Thực tế, điện thoại gắn liền với chúng ta mọi lúc mọi nơi. Thậm chí chúng còn dùng nhiều ngay cả khi đi vệ sinh. Năm 2019, một nghiên cứu của Verizon Wireless (một nhà điều hành mạng không dây của Mỹ) tiết lộ rằng 90% mọi người thừa nhận đã sử dụng điện thoại của họ trong phòng tắm.
Các nhà khoa học Anh đã kết luận rằng nếu vừa đi vệ sinh vừa dùng điện thoại, bạn có thể khiến cơ thể bị tổn thương các bộ phận từ đầu đến chân. Tiến sĩ Ron Cutler, giám đốc bằng khoa học y sinh tại Đại học Queen Mary's London, cho biết, về cơ bản, bạn không nên mang điện thoại vào nhà vệ sinh. Mức độ ô nhiễm khác nhau tùy thuộc vào vị trí của nhà vệ sinh. Một nhà vệ sinh với ít người sử dụng có thể có ít vấn đề hơn là những phòng vệ sinh nhiều người dùng như tại bệnh viện hoặc khu du lịch, tuy nhiên, những rủi ro cho sức khỏe hoàn toàn có thể "rình rập".
4 lý do bạn nên bỏ ngay thói quen dùng điện thoại trong nhà vệ sinh
1. Điện thoại là “sân chơi” cho hàng tỷ loại vi trùng
Điện thoại có thể truyền và nhiễm vi trùng trong khoảng thời gian rất ngắn, nhất là ở môi trường nhiều vi khuẩn như toilet. Về cơ bản, bất cứ thứ gì trong phòng tắm mà bạn chạm tay vào, dù là giấy vệ sinh, tay nắm cửa hoặc nút xả nước đều có thể truyền vi khuẩn lên đôi tay bạn ngay tức khắc. Và tất nhiên, điện thoại sẽ nhanh chóng bị nhiễm một loạt các loại vi trùng như salmonella, E. Coli, C. difficile…
Thậm chí, vi trùng từ bề mặt của điện thoại có thể lây lan sang cơ thể, da mặt, vùng kín của bạn khi lau. Điều này dẫn đến rất nhiều căn bệnh về hệ miễn dịch, viêm da...
Điện thoại có thể bị "nhiễm" một loạt các loại vi trùng như salmonella, E. Coli, C. difficile…
2. Khả năng tư duy dần suy giảm
Ngoài những ưu điểm mà điện thoại đem lại, nó còn khiến bộ não của bạn luôn luôn ở trạng thái căng thẳng. Điện thoại di động là một nguồn phổ biến phát ra bức xạ điện từ. Nó ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn như giảm thị lực, giảm trí nhớ, mất ngủ liên tục... Dần dần, chúng khiến bạn mất tập trung vào các hoạt động hàng ngày. Chúng còn khiến bạn trở thành một người dễ cáu gắt, tư duy trì trệ, thậm chí là trầm cảm.
Tiến sĩ James Roberts, giáo sư tại Đại học Baylor, người đã viết nhiều về chứng nghiện điện thoại và tác động của nó, nói rằng: Phòng tắm từng là một nơi không có sự phân tâm và công nghệ. Nếu mang điện thoại vào nhà tắm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự minh mẫn về tinh thần của chúng ta. Nếu bạn không bao giờ để bộ não của mình thư giãn và lang thang, bạn sẽ không bao giờ giải quyết được những vấn đề sáng tạo sâu sắc hơn.
Chính chiếc điện thoại di động sẽ khiến bạn ngồi lì trong toilet đến cả tiếng đồng hồ.
3. Nguy cơ mắc bệnh trĩ và các căn bệnh đáng sợ khác
Nếu bạn ngồi hơn 15 phút/1 lần trên bồn cầu thì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên trực tràng. Và bệnh trĩ là một trong những hậu quả nghiêm trọng hay xuất hiện ở người Việt Nam, theo sau là sa trực tràng.
Theo các nghiên cứu, việc ngồi với tư thế cúi đầu lâu để dùng điện thoại khi đi vệ sinh khiến máu không “bơm” đủ lên não. Thói quen này dẫn đến tình trạng chóng mặt, ảnh hưởng đến mạch máu não, có thể dẫn đến đột quỵ. Đồng thời cũng sẽ khiến xương cổ và cột sống của bạn trở nên đáng lo ngại. Nhìn lâu vào điện thoại với ánh sáng trong nhà vệ sinh cũng khiến mắt khô hơn rất nhiều.
Hậu quả của bệnh trĩ nếu không được xử lý kịp thời có thể gây lở loét, viêm nhiễm vi khuẩn, thậm chí là hoại tử.
4. Bạn dần phụ thuộc vào điện thoại di động vô điều kiện
Việc “dán mắt” vào điện thoại mọi lúc mọi nơi gây ra triệu chứng “nghiện” điện thoại. Bạn cầm thiết bị di động xem hàng tiếng đồng hồ như một thói quen lặp đi lặp lại. Dần dần việc này trở thành một phản xạ vô điều kiện. Căn bệnh này dĩ nhiên ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tinh thần của bạn.