toàn chính xác và dễ hiểu:
Thứ nhất, Su-30SM có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với Su-30MK2, nhất là về tính năng kỹ - chiến thuật.
Thứ hai, Su-30SM có nhiều điểm tương đồng với các phiên bản Su-30 có "cánh mũi" đang được Irkutsk sản xuất với số lượng lớn, phục vụ cả xuất khẩu và sử dụng trong nội địa (Không quân - Vũ trụ Nga) nên có ưu thế về giá thành, sẵn kinh kiện phụ tùng thay thế, đồng bộ với Su-30SM của không quân.
Thứ ba, công tác chuyển loại cho phi công lên Su-30SM sẽ thuận lợi hơn nhiều do dòng máy bay này đã được trang bị hàng loạt, công tác huấn luyện và chiến thuật sử dụng đã thành hình, vận hành trơn tru, giúp rút ngắn thời gian đào tạo.
Thứ tư, do Su-30MK2 của KnAAPO đã không còn được khách hàng đặt mua thêm nên sớm muộn gì dây chuyền sản xuất sẽ phải chuyển sang tập trung sản xuất Su-35 (và phiên bản huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-30M2) cùng máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 T-50 Pak-FA.
Có lẽ, chính KnAAPO cũng chẳng mặn mà với Su-30MK2 nữa khi gần đây công tác tiếp thị xuất khẩu dòng máy bay này hầu như ít được quan tâm và các đơn hàng dành cho thế hệ máy bay kế tiếp (Su-35, T-50 Pak-FA) đang tới tấp bay về, làm không hết việc.
Xét về tổng thể, đây là quyết định rất hợp lý, đáng được khen ngợi của Bộ Quốc phòng Nga khi phân phối nguồn lực thích đáng, tập trung cho những mục tiêu dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Nga, trong đó có Không quân - Vũ trụ và không quân hải quân.
Hơn ai hết, chính những phi công của Không quân hải quân Nga là những người hài lòng nhất với quyết định này vì lâu lắm rồi họ được sở hữu một dòng máy bay tối tân hằng mơ ước. Có thể họ sẽ không nói ra miệng, nhưng chắc chắn là rất ưng cái bụng, thầm ngợi khen hết lời.