Gan là tạng lớn nhất trong cơ thể, ví như một nhà máy hoá chất, có nhiệm vụ phân tích và tổng hợp các chất trong cơ thể. Do vậy, gan rất dễ bị trúng độc. Viêm gan trúng độc là chỉ một loại bệnh mà gan bị tổn thương bởi chất độc, hoặc gan quá mẫn cảm với một chất độc nào đó...
Biểu hiện lâm sàng là người bệnh thường thấy mệt mỏi, chán ăn, nôn oẹ, sốt, đau vùng gan, da vàng, xuất huyết...
Cách điều trị bằng liệu pháp ăn uống đối với bệnh này rất quan trọng. Nguyên tắc ăn uống khi gan bị trúng độc là dùng các chất giàu protit, giàu đường và hạn chế mỡ, bổ sung đủ lượng vitamin để bảo vệ chức năng gan, giúp gan phục hồi.
Sau đây xin giới thiệu một số món ăn phòng trị bệnh viêm gan trúng độc.
Bài 1: Cơm cam thảo đậu xanh: cam thảo tươi 30g, đậu xanh 100g, gạo 100g. Cam thảo thái lát, đậu xanh và gạo rửa sạch. Tất cả cho vào nồi cùng lượng nước vừa phải nấu như nấu cơm bình thường. Ăn ngày 2 lần sáng và tối, mỗi lần 100g. Tác dụng tạo nước bọt, thanh nhiệt giải độc. Dùng cho người viêm gan trúng độc.
Bài 2: Chè đường trắng cam thảo: cam thảo tươi 30g, đường trắng 30g. Cam thảo rửa sạch, thái lát cho vào nấu cùng 250ml nước. Đun to lửa cho sôi, sau đó đun nhỏ lửa khoảng 10 phút nữa là được. Uống thay chè trong ngày. Công dụng giảm đau, giải độc. Dùng cho người viêm gan do trúng độc bởi các loại thuốc.
Một số tác nhân khiến gan bị tổn thương.
Bài 3: Canh đậu xanh cam thảo: cam thảo tươi 30g, đậu xanh sống 100g. Cam thảo rửa sạch thái mỏng, đậu xanh rửa sạch loại bỏ tạp chất. Cho tất cả vào nồi cùng 400ml nước đun to lửa cho sôi sau đó đun nhỏ lửa thêm 1 giờ nữa. Chia uống 2 lần trong ngày. Công dụng giảm đau, thanh nhiệt, giải độc. Người viêm gan do trúng độc dùng canh này ăn hằng ngày.
Bài 4: Cháo đậu xanh rau dền, đường phèn: đậu xanh 100g, rau dền 100g, đường phèn 20g, gạo 100g. Cho đậu và gạo đãi sạch cho vào nồi cùng 500ml nước đun chín. Sau đó cho đường và rau dền vào đun lại cho sôi là ăn được. Chia ăn 2 lần trong ngày. Công dụng thanh nhiệt, giải độc, chống khát. Dùng cho người viêm gan trúng độc.
Bài 5: Cam thảo đậu xanh hầm vịt trắng: cam thảo tươi 20g, đậu xanh 90g, thịt vịt trắng 200g, muối 5g. Tất cả rửa sạch, thịt vịt cắt miếng vuông 4cm cho vào nồi nấu cùng 500ml nước. Đun to lửa cho sôi sau đó hạ lửa nhỏ cho chín nhừ, khi ăn cho muối khuấy đều. Dùng ngày 1 lần ăn 50g thịt vịt, đậu và canh ăn tuỳ ý. Công dụng thanh nhiệt, giải độc, bình gan, lợi thuỷ. Dùng cho người viêm gan trúng độc.
Một số loại nước uống và món ăn người viêm gan do các nguyên nhân khác có thể dùng:
Hạt mướp già sao lên rồi tán thành bột mịn, mỗi lần uống 4g. Chữa vàng da.
Nước sắc hạt dành dành: hạt dành dành đun nước uống chữa vàng da.
Nước vừng đen: vừng đen 10g. Sắc nước uống. Chữa viêm gan có đau tức hạ sườn.
Nước rễ cỏ tranh: rễ cỏ tranh tươi 250g cắt nhỏ, nước 800ml. Đun lửa to cho sôi sau đó đun nhỏ lửa 10 phút, lấy nước uống thay nước chè trong ngày. Chữa xơ gan báng bụng, thuộc chứng gan thận âm hư. Biểu hiện đau mạng sườn phải, miệng khô, gầy yếu không muốn ăn, đau đầu, toàn thân mệt mỏi, chi đau buốt, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít.
Ốc luộc: Ốc nhỏ (còn gọi ốc nứa, ốc đá). Bắt về ngâm nước vo gạo cho nhả hết đất rồi cho vào luộc chín nhể ruột ăn và uống nước luộc ốc. Có thể ăn hằng ngày. Chữa viêm gan vàng da do rượu.
Nhộng tằm chao dầu: Nhộng tằm 200g, dầu ăn 1 thìa. Cho dầu vào chảo đun sôi lên rồi thả nhộng vào chao lên cho chín để ăn. Chữa viêm gan, gan xơ cứng.
Táo đỏ, trần bì: táo đỏ 6 quả, trần bì 15g, nước 400g. Táo đỏ bỏ hạt, bỏ vào nồi cùng trần bì cho nước vào đun to lửa cho sôi là được. Ngày dùng 1 thang ăn táo uống nước. Trị viêm gan do ứ mật.