Những năm gần đây chúng ta nói nhiều đến túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa, giấy bọc thực phẩm…và nguy cơ có thể dẫn đến ung thư. Nhưng có một thứ được sử dụng hằng ngày như truyền thống của Việt Nam hay Trung Quốc và một số nước châu Á, đó là đôi đũa thì gần như chúng ta quên mất.
Mà thực tế một đôi đũa sử dụng trong mấy năm là việc thường xảy ra trong nhiều gia đình. Gần đây các chuyên gia Trung Quốc qua thử nghiệm đã phát hiện ra rằng, đũa gỗ sau thời gian dài sử dụng sẽ tích tụ nhiều vi khuẩn. Những vi khuẩn có độc tố aflatoxin nếu xâm nhập vào cơ thể sẽ dẫn đến ung thư.
Đũa dùng lâu ngày màu sắc sẽ thay đổi hoặc chuyển màu nhạt hoặc màu đậm theo thời gian và mức độ sử dụng, chứng tỏ bản chất vật liệu đã thay đổi. Mà nguyên nhân chủ yếu của sự thay đổi đó là do các vi khuẩn tích tụ lâu ngày gây ra.
Hằng ngày khi sử dụng đũa chúng ta nên quan sát bề mặt đũa nếu có các vết khác thường (không phải màu gỗ hay tre) thì đũa nhiều khả năng đã bị mốc, là lúc nên thay đũa mới. Có 4 câu hỏi đặt ra trong việc sử dụng đũa như sau:
Sử dụng đũa quá 3 tháng có dẫn đến ung thư?
Theo báo cáo khảo sát, thông thường khi sử dụng từ 3-6 tháng, màu sắc của đũa sẽ thay đổi đậm hoặc nhạt. Vượt quá thời gian đó đũa sẽ sinh ra các loại vi khuẩn nấm mốc, nhẹ thì có thể dẫn đến tình trạng nhiểm trùng tiêu chảy, nôn mửa…
Đũa mốc nghiêm trọng sẽ sinh ra độc chất aflatoxin. Chất này được tổ chức y tế thế giới chỉ định là độc chất gây ung thư, nó phá hoại các tổ chức mô gan của người và độ vật dẫn đến ung thư gan.
Có hai nguyên nhân khiến cho đôi đũa chúng ta sử dụng hằng ngày dễ nhiễm nấm mốc:
Thứ nhất, để kéo dài thời gian sử dụng các loại đũa bằng chất liệu gỗ, các cơ sở sản xuất thường sơn lên bề mặt đũa một lớp sơn sống (sơn ăn được) để vi khuẩn không dễ bám vào. Nhưng khi thời gian sử dụng quá dài thì lớp sơn bị bong ra hoặc hư hỏng và vi khuẩn lại có không gian để sinh sống.
Thứ hai, trong các gia đình sau bữa ăn thường rửa đũa rồi dồn vào để trong tủ bếp khiến cho đũa luôn trong tình trạng ẩm và môi trường ấy là điều kiện rất tốt cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
Độc tố aspergillus flavus (một độc tố gây ung thư) thường có trong lương thực bị mốc, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng: "Đũa cũ mốc cũng có khả năng sinh ra độc tố aspergillus flavus". Trong môi trường ẩm ướt không có mặt trời, các loại nấm mốc rất dễ sinh sôi, độc tố aspergillus flavus cũng không là ngoại lệ.
Chất gây ung thư có thể rửa sạch?
Một nguyên tắc khi sản xuất đũa là "không quá khô hoặc quá ẩm mà luôn có tiêu chuẩn nước nhất định". Bởi vì nếu sấy khô quá mức sẽ làm cho đũa làm từ tre gỗ biến dạng cong vênh.
Hiện nay đa phần trong các gia đình chỉ là rửa sạch đũa để vào hộp đũa cho khô tự nhiên. Cách làm này khó tránh khỏi đũa sẽ tích lũy nước và luôn trong tình trạng ẩm mà ẩm ướt thì sinh ra nấm mốc.
Đôi khi ta cho rằng nhiệt độ nấu ăn có thể loại bỏ được độc tố trên đũa nhưng độc tố aspergillus flavus lại chịu nhiệt, nên nhiệt độ nấu ăn hằng ngày khó có thể loại trừ được.
Theo khảo sát thì cứ 20 người, chỉ có 2 người thay đũa 6 tháng/lần. Chuyên gia khuyến cáo các gia đình rằng mỗi tuần nên luộc đũa trong nước sôi nửa tiếng đồng hồ, phơi khô rồi mới sử dụng. Như thế có thể có tác dụng tốt trong việc loại bỏ độc tố.
Đũa có hạn sử dụng không?
Khảo sát trong một số siêu thị thì có nửa số đũa được làm từ tre, gỗ còn lại là đũa làm từ thép không gỉ và đũa hợp kim… Và trong 8 nhãn hiệu đũa bày bán thì chỉ có 4 nhãn hiệu có ghi chú trên nhãn "sử dụng 3-6 tháng là tốt nhất" hoặc "hãy thay đũa khi thích hợp".
Đối với hạn sử dụng của đũa, chuyên gia nhà máy sản xuất đũa cho rằng nói như vậy cũng chưa chính xác. Bởi đôi khi đũa không quá hạn sử dụng đã có thể biến chất, nên thời hạn nửa năm hoặc 3-5 tháng này hiện nay chưa có tiêu chuẩn dữ liệu chính xác.
Ông Đổng Kim Sư, Tổng thư kí hiệp hội bao bì thực phẩm quốc tế cho biết, trong cùng điều kiện, thời gian sử dụng đũa càng dài lượng vi khuẩn càng nhiều. Do đó, nửa năm thay đũa một lần là thời điểm khá thích hợp.
Vào năm 2010 hiệp hội bao bì thực phẩm quốc tế đã đề xuất cần khởi thảo "tiêu chuẩn vệ sinh cho đũa có thể sử dụng nhiều lần", nhưng tiêu chuẩn này hiện nay cũng chưa có được phản hồi chính xác.
Vậy lựa chọn đũa như thế nào là an toàn?
Trên thị trường ngoài đũa tre thông thường, các loại đũa gỗ cũng ngày càng đa dạng, đũa gỗ mun, đũa gỗ đàn hương và các loại đũa gỗ khác nhau, ngoài ra còn có đũa kim loại, đũa melamine…
Theo thống kê đũa gỗ, đũa tre chiếm phần lớn thị trường. Theo ông Đổng, các gia đình chọn mua đũa tốt nhất chọn đũa tre hoặc đũa gỗ được sơn một lớp sơn an toàn.
Hiện nay ở các nhà hàng sử dụng các loại đũa làm bằng chất liệu nhựa, nếu như rửa sạch, tỷ lệ vi khuẩn độc tố sẽ thấp, nhưng cần chú ý đến tiêu chuẩn chất lượng để tránh sản phẩm giả mạo và một lưu ý nữa là loại đũa nhựa này không thích hợp trong điều kiện nhiệt độ cao.
*Theo Health.huanqiu