Vì sao Liên Hợp Quốc bác bỏ nghị quyết của Nga về INF?

Trí Đức |

Theo chuyên gia Vladimir Shapovalov, mặc dù có một xu hướng khá rõ ràng cho thấy ảnh hưởng của Mỹ suy giảm, tuy nhiên ảnh hưởng này vẫn còn… Bởi vì một số lượng đáng kể các quốc gia đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ Hoa Kỳ…

Phó Viện trưởng Viện Lịch sử và Chính trị trường Đại học sư phạm Moscow, ông Vladimir Shapovalov, đã bình luận về tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga liên quan đến quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) về nghị quyết của Nga nhằm hỗ trợ việc duy trì hiệp ước INF.

Cụ thể, ông Shapovalov lưu ý, để thông qua nghị quyết này chỉ cần thêm có vài phiếu ủng hộ. Chuyên gia này chia sẻ: "Mặc dù khá rõ ràng tầm ảnh hưởng của Mỹ suy giảm xoay quanh hiệp ước INF, song không thể phủ nhận ảnh hưởng này vẫn còn, bởi vì một số lượng đáng kể các quốc gia đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ Mỹ… Nói khác đi, trong thế giới hiện đại có khá nhiều khách hàng của Mỹ, đó là những quốc gia phụ thuộc về quân sự, chính trị và quan trọng nhất là phụ thuộc về kinh tế vào Mỹ".

Ngoài ra, ông Shapovalov nhấn mạnh, nghị quyết do Nga đề xuất hoàn toàn đáp ứng lợi ích của toàn bộ cộng đồng thế giới, vì việc bảo vệ hiệp ước INF "sẽ mang lại lợi ích cho tất cả nhân loại".

Vị chuyên gia này kết luận: "Cả thế giới, trừ Lầu Năm Góc, mong muốn hiệp ước được duy trì, vì đây là một trong những điều kiện cơ bản cho hoạt động an toàn của thế giới hiện đại... Tuy nhiên, các quốc gia đang bị phụ thuộc nhiều vào Mỹ lại bỏ phiếu theo mệnh lệnh từ Washington".

Trước đó, Nga cho biết việc hủy bỏ một thỏa thuận hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang và đối đầu trực tiếp giữa một số khu vực toàn cầu, sau khi đề xuất của Nga bị bác bỏ trong một cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc (LHQ).

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng LHQ đã không bỏ phiếu tán thành đề xuất của nước này và nêu rõ: "Một đòn mới đã giáng xuống cấu trúc an ninh và ổn định toàn cầu. Hiện giờ, với sự sụp đổ của Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF), một số khu vực toàn cầu có thể rơi vào cuộc chạy đua vũ trang hoặc thậm chí là một sự đối đầu trực tiếp".

Trước đó vào ngày 20/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Mỹ làm gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân khi đe dọa loại bỏ hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng nói trên và từ chối tổ chức các cuộc hội đàm về một thỏa thuận khác trong bối cảnh thỏa thuận này sắp hết hạn.

Được biết vào năm 1987, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã đặt bút ký Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), theo đó thống nhất loại bỏ tên lửa hạt nhân có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.

Các bên đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và trung, chấm dứt đối đầu hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại