Đụng độ Nga-Ukraine: Thế bí của NATO ở Biển Đen – Lùi không được, tiến cũng không xong!

QS |

Khủng hoảng đang xảy ra ở Biển Đen? Liệu Nga và NATO có rơi vào một cuộc chiến tranh hay không?

Theo hãng tin BBC, điều đó – ít nhất là cho tới giờ phút này – có lẽ sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, việc lực lượng tuần duyên Nga bắt giữ 2 tàu pháo và 1 tàu kéo của Ukraine trên đường tới eo biển Kerch chắc chắn đã khiến NATO phải đưa vấn đề an ninh ở Biển Đen vào chương trình nghị sự diễn ra ở Brussels (Bỉ) hôm nay.

Biển Đen từ lâu đã có tầm quan trọng chiến lược. Nơi đây là chiến trường của cuộc xung đột quy mô lớn diễn ra giữa hai cường quốc phương Tây Anh-Pháp, và Đế quốc Nga giữa thế kỷ 19.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đây là con đường ngắn nhất dẫn từ Liên Xô tới Iran và Trung Đông. Phần phía nam Biển Đen tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh của NATO, và phần phía bắc giáp với Nga.

Moscow luôn xem Biển Đen như "sân sau của họ". Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự tan rã của Liên Xô đã khiến quan hệ giữa các phía trở nên phức tạp.

Xâm lấn hay răn đe?

Nga đã bước chân vào cuộc xung đột vũ trang với hai quốc gia độc lập tách ra từ Liên Xô, bao gồm Gruzia và Ukraine. Nước này đã sáp nhập Crimea và theo các buộc từ phương Tây, Moscow đã tiếp tay cho lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine, đồng thời hậu thuẫn các vùng ly khai tách ra khỏi chính phủ Gruzia.

Nga đang cảnh báo về sự xâm lấn ngày càng gia tăng của NATO vào khu vực này. Ba quốc gia gần đó, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria, đều là thành viên của NATO. Hiện NATO đang tiến hành các chiến dịch tuần tra đường không bên ngoài Romania, giúp họ "bảo vệ" lãnh thổ bằng cách ngăn chặn các máy bay Nga tiếp cận không phận nước này.

Tương tự, các tàu chiến của NATO đã tăng cường tuần tra ở Biển Đen. Romania là nơi Mỹ đang triển khai một trận địa phòng thủ tên lửa đạn đạo. Và NATO đang tích cực xây dựng mối quan hệ quân sự với các quốc gia đối tác, gồm Gruzia và Ukraine.

Đụng độ Nga-Ukraine: Thế bí của NATO ở Biển Đen – Lùi không được, tiến cũng không xong! - Ảnh 1.

Biển Đen từ lâu đã có tầm quan trọng chiến lược. Ảnh: BBC

Theo quan điểm của NATO, điều này đơn thuần nhằm nâng cao mức độ ổn định trong khu vực, và là phương thức răn đe trước một nước Nga ngày càng quyết đoán hơn. Chẳng hạn, Ukraine rất muốn đảm bảo rằng biển Azov sẽ không trở thành "ao làng" của Nga, còn NATO, nhìn chung, có ý định thách thức vị thế thống trị của Nga ở Biển Đen.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Moscow, toàn bộ các động thái của NATO là nhằm mở rộng vùng kiểm soát; liên quân này đang khao khát đẩy biên giới của họ tới sát Nga hơn nữa.

Nga vẫn thản nhiên

NATO có một vấn đề. Một mặt, chính phủ các nước thành viên luôn miệng kêu gọi ổn định và giảm leo thang trong khu vực nhưng mặt khác, họ lại tiến hành các cuộc tập trận quân sự và áp đặt các biện pháp kinh tế nhằm vào Nga – những động thái mà Moscow xem là "khiêu khích".

Không dễ để đánh giá sự cân bằng giữa "răn đe" và "khiêu khích", nhất là khi chỉ riêng áp lực thôi có vẻ không đủ để thay đổi thái độ của Nga.

Lấy cuộc khủng hoảng Ukarine làm ví dụ. Không có dấu hiệu nào cho thấy các biện pháp trừng phạt thay đổi được suy nghĩ của Tổng thống Putin, cũng như khiến Crimea sớm quay trở lại dưới quyền kiểm soát của Ukraine.

Nga có vẻ sẵn sàng chấp nhận thiệt hại do các biện pháp trừng phạt này gây ra, bởi họ "hứng thú" với "các quốc gia mới độc lập" hơn.

Tính toán này khiến NATO gặp khó khăn hơn trong việc lựa chọn phương thức phản ứng trước cuộc đụng độ mới nhất giữa Nga và Ukraine.

Đụng độ Nga-Ukraine: Thế bí của NATO ở Biển Đen – Lùi không được, tiến cũng không xong! - Ảnh 2.

Một số chuyên gia đề nghị NATO điều tàu chiến tới biển Azov để giải quyết khủng hoảng Nga-Ukraine. Ảnh: BBC

Giới phân tích đã đề xuất rất nhiều biện pháp khác nhau, từ việc triển khai tàu chiến NATO tới biển Azov (dù điều này có lẽ sẽ bất hợp pháp - do đây là vùng biển nội địa, không phải là vùng biển quốc tế - và không khả thi do Nga có thể dễ dàng phong tỏa eo biển Kerch), tới việc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.

Thậm chí còn có những đề xuất bù đắp các thiệt hại kinh tế cho Ukraine khi lối vào các cảng biến của nước này đang bị phong tỏa.

Mặc dù tích cực giúp đỡ Ukraine huấn luyện quân đội nhưng phần lớn các quốc gia NATO lại ngần ngại cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.

Chính quyền Tổng thống Trump đã cung cấp cho Ukraine tên lửa chống tăng Javelin, với số lượng hạn chế, để khắc phục lỗ hổng phòng thủ đáng kể của lực lượng lục quân nước này.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Kiev nên được cung cấp tên lửa chống tàu phóng từ trên bờ để tăng cường sự cân bằng hải quân ở những vùng biển khép kín.

Chiến tranh luôn luôn thay đổi

Điều này làm nổi cộm lên một vấn đề cơ bản khác đối với NATO. Đó là hình thức tác chiến đang thay đổi.

Thật vậy, ranh giới một thời tách biệt rõ ràng giữa chiến tranh và hòa bình đã không còn. Chúng ta nghe nói rất nhiều tới các cuộc tập trận, trình diễn quân sự, các cuộc tấn công mạng và chiến dịch thông tin. Trước đây, những điều đó được xem là sự mở đầu cho một cuộc xung đột.

Nhưng giờ đây, theo một chỉ huy cấp cao của Mỹ, các bên không nhất thiết phải tiến tới một cuộc chiến tranh tổng lực, chỉ cần sử dụng một trong số những công cụ như trên để gây áp lực cho đối thủ và đạt tới kết quả tương tự như một cuộc chiến tranh thực thụ.

Đụng độ Nga-Ukraine: Thế bí của NATO ở Biển Đen – Lùi không được, tiến cũng không xong! - Ảnh 4.

Cuộc tập trận của Ukraine ngày 3/12. Ảnh: Reuters

Theo BBC, với phương thức này, Nga đã đạt được một số thành công nhất định khi chống lại Ukraine. Moscow đã sáp nhập Crimea và khiến Kiev thiệt hại kinh tế khi cản trở các chuyến tàu đi vào biển Azov.

Bên cạnh đó, bằng cách bắt giữ 3 tàu và thủy thủ đoàn của Ukraine, Nga đã khiến Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko suy yếu vào thời điểm ông đang đối mặt với một cuộc chiến dịch tái bầu cử khó khăn. Moscow dường như sẵn lòng trả giá cho điều này.

Và ở đây, NATO đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, họ phải đối diện với câu hỏi: Làm thế nào để trấn an đồng minh và đối tác trong khu vực Biển Đen, trong khi không khiến tình hình trở nên tệ hơn?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại