Chi 2 tỷ USD thay thế tàu tên lửa 1241RE: Tự đóng trong nước, chọn loại tàng hình!

Nguyễn Bình |

Chương trình chế tạo 7 tàu thế hệ mới thay cho các tàu tên lửa tấn công nhanh dự án 1241RE đã cũ đang chuẩn bị được công bố. Yêu cầu cao nhất là "tự đóng trong nước".

Đó là kế hoạch mới nhất của Hải quân Ấn Độ khi đưa ra đầu bài cho gói thầu đóng 7 tàu hộ vệ tên lửa thế hệ mới trị giá tới 2 tỷ USD nhằm thay thế các tàu tên lửa tấn công nhanh dự án 1241RE do Nga chế tạo, theo trang Defense News.

Theo luật "Sản xuất tại Ấn Độ" của chính phủ nước này, sẽ chỉ có các công ty đóng tàu nội địa được tham gia đấu thầu.

Về tổng thể, các tàu hộ vệ tên lửa mới sẽ được chế tạo tại các nhà máy đóng tàu của Ấn Độ, tuy nhiên một số hệ thống chủ chốt của những tàu này, đặc biệt là vũ khí, sẽ được nhập khẩu từ nước ngoài, một quan chức Hải quân Ấn Độ cho biết.

"Tôi chắc chắn rằng các công ty đóng tàu hàng đầu của Nga và châu Âu sẽ rất tiếc nuối vì không được tham gia hợp đồng béo bở này", nhà bình luận quân sự Anil Jai Singh - một thuyền trưởng Hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu chia sẻ.

Chi 2 tỷ USD thay thế tàu tên lửa 1241RE: Tự đóng trong nước, chọn loại tàng hình! - Ảnh 1.

Tàu tên lửa tấn công nhanh dự án 1241RE của Hải quân Ấn Độ

"Các hệ thống buộc phải nhập khẩu có thể là tổ hợp phòng không tầm ngắn SRSAM, radar trinh sát, ngư lôi và động cơ. Phần còn lại sẽ do Ấn Độ tự đảm trách như pháo chính, hệ thống tên lửa chống hạm, rocket, sonar, và hầu hết hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường và tác chiến điện tử", Sujeet Samaddar - một cựu sĩ quan Hải quân Ấn Độ phân tích.

Theo hồ sơ mời thầu gửi tới các nhà thầu, Hải quân Ấn Độ yêu cầu những chiếc tàu tên lửa mới phải có tầm hoạt động xa hơn, có khả năng phát hiện và đối phó với các tàu ngầm hạt nhân tấn công, có khả năng tác chiến săn ngầm, phòng thủ nội địa, tuần tra bảo vệ lãnh hải cũng như tham gia các chuyến thăm viếng ngoại giao hải quân, tìm kiếm cứu nạn,...

"Tàu hộ vệ tên lửa thế hệ mới phải có tốc độ cao với hỏa lực mạnh, lý tưởng cho hoạt động tuần tra ở môi trường ven biển. Những con tàu này cần được trang bị tên lửa chống hạm uy lực cùng hệ thống phòng thủ điểm và được tích hợp các công nghệ tàng hình tiên tiến", ông Singh phân tích thêm.

Theo quan chức Bộ quốc phòng Ấn Độ, trong năm tới hồ sơ mới thầu chính thức sẽ được phát hành tới các công ty đóng tàu nội địa, trong đó có các công ty đóng tàu quốc doanh Mazagon Docks Ltd. (MDL), Garden Research Shipbuilders & Engineers Ltd. (GRSE), Hindustan Shipyard Ltd. và Cochin Shipyard Ltd.

Đối với khối tư nhân, các công ty có thể tham gia đấu thầu gồm Reliance Defence and Engineering Ltd (RDEL) - trước đây là Pipavav Defence - cũng như Offshore Engineering and Larsen & Toubro (L&T) Ltd.

Xét về lịch sử, hiện mới chỉ có 2 công ty quốc doanh là MDL và GRSE đã từng thực hiện những gói thầu tương tự trong quá khứ, quan chức Hải quân Ấn Độ lưu ý.

Gói thầu đóng tàu tên lửa béo bở này bỗng dưng xuất hiện vào đúng tời điểm ngân sách quốc phòng Ấn Độ gần như không tăng trong 2 năm vừa qua đã làm dấy lên câu hỏi về vấn đề "đầu tiên".

Chi 2 tỷ USD thay thế tàu tên lửa 1241RE: Tự đóng trong nước, chọn loại tàng hình! - Ảnh 2.

Hải quân Ấn Độ biểu dương lực lượng.

"Tôi hiểu là kế hoạch dài hạn trong giai đoạn từ 2017-2032 đã được chuẩn bị và ngân khoản dành cho chương trình này đã được tính tới" ông Samaddar nói.

Kế hoạch này, mới được hé lộ đầu năm nay yêu cầu phát triển một loạt công nghệ tương lai, bao gồm pháo, tên lửa hải quân, hệ thống động lực, hệ thống trinh sát, cảnh giới, ngư lôi, hệ thống vũ khí năng lượng có điều khiển, tàu ngầm và tác chiến chống ngầm, không quân hải quân, thiết bị tác chiến không gian mạng tập trung cũng như hệ thống quản lý chiến đấu.

"Tới năm 2027, Hải quân Ấn Độ có kế hoạch sở hữu tới 200 tàu chiến, tăng đáng kể so với mức chỉ 140 tàu hiện nay", quan chức Hải quân nước này cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại