"Con ruồi trong chai Number1": Những câu hỏi chưa được làm rõ

Khắc Thành |

Ngày 8/9, TAND cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm vụ án "con ruồi trong chai Number1". Trước đó, tòa sơ thẩm phạt bị cáo 7 năm tù, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ.

Có phải là giao dịch dân sự?

Tại tòa sơ thẩm, bị cáo Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ Tiền Giang) cho biết, khi phát hiện chai Number1 có ruồi bên trong đã liên hệ với nhà sản xuất là Tân Hiệp Phát để "thương lượng" bán lại sản phẩm.

Mục đích của việc lấy tiền của Tân Hiệp Phát là vì muốn mua mấy miếng đất. "Tôi không biết đó làm phạm tội cưỡng đoạt tài sản và bị khởi tố", bị cáo cho biết.

Luật sư Phạm Hoài Nam, người bào chữa cho Minh cho biết, Minh là hộ kinh doanh ăn uống. Luật Bảo vệ người tiêu dùng không ai cấm người bán hàng được sử dụng sản phẩm. Khi anh Minh phát hiện con ruồi anh đã gọi cho Tân Hiệp Phát thể hiện thiện chí.

"Ngay từ đầu, anh Minh đã chọn cách thương lượng, Tân Hiệp Phát cũng là người chọn thương lượng để giải quyết. Còn về quan điểm chai nước 10.000 đồng mà đòi 500 triệu đồng là quá lớn, tôi cho rằng suy nghĩ như vậy là phiến diện, nhiều công ty khác ở nước ngoài khi sản phẩm bị lỗi họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đôla là bình thường" - luật sư Nam phân tích.

Còn luật sư Nguyễn Tấn Thi, bào chữa cho bị cáo cũng cho rằng anh Minh hoàn toàn có quyền cung cấp thông tin cho báo chí theo Luật Báo chí. Khi báo chí nhận được tin còn phải qua nhiều khâu xét duyệt nữa, nên thông tin anh Minh cung cấp chưa chắc được đăng. Nếu có đăng thì thông tin anh Minh cung cấp cũng không phải là nguyên nhân gây thiệt hại trực tiếp.

Thứ hai, Minh cũng có quyền phản ánh đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu Minh báo cho người tiêu dùng thì cũng không gây hại gì cho Tân Hiệp Phát. Thứ 3, việc anh Minh nói với Tân Hiệp Phát sẽ đăng lên mạng xã hội và phát tờ rơi là hình thức cung cấp thông tin.

Minh tiếp nhận một sản phẩm bị lỗi nên có quyền nói theo luật và chịu trách nhiệm về thông tin mình đưa. Ba hành vi nói trên của anh Minh đều không phải là hành vi vi phạm pháp luật.

Con ruồi trong chai Number1: Những câu hỏi chưa được làm rõ - Ảnh 1.

Bị cáo Võ Văn Minh. Ảnh: K.Thành.

Tuy nhiên, HĐXX nhận định, Minh khai đã điện thoại yêu cầu Tân Hiệp Phát chi 1 tỷ đồng để đổi lấy chai nước và sự im lặng, nếu không sẽ gửi thông tin đăng báo, đài và phát tờ rơi về thông tin trên. Như vậy bị cáo đã thực hiện hành vi đe dọa để tống tiền khi biết rõ đây là công ty lớn có thương hiệu, có uy tín trên thị trường.

Trong các lần gặp gỡ, phía Tân Hiệp Phát đã giải thích quy trình sản xuất khép kín của mình thì không thể có ruồi lọt vào và không chủ trương giải quyết khiếu nại bằng tiền nhưng bị cáo vẫn giữ nguyên ý định đòi tiền và hạ giá xuống còn 500 triệu đồng.

Theo HĐXX, đây không phải là giao dịch dân sự như 2 luật sư của bị cáo trình bày. Bởi nếu là giao dịch dân sự thì các bên phải thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện, không bên nào bị ép buộc.

Nhưng bị cáo Minh đã liên tục điện thoại cho Tân Hiệp Phát và ra điều kiện nếu không đưa tiền thì sẽ rải tờ rơi, đưa thông tin đăng lên báo, đài để công ty mất uy tín. Lời đề nghị nêu trên của bị cáo không phải là lời đề nghị giao kết hợp đồng mà là lời đe dọa.

Có hay không việc Minh bị gài bẫy?

Một vấn đề nhiều người thắc mắc là Tân Hiệp Phát có báo công an hay không, vì lực lượng này xuất hiện và bắt giữ Minh ngay khi vừa nhận tiền của doanh nghiệp.

HĐXX tòa sơ thẩm cho biết, đối với doanh nghiệp thì uy tín và thương hiệu là điều sống còn. Phía Tân Hiệp Phát bị Minh ra điều kiện vào thời điểm giáp tết, lo sợ bị ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của mình nên phải tố giác tội phạm. Do vậy, vì sự ép buộc ngoài ý muốn, Tân Hiệp Phát đã phải chọn cách giải quyết trên.

Con ruồi trong chai Number1: Những câu hỏi chưa được làm rõ - Ảnh 2.

Cha bị cáo Minh trao đổi với các luật sư bào chữa cho con trai. Ảnh: K.Thành.

Bản án án lệ?

Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho biết, khi tiếp xúc với hồ sơ vụ án từ TAND tỉnh Tiền Giang thì ngoài cáo trạng, kết luận điều tra, lời khai của Minh cùng nhân chứng,… còn có một bản án về một vụ cưỡng đoạt tài sản khác.

Đó là bản án của TAND quận Bình Thạnh (TP HCM) tuyên bị cáo N.Q.T. 3 năm tù. Nội dung bản án này thể hiện, anh T. mua một chai trà xanh không độ của Công ty Tân Hiệp Phát và phát hiện ở trong có con gián chết. Sau đó, anh T đã liên lạc với doanh nghiệp này yêu cầu mua lại chai nước với giá 50 triệu đồng, nếu không sẽ đưa chai nước lên báo đài và Bộ Y tế.

Sau nhiều lần tiếp xúc với nhân viên của Tân Hiệp Phát, ngày 25/5/2012, phía Tân Hiệp Phát gặp anh T. và đồng ý trả 50 triệu đồng. Ngày 5/6/2012, anh T. bị Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an bắt quả tang khi vừa nhận tiền của công ty giao.

"Tôi không rõ bản án này do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang thu thập hay do ai cung cấp nhưng đã được Cơ quan CSĐT đóng bút lục từ số 250 đến 256.

Không hiểu bản án này phục vụ vấn đề gì trong công tác điều tra, truy tố và xét xử cho các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tiền Giang? Bản án này có trong hồ sơ có phải được xem như là một "án lệ", có thể làm "định hướng" đối với các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tiền Giang và hội đồng xét xử đối với Võ Văn Minh không?".

Trong khi đó, Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm cũng cho rằng các bút lục chỉ là tài liệu tham khảo.

Tại sao luật sư Tân Hiệp Phát được dự cung

Tại tòa sơ thẩm, luật sư Nam đề nghị triệu tập điều tra viên chính vì đây là người tiếp nhận đơn tố giác tội phạm từ đại diện của Tân Hiệp Phát vì có dấu hiệu cho thấy hành vi của điều tra viên không vô tư khách quan. Quá trình điều tra đã cho phép luật sư của Tân Hiệp Phát hỏi cung bị can là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ông Thi cũng đề nghị xem xét lại tư cách tố tụng của luật sư bảo vệ cho Tân Hiệp Phát vì họ đã dự cung ngày 12/3/2015 với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, theo VKSND, luật pháp không cấm điều này và điều tra viên có quyền dùng mọi biện pháp để điều tra.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP HCM, khẳng định việc cho luật sư của nguyên đơn dân sự tham dự các buổi lấy cung bị can là vi phạm thủ tục tố tụng.

Kể cả khi điều đó pháp luật không cấm thì điều tra viên cũng không được phép làm, bởi điều tra viên chỉ được làm những gì pháp luật quy định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại