Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án "con ruồi trong chai Number1" đã khép lại. HĐXX tuyên y án sơ thẩm 7 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản đối với Võ Văn Minh (SN 1980, quê Tiền Giang).
Tuy tòa đã xử, án đã tuyên, thế nhưng cộng đồng vẫn còn thắc mắc về chất lượng sản phẩm của THP, khi THP không đề nghị cơ quan chức năng điều tra về nguồn gốc của chai nước ngọt có ruồi, mà lại thương lượng với anh Minh để mua lại sự im lặng về sản phẩm?
Che dấu sản phẩm lỗi là việc làm nguy hiểm với khách hàng
Trong các lời khai của anh Minh xuyên suốt từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm điều khẳng định sau khi phát hiện chai nước ngọt có ruồi, Minh gọi điện cho THP, hai bên thỏa thuận giá mua và bán sự im lặng (không đưa thông tin chai nước ngọt có ruồi ra trước công luận với giá từ 1 tỷ xuống còn 500 triệu).
Lời khai này cũng hoàn toàn phù hợp so với lời khai của bà Bích, ông Dũng, ông Long, ông Trung là người của THP thương lượng giá với anh Minh. Hành động từ những người này đủ cơ sở để khẳng định việc mua sự im lặng từ anh Minh của THP là có thật.
Hành vi đó đã vi phạm Khoản 2 điều 30 của luật bảo vệ người tiêu dùng: "Không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng."
Anh Võ Văn Minh được dẫn đến phiên tòa phúc thẩm ngày 8/9 vừa qua.
"Tôi nhận thấy rằng, bị báo Minh là người ở vùng quê xa xôi, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. THP là một doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, đội ngũ nhân sự có trình độ, hiểu biết pháp luật cao, nhưng lại thương lượng để mua sự im lặng về khiếm khuyết về sản phẩm nước giải khát của mình.
Việc người trong cuộc không đưa sản phẩm lỗi đó ra trước cộng đồng là một việc làm nguy hiểm. Nó sẽ gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng khi họ sử dụng.", Luật sư Phạm Công Hùng (Nguyên thẩm phán TAND Cấp Cao) cho biết.
Theo luật sư Hùng phân tích, khách hàng có quyền biết những thông tin liên quan đến sản phẩm của họ từ mặt tốt cho đến cái xấu. Từ đó, khi sử dụng họ sẽ không bị hậu quả do sản phẩm lỗi gây ra (nếu có).
Trong Điều 8 luật bảo vệ người tiêu dùng, khách hàng sẽ được đảm bảo sức khỏe, tính mạng, tài sản,… khi sử dụng hàng hóa mà người bán cung cấp. Họ phải được bên bán thông tin chính xác về hàng hóa.
Khi phát hiện hàng hóa không đúng tiêu chuẩn mà bên bán đã công bố trước đó, khách hàng có quyền bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện người bán
Do vậy, không riêng gì anh Minh, mà bất kỳ ai thông tin ra cộng đồng về những "khuyết tật" của sản phẩm khi gặp phải trong lúc tiêu dùng, đều hoàn toàn đúng với pháp luật.
Luật sư Phạm Công Hùng
Luật sư Hùng nói: "Cái lo sợ của THP trong vụ này không phải sợ bị báo Minh đe dọa để chiếm đoạt tài sản mà sợ bị mất uy tín kinh doanh. Từ đó đã thỏa thuận bỏ 500 triệu để mua sự im lặng của anh Minh. Tôi có thể chia sẻ sẽ có những trục trặc trong quy trình sản xuất. Tuy nhiên, khi có sự cố, họ phải công khai thừa nhận, cảnh báo người tiêu dùng và thu hồi sản phẩm lỗi.
Đằng này, THP đã mua sự im lặng của bị cáo Minh để tiếp tục cho ra những sản phẩm không chuẩn mực. Đặc biệt là nước giải khát, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng tài sản, sức khỏe của người tiêu dùng."
Thông tin cho cộng đồng là cách để chúng ta bảo vệ lẫn nhau
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng – Đoàn Luật sư TPHCM cũng nêu lên quan điểm của mình, rằng THP giải thích sợ anh Minh nói ra thì người mua khác sẽ hoang mang về sản phẩm là không đúng.
Làm kinh doanh, không chỉ lãnh đạo của THP là bất kỳ nơi nào cũng vậy, việc chứng minh sản phẩm của mình là sản phẩm tốt sẽ hiệu quả hơn là bưng bít thông tin. Chưa nói đến việc sản phẩm của họ bị lỗi, hư hại,… một khi được bán ra thị trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với người sử dụng.
Nếu như THP tự tin chai nước có ruồi kia không phải của công ty mà là hàng giả mạo, thì sẽ không lo sợ khi anh Minh khiếu nại. Vì một khi anh Minh gửi đơn lên Ban bảo vệ người tiêu dùng thì cơ quan này có trách nhiệm xác minh làm rõ về chai nước ngọt trên. Điều đó kéo theo quyền lợi của THP sẽ được bảo vệ nếu như chai Number1 kia "từ trên trời rơi xuống".
Từ vụ án liên quan đến anh Minh, người tiêu dùng nên tự bảo vệ lẫn nhau bằng việc thông tin thay vì im lặng thỏa hiệp, ảnh minh họa.
"THP cho rằng chai nước có ruồi không phải là sản phẩm của mình, nếu THP tự tin về dây chuyền sản xuất của mình, thì không lý nào lại không báo công an ngay lúc bị báo Minh gọi điện thương lượng mà công ty này lại giải quyết khiếu nại bằng cách đề nghị tặng sản phẩm và xin nhận về chai nước?
THP giải quyết vấn đề theo hướng bưng bít thông tin nhằm bảo vệ lợi ích và lợi nhuận của mình mà không nghĩ đến sức khỏe của khách hàng là một hành động vô cùng nguy hiểm. Ảnh hưởng trực tiếp đến sự trong sạch của doanh nghiệp, tính mạng của người tiêu dùng.", Luật sư Hưng chia sẻ.
Theo luật sư Hùng, việc đưa thông tin khiếm khuyết của sản phẩm ra công luận không phải là một hành vi manh động. Công ty THP cho rằng anh Minh muốn cho cộng đồng biết chai nước ngọt của THP có ruồi là việc làm bậy và manh động là hết sức sai lầm. Bởi vì chai nước ngọt có ruồi ấy sẽ gây nguy hiểm đến người uống (trong trường hợp người mua không phát hiện mà sử dụng).
Nếu ngay từ đầu, anh Minh không nên thỏa hiệp, mà quyết tâm gửi đơn yêu cầu Ban bảo vệ người tiêu dùng làm rõ về nguồn gốc chai nước ngọt trên, thì phiên tòa vừa qua sẽ không khép lại trong sự ấm ức của anh.
Vì trường hợp chai nước ngọt được chứng thực là có ruồi và có nguồn gốc từ THP, thì anh Minh có quyền yêu cầu bồi thường. Từ đó cộng đồng cũng sẽ được bảo vệ khỏi sản phẩm gây hại.
Thế nhưng anh Minh lại chấp nhận bán sự im lặng của mình để rồi gây nên cảnh hại người hại mình. Anh bị tuyên án 7 năm tù giam, còn cộng đồng thì mãi không rõ những sản phẩm khác từ công ty này có chất lượng hay không.
Bên cạnh đó, cách xử lý của THP cũng khiến người mua nghĩ rằng họ chẳng những không được bảo vệ quyền lợi, mà còn có thể trở thành một Võ Văn Minh thứ hai nếu như lại có một chai nước ngọt khác rơi... từ trên trời xuống.