"Bình mới, rượu cũ" trong câu chuyện Mỹ-Nga-INF: Washington dùng chiêu thuật, Moskva chẳng còn ngạc nhiên

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Mỹ đưa ra những điều kiện trong tối hậu thư INF mà biết chắc là Nga sẽ không đáp ứng và cũng chẳng mong muốn Nga đáp ứng.

Nga không sợ tối hậu thư

Chỉ một ngày sau khi Mỹ đưa ra tối hậu thư cho Nga về Hiệp ước Giải trừ Tên lửa Hạt nhân tầm trung (INF), phía Nga đã thể hiện phản ứng bác bỏ ngay điều kiện tiên quyết này.

Tối hậu thư của Mỹ được đưa ra trong khuôn khổ phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tại một hội nghị của bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên NATO.

Ở đó, các nước thành viên NATO nhất trí với nhau về một quyết định với nội dung cơ bản là hiệp ước kia sẽ bị huỷ bỏ nếu như phía Nga không tuân thủ - mà để được NATO công nhận là tuân thủ nghiêm chỉnh INF thì phía Nga phải chấm dứt việc sản xuất và sử dụng thế hệ tên lửa hạt nhân tầm trung mới.

Bình mới, rượu cũ trong câu chuyện Mỹ-Nga-INF: Washington dùng chiêu thuật, Moskva chẳng còn ngạc nhiên - Ảnh 1.

Thông điệp của phía Nga là không chấp nhận tối hậu thư kia và sẵn sàng chạy đua vũ trang hạt nhân với Mỹ và NATO. Ảnh minh họa: Business Insider

Ông Pompeo đưa ra cho Nga thời hạn 60 ngày mà nếu Nga không đáp ứng điều kiện này thì phía Mỹ sẽ đơn phương rút khỏi INF.

INF được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô năm 1987 - chứ không phải giữa NATO với Liên Xô nên thật ra là chuyện riêng giữa Mỹ và Liên Xô - chỉ chế tài kho tên lửa hạt nhân tầm trung của hai nước kí kết chứ không đông chạm gì đến tiềm lực hạt nhân của Anh, Pháp, Trung Quốc và của một số nước khác.

Thông điệp của NATO và của Mỹ thông qua ông Pompeo là INF đã được họ coi là chuyên chung chứ không phải là chuyện riêng của Mỹ nữa và Mỹ cùng với NATO đã sẵn sàng tăng cường vũ trang hạt nhân.

Phản ứng của Nga thể hiện trong tuyên bố của tổng thống Nga Vladimir Putin là nếu phía kia tăng cường vũ trang hạt nhân thì Nga cũng sẽ tăng cường vũ trang hạt nhân. Thông điệp của phía Nga là không chấp nhận tối hậu thư kia và sẵn sàng chạy đua vũ trang hạt nhân với Mỹ và NATO.

Mỹ công khai mục đích

Ở thời mối quan hệ giữa Mỹ và NATO với Nga tốt đẹp hay tồi tệ thì sự đáp trả tương xứng của Nga đều nhất quán và không muộn. Nga cũng đã từng nhượng bộ cho Mỹ và NATO nhưng chưa khi nào nhượng bộ vì bị đưa ra tối hậu thư.

Cho nên khi đưa ra tối hậu thư nói trên cho Nga, phía Mỹ và NATO đã thừa biết rằng nó không bao giờ được phía Nga chấp nhận mà thậm chí còn làm cho Nga đáp trả kiên quyết hơn.

Cho nên cái tối hậu thư kia được Mỹ đưa ra không phải để gây áp lực đối với Nga, không phải với mục đích để cho Nga đáp ứng và cũng không phải nhằm vớt vát cơ hội cuối cùng cứu INF.

Nguyên do ở chỗ Mỹ muốn xoá sổ chứ không muốn tiếp tục duy trì INF và thật ra đã quyết định rồi.

Cuộc họp của NATO và tối hậu thư của Mỹ chẳng qua chỉ là cách làm mới để đạt mục đích cũ.

Chính Mỹ bộc lộ công khai chứ không phải thiên hạ suy diễn: cáo buộc Nga vi phạm INF chỉ là cái cớ để Mỹ rút khỏi INF, Mỹ muốn cả những nước khác có tên lửa hạt nhân tầm trung cũng phải tham gia INF hoặc có hiệp ước khác chế tài cả loại vũ khí hạt nhân này của họ.

Qua đó, Mỹ có thêm công cụ để gây áp lực với những nước này, đặc biệt với Trung Quốc, và gia tăng áp lực đối với các thành viên NATO ở châu Âu.

Vì thế, Mỹ đưa ra những điều kiện trong tối hậu thư mà biết chắc là Nga sẽ không đáp ứng và cũng chẳng mong muốn Nga đáp ứng.

Bằng chiêu thuật này, Mỹ mưu tính vừa rút khỏi INF lại vừa có thể đổ vấy hoàn toàn trách nhiệm cho Nga, vừa xoa dịu tâm thế của các thành viên NATO vốn rất bối rối và hoang mang khi trước đó Mỹ tuyên cáo ý định sẽ rút khỏi INF mà không thương thảo hay thông báo trước đó cho NATO, đồng thời vừa để ngỏ được khả năng khi thấy cần thiết lại triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung của Mỹ trên lãnh thổ các thành viên NATO ở châu Âu.

Bình mới, rượu cũ trong câu chuyện Mỹ-Nga-INF: Washington dùng chiêu thuật, Moskva chẳng còn ngạc nhiên - Ảnh 3.

Trong thực chất, Nga không bị bất ngờ và cũng không bị thách thức ghê gớm gì bởi việc Mỹ rút khỏi INF.

Hiệp ước này giờ tiếp tục tồn tại hay bị huỷ bỏ trong bối cảnh tình hình hiện tại ở châu Âu và liên quan đến mối quan hệ giữa Mỹ, EU và Nga với Nga thật ra đều như nhau đối với Nga.

Một khi Mỹ đã chủ ý rút khỏi INF thì Nga hoàn toàn không còn bị ràng buộc và lợi ích gì nữa với việc duy trì INF.

Việc đàm phán và đạt được thoả thuận song phương mới về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga sẽ không đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng trong khi việc có được thoả thuận như thế với tất cả các nước hiện có vũ khí hạt nhân lại bất khả thi và chưa biết đến khi nào mới có thể khả thi.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại