Dự báo cơn đau tim im lặng

TS.BS. Lê Thanh Hải |

Thông thường, khi bạn bị nhồi máu cơ tim, còn gọi là cơn đau tim, bạn sẽ nhận biết ngay do gặp các triệu chứng cấp tính rầm rộ như cơn đau thắt ngực.

Triệu chứng chính, cơn đau thắt ngực nghiêm trọng, thường rất rõ ràng. Nhưng ở một số người bị cơn đau tim nhưng không có biểu hiện cơn đau thắt ngực làm cho bệnh nhân dễ bị đánh lừa và mất cảnh giác.

Nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 20-60% của tất cả các cơn đau tim xảy ra ở những người trên 45 tuổi là hoàn toàn không được chẩn đoán và được coi là "cơn đau tim im lặng". Một người càng lớn tuổi, càng có nhiều nguy cơ có cơn đau tim im lặng.

Bạn có thể bị cơn đau tim nhưng không biết?

Không phải ai cũng có cơn đau thắt ngực dữ dội, bệnh nhân ôm chặt lấy ngực và ngã xuống sàn nhà như bạn đã từng thấy trên truyền hình. Đôi khi các triệu chứng cơn đau tim diễn biến không rầm rộ, không biểu hiện thành cơn đau thắt ngực rõ ràng.

Trên thực tế lâm sàng, đây là một hiện tượng phổ biến gặp ở các bệnh nhân đái tháo đường có ít triệu chứng của cơn đau tim hoặc không có triệu chứng nào cả.

Những người bị các cơn đau tim im lặng thường có các triệu chứng rất không đặc hiệu hoặc triệu chứng rất tinh tế mà họ không nhận thấy được. Bệnh nhân có thể cảm thấy họ đang phải chịu đựng một tình trạng căng cơ ngực, căng cơ vùng lưng, như bị cúm hoặc khó tiêu.

Bản chất đau do căn nguyên từ đau tim, có thể không biểu hiện trong ngực, nhưng lại có thể cảm nhận ở phần trên của lưng, cánh tay hoặc ở vùng hàm mặt. Một số cảm thấy mệt mỏi kéo dài, nhưng không thể giải thích lý do và khó để nghĩ đến một cơn đau tim.

Những triệu chứng không đặc hiệu này có thể được hoàn toàn bị bỏ qua bởi cá nhân hoặc tại các cơ sở khám chữa bệnh. Thật ra, bạn đã bị một cơn đau tim nhưng không biểu hiện thành các triệu chứng điển hình theo y văn đã mô tả.

Dự báo cơn đau tim im lặng - Ảnh 1.

Thường xuyên tập thể dục giúp dự phòng nguy cơ đau tim. Ảnh: TM

Cách nào phát hiện và dự báo cơn đau tim im lặng?

Nếu bạn có nguy cơ cao bị cơn đau tim, bác sĩ có thể thực hiện đo điện tâm đồ. Đây là một bài kiểm tra để đánh giá hoạt động điện tim, nên đo ECG mỗi năm một lần vào thời điểm kiểm tra định kỳ.

Nếu điện tâm đồ cho thấy có bằng chứng bất thường về sóng Q trên điện tâm đồ, có nghĩa là bạn đã bị một số tổn thương cơ tim và có thể bạn đã có một cơn đau tim im lặng không được phát hiện.

Các yếu tố nguy cơ của một cơn đau tim im lặng?

Bạn được coi là có nguy cơ cao bị cơn đau tim nếu bạn có ít nhất 2 yếu tố nguy cơ: có tăng huyết áp, tiền sử gia đình bị bệnh tim, béo phì, không vận động, hút thuốc lá, mức LDL cholesterol cao, mức HDL cholesterol thấp, bệnh đái tháo đường týp 2 hay tăng triglycerid.

Những người có nguy cơ cao nhất bị cơn đau tim im lặng bao gồm phụ nữ và những người trên 65 tuổi. Những người bị bệnh đái tháo đường týp 2 cũng có nguy cơ bị cơn đau tim im lặng.

Những triệu chứng chung của một cơn đau tim

Giống như tất cả các cơ của cơ thể, cơ tim cần đủ máu để thực hiện chức năng riêng. Máu cung cấp cho cơ tim được cung cấp từ động mạch vành.

Khi các động mạch vành trở nên bị tắc do mảng bám xơ vữa và cục máu đông, cơ tim sẽ không nhận được đủ oxy và dinh dưỡng và tạo cơ hội dễ dàng bị cơn đau tim.

Dấu hiệu điển hình của cơn đau tim bao gồm:

Khó chịu và đau ở vùng ngực: Khó chịu thường xuất hiện ở gần phần trung tâm của ngực và kéo dài hơn vài phút. Một số người cảm thấy chỉ là một sự khó chịu, trong khi những người khác sẽ cảm thấy một cảm giác co thắt, đau đớn dữ dội hoặc một cảm giác đầy tức trong ngực.

Cơn đau lan ra phía sau ngực, một hoặc cả hai cánh tay, lan xuống vùng dạ dày hoặc lan lên vùng cổ.

Khó thở: Thường đau kèm theo khó thở. Đôi khi khó thở có thể là triệu chứng duy nhất gặp phải khi bị một cơn đau tim.

Các triệu chứng khác: Một số người sẽ có triệu chứng toát mồ hôi lạnh hoặc sẽ có cảm giác lâng lâng hay buồn nôn, đôi lúc đây là triệu chứng duy nhất của họ.

Khác với nam giới, phụ nữ thường có các triệu chứng khác ngoài đau ngực, đặc biệt là các triệu chứng đau lưng, buồn nôn và nôn mửa, khó thở hoặc đau ở vùng hàm.

Dự phòng và điều trị gì cần thiết?

Khuyến cáo rằng khi bạn đã bị cơn đau tim im lặng, dù có triệu chứng hay không, bạn vẫn cần được điều trị.

Tiến hành các thử nghiệm và có thể can thiệp phẫu thuật: Nếu bạn thấy có cơn đau tim im lặng, bạn gặp ngay bác sĩ tim mạch và sẽ được điều trị tương tự như một cơn đau tim.

Bác sĩ tim mạch chỉ định kiểm tra gắng sức về tim của bạn, thực hiện chạy trên máy chạy bộ nối với máy ECG để tầm soát bệnh mạch vành. Nếu thấy bất thường trên ECG, bác sĩ có thể chỉ định chụp mạch vành để kiểm tra cung cấp máu cho tim.

Nếu có hẹp mạch vành nặng có thể cần một can thiệp nong mạch vành bằng stent, một số trường hợp có thể cần phải phẫu thuật bắc cầu nối mạch, hoặc những trường hợp đặc biệt có thể can thiệp ghép tim.

Dùng dược phẩm: Có thể sử dụng aspirin mỗi ngày để phòng ngừa huyết khối.

Thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển ACE để làm giảm nhịp tim và giãn mạch máu nên huyết áp có thể thấp hơn và tim sẽ không phải làm việc quá mức; Thuốc hạ cholesterol và yêu cầu giảm cholesterol trong chế độ ăn uống.

Thay đổi lối sống: Các biện pháp thay đổi lối sống: ngừng hút thuốc, cần tập thể dục thường xuyên và giảm cân. Những người bị đái tháo đường nên duy trì mức HgA1C dưới 6,5%.

((Theo newhealthadvisor))

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại