Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn (BV Bạch Mai), đột quỵ là một tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng, có thể gây ra những hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. May mắn thay, cơ thể chúng ta thường gửi đi những tín hiệu cảnh báo trước khi đột quỵ xảy ra. Nhận biết và hiểu rõ những dấu hiệu này là vô cùng quan trọng để phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ.
Thông thường, nguy cơ đột quỵ sẽ gia tăng khi chúng ta già đi, đặc biệt là sau độ tuổi 55. Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh, đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Càng ngày, bệnh nhân bị đột quỵ càng trẻ hóa, số lượng người ở lứa tuổi 40-50 bị đột quỵ đang có xu hướng tăng lên mỗi năm. Do đó, việc biết được những dấu hiệu sớm của đột quỵ là điều hữu ích đối với bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào.
Không phải trường hợp nào cũng có thể dự báo sớm được nguy cơ đột quỵ thông qua các dấu hiệu cảnh báo. Thông thường, dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nhất chính là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) còn được gọi là cơn đột quỵ nhỏ. Đây là kết quả của tình trạng ngừng lưu thông máu đến não trong thời gian ngắn. TIA gây ra các triệu chứng tương tự đột quỵ nhưng chỉ kéo dài trong vài phút. Các triệu chứng này có thể bao gồm: tê, yếu hoặc liệt một bên mặt, tay hoặc chân; khó nói hoặc hiểu lời nói; mất thị lực đột ngột, thường chỉ ở một mắt; chóng mặt, mất thăng bằng. Thế nhưng, nhiều trường hợp đột quỵ có dấu hiệu thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA) trong vòng 90 ngày, trước khi cơn đột quỵ thực sự xảy ra.
Ngoài ra, các dấu hiệu đột quỵ sớm còn thể hiện ở một số cơn đau đầu dữ dội bất thường. Những cơn đau này thường đến đầu đột ngột, nghiêm trọng và khác biệt so với các cơn đau đầu thông thường. Bác sĩ cũng nhắc nhở mọi người hãy chú ý đến sự thay đổi thị giác khi tự nhiên nhìn mờ, nhìn đôi, hoặc mất thị lực một phần. Ngoài ra, sự mệt mỏi bất thường, kéo dài, khó tập trung, sự rối loạn cảm giác, tê bì, ngứa ran ở tay, chân hoặc mặt, việc đi lại khó khăn, vấp ngã thường xuyên, mất thăng bằng, thay đổi tâm trạng, trầm cảm, lo lắng bất thường… cũng đều có thể là những lời cảnh báo sớm của cơ thể nhắc bạn về một nguy cơ đột quỵ không xa.
Để phòng ngừa, theo bác sĩ Tuấn, việc nhận biết sớm và điều trị các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, tiểu đường, cholesterol cao có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, cơn thiếu máu não thoáng qua có thể giúp ngăn chặn đột quỵ nghiêm trọng hơn.
Khi phát hiện dấu hiệu đột quỵ , bác sĩ khuyến cáo bạn không tự ý điều trị tại nhà. Thay vào đó, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn. Thông báo cho bác sĩ về các triệu chứng. Điều này giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ bằng cách làm việc chặt chẽ với bác sĩ để kiểm soát huyết áp, đường huyết và cholesterol. Bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn.
Để dễ dàng nhớ và nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ, bác sĩ khuyến cáo bạn có thể áp dụng phương pháp FAST:
Face (Mặt): Một bên mặt bị chảy xệ, méo miệng, khó cười.
Arms (Tay): Yếu liệt một bên tay, khó giơ tay lên hoặc giữ tay ở một tư thế.
Speech (Lời nói): Nói khó, nói ngọng, khó hiểu hoặc không nói được.
Time (Thời gian): Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Mỗi giây đều quý giá.
Điều quan trọng nhất khi gặp các dấu hiệu của đột quỵ đó là được chăm sóc y tế kịp thời. Hãy gọi ngay cấp cứu nếu thấy có một trong các triệu chứng của bệnh. Những người đã được chẩn đoán bị TIA hoặc đã từng đột quỵ trước đó, hoặc những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, huyết áp cao, mỡ máu cao, người sử dụng nhiều rượu bia và thuốc lá, người béo phì là những đối tượng nguy cơ cao của đột quỵ.