"Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì châu Âu cũng không thể trở thành một sân khấu cho cuộc tranh cãi về tái vũ trang. Việc lắp đặt các tên lửa tầm trung mới sẽ phải hứng chịu sự phản đối rộng rãi tại Đức", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 27-12 tuyên bố với truyền thông, theo Reuters.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Ảnh: Reuters
Theo Ngoại trưởng Đức việc tái vũ trang hạt nhân theo đó "rõ ràng là câu trả lời sai lầm nhất" cho bất đồng Nga-Mỹ gần đây liên quan đến việc thực thi hiệp ước lịch sử này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20-10 tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi INF, vốn được ký năm 1987, và là một hiệp ước có vai trò quan trọng trong việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Mỹ một mặt cáo buộc Nga vi phạm INF, mặt khác rục rịch chuẩn bị kế hoạch triển khai tên lửa bị cấm bởi INF đến châu Âu.
Sau quyết định của Mỹ, nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu. Các đồng minh chủ chốt của Washington kêu gọi Nhà Trắng cân nhắc kĩ về quyết định với INF.
Trong khi đó, từ Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc Mỹ buộc tội Nga vi phạm INF để rút khỏi hiệp ước chỉ là một hành vi biện minh và Mỹ không thể đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Theo nhà lãnh đạo Nga, Washington từ lâu có kế hoạch rút khỏi INF và phân bổ ngân sách khổng lồ để phát triển vũ khí chiến lược chống Nga. Các quan chức Nga cũng thông báo nước này sẽ chuẩn bị kế hoạch cụ thể để đáp trả khi cần thiết.