Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ lần thứ 3 trong một tuần, ngay sau khi Tổng thống Maduro ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước do tình hình kinh tế khó khăn. Ông Maduro cho phép tình trạng khẩn cấp kéo dài đến 60 ngày trên toàn quốc.
Hàng ngàn người đã xuống đường tuần hành tại trung tâm Caracas, nhưng cảnh sát đã chặn các tuyến đường đến trụ sở cơ quan bầu cử. Một nhóm nhỏ đã cố vượt qua hàng rào chắn nhưng thất bại bởi cảnh sát sử dụng hơi cay.
Ngày 17.5, nhà lãnh đạo đối lập Henrique Capriles kêu gọi người dân đứng lên lật đổ Tổng thống Maduro.
"Nếu Maduro muốn ban lệnh tình trạng khẩn cấp, ông ta cần chuẩn bị xe tăng và máy bay chiến đấu, vì ông ta sẽ phải dùng nó khi áp dụng vũ lực", ông Capriles nói.
Nhiều cuộc biểu tình quy mô nhỏ đã xảy ra tại Venezuela trong các ngày gần đây để chống lại việc cắt điện và nước trên diện rộng.
Năm 2014, phe đối lập đã chỉ huy các cuộc biểu tình lớn và đẫm máu tại Venezuela, nhưng các cuộc biểu tình giờ đây có xu hướng nhỏ và hòa bình hơn.
Theo nhiều cuộc thăm dò dân ý, phần lớn người được hỏi muốn ông Maduro phải "ra đi". Phe đối lập Venezuela đã thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 12.2015, nhưng chính quyền của ông Maduro đã chặn quốc hội thông qua nhiều đạo luật.
Những người phản đối ông Maduro ở hải ngoại đã liên lạc với Tổ chức các nước châu Mỹ hạn chế quyền lực của Tổng thống Venezuela. Đáp lại, ông Maduro gọi Tổng thư ký OAS Luis Almagro là một "con rối" của CIA.
Ngày 18.5, ông Almagro tuyên bố phủ nhận lời nhận xét của ông Maduro và cho biết ông sẽ không bị đe dọa. "Tôi không phải là một nhân viên CIA. Lời nói dối của ông, kể cả khi được lặp lại 1.000 lần sẽ vẫn không thể thành sự thật", ông Almagro viết trong một bức thư ngỏ gửi đến ông Maduro.