A-222 Bereg của Nga là tổ hợp pháo phòng thủ bờ biển tự hành được xem là độc nhất vô nhị trên thế giới hiện nay, vũ khí chính của nó là khẩu pháo nòng dài cỡ 130 mm có nguồn gốc từ hệ thống pháo hạm cỡ lớn AK-130 trang bị trên tàu hải quân.
Trong khi đó tổ hợp SA2 do Trung Quốc sản xuất cũng đi theo ý tưởng tương tự khi đưa pháo H/PJ26 cỡ 76,2 mm lên khung gầm xe tải việt dã để tạo ra một hệ thống vũ khí đa năng.
A-222 Bereg của Nga (trên) và SA2 của Trung Quốc (dưới)
Hệ thống A-222 Bereg của Nga có kết cấu rất đồ sộ, bao gồm các thành phần: Xe chỉ huy mang đài radar trinh sát, tổ hợp ngắm bắn quang điện tử, máy tính đường đạn...; đi kèm xe phục vụ chiến đấu được dùng để cung cấp nguồn điện cho xe điều khiển và xe pháo; cuối cùng là xe mang pháo tự hành.
Các thành phần cấu thành tổ hợp A-222 Bereg đều được đặt trên khung gầm xe tải việt dã bánh lốp MAZ-543M 8x8 kích thước rất lớn, với trọng lượng lên tới 43,5 - 43,7 tấn; chiều dài 13 - 15,9 m.
Đối tượng tác chiến của A-222 Bereg là nhóm tàu đổ bộ đối phương, cho nên yêu cầu mang pháo cỡ nòng lớn và tầm bắn xa (lên tới 37 km), có thể bắn đạn nổ mạnh, đạn nổ phân mảnh, đạn pháo sáng hoặc đạn tự dẫn laser.
Một tổ hợp pháo phòng thủ bờ biển A-222 Bereg của Nga
Nhìn sang tổ hợp SA2, khối lượng chiến đấu của nó rất nhẹ vào khoảng 28 tấn và chỉ bao gồm 1 thành phần duy nhất, trên xe tích hợp cụm khí tài trinh sát quang điện tử để dẫn bắn, không yêu cầu phải có radar điều khiển hỏa lực đi kèm.
Hệ thống pháo tự hành SA2 của Trung Quốc dĩ nhiên cũng có thể dùng như vũ khí chống đổ bộ, tuy nhiên ở vai trò này thì nó thua xa A-222 cả về uy lực lẫn tầm bắn, khi cự ly hiệu quả chỉ đạt khoảng 3 km.
Nhưng thế mạnh của SA2 lại là phòng không, về mặt này thì nó "ăn đứt" A-222, nhà sản xuất NORINCO cho biết pháo có tầm bắn hiệu quả 10 km, tầm cao 8 km khi chống lại máy bay cánh cố định hay trực thăng, 6 km đối với máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình.
SA2 được cho là có khả năng bắn đạn pháo dẫn đường laser và cả đạn lắp ngòi điện tử lập trình sẵn điểm nổ (tương tự AHEAD), loại đạn này chứa nhiều đạn con bên trong, phát huy tác dụng rất tốt khi chống lại các mục tiêu nhỏ di chuyển ở tốc độ cao.
Tổ hợp pháo tự hành SA2 của Trung Quốc được trưng bày trong khuôn khổ Triển lãm Hàng không Chu Hải
So sánh hai hệ thống vũ khí trên, có thể thấy A-222 Bereg là một tổ hợp đơn nhiệm hơi cồng kềnh, trong khi SA2 của Trung Quốc có tính đa năng rất cao và mức độ tinh vi hơn hẳn, mặc dù vai trò chủ đạo của nó vẫn thiên về phòng không.
Do đảm nhiệm hai vai trò khác nhau nên rất khó đưa ra kết luận chính xác Trung Quốc hay Nga làm tốt hơn công việc đưa pháo hạm lên khung gầm xe tải việt dã.
Tuy nhiên xét về độ tin cậy thì A-222 đã chứng tỏ được năng lực qua thời gian dài hoạt động, còn SA2 vẫn cần thêm thời gian để thể hiện mình đúng với những gì mà NORINCO giới thiệu.
Pháo hạm H/PJ26 của Trung Quốc biểu diễn khả năng bắn mục tiêu trên không