Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht. (Ảnh: Reuters)
Ngày 17/12, Mátxcơva đưa ra danh sách các yêu cầu đối với phương Tây, trong đó có yêu cầu NATO rút lực lượng khỏi Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania.
Nga cũng yêu cầu một sự bảo đảm mang tính ràng buộc pháp lý rằng NATO sẽ từ bỏ tất cả hoạt động quân sự ở Đông Âu và Ukraine, và Nga sẽ có quyền phủ quyết đối với việc Ukraine xin trở thành thành viên NATO – điều đã bị phương Tây gạt bỏ.
“Chúng ta cần giải quyết những căng thẳng hiện nay ở mức độ ngoại giao nhưng cũng phải duy trì năng lực răn đe đáng tin cậy”, bà Lambrecht nói với báo chí trong chuyến thăm.
Các đơn vị chiến đấu của NATO được triển khai ở các nước trên sau khi Mátxcơva sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.
“Chúng tôi sẽ thảo luận về các đề xuất của Nga… Nhưng không thể là việc Nga ra lệnh cho các đối tác của NATO về thế trận của họ, và đó là điều mà chúng tôi sẽ nói rất rõ trong các cuộc bàn bạc (tại hội đồng NATO vào tuần tới)”, bà nói.
Phương Tây đang doạ sẽ áp các biện pháp trừng phạt hà khắc với Nga nếu Mátxcơva tấn công Ukraine. Nga nói rằng họ chỉ đáp trả các mối đe doạ an ninh khi Kiev ngày càng xích lại gần NATO.
Phát biểu khi đứng cạnh bà Lambrecht, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas cáo buộc Nga gây chia rẽ trong liên minh, đồng thời cho rằng NATO không được để Mátxcơva chia châu Âu thành các vùng ảnh hưởng.
“Chúng ta cần hỗ trợ Ukraine bằng mọi phương tiện, bao gồm vận chuyển vũ khí sát thương”, ông Anusauskas nói, nhưng không cho biết cụ thể loại vũ khí gì.
Bà Lambrecht từ chối bình luận về bài viết đăng ngày 18/12 của Spiegel rằng vị tướng hàng đầu của NATO, ông Tod Wolters, đã gợi ý rằng liên minh nên thiết lập một sự hiện diện quân sự ở Bulgaria và Romania giống như ở Ba Lan.