Dư âm rượu bia những ngày sau tết

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC |

Tết đã qua, thế nhưng dư âm của những ly rượu nồng vẫn còn ở lại. nếu uống chừng mực, trong vòng kiểm soát không có vấn đề gì phải quan ngại.

Nhưng nó trở thành mối quan tâm của xã hội khi người ta lạm dụng, uống theo kiểu sáng say chiều xỉn. Bất cứ loại bia nào cũng chứa rượu tức cồn tuyệt đối với hàm lượng thường là 2 - 4%. Và mọi thứ nguy hại của rượu bia chính là tác dụng của rượu nếu uống không chừng mực.

Khi uống quá mức, rượu bia là kẻ nham hiểm bởi vì người uống rượu bia thường không ngộ độc ngay lập tức (trừ trường hợp ngộ độc nặng như kiểu uống rượu dỏm chứa độc chất methanol đưa đến tử vong) mà phá hủy cơ thể người uống một cách ngấm ngầm, để đến lúc nào đó trở thành kẻ nghiện rượu gục xuống trong cơn bạo bệnh không thể cứu chữa được.

Dư âm rượu bia những ngày sau tết - Ảnh 1.

Cơ quan chịu tác động nhiều nhất của rượu là hệ thần kinh trung ương (uống rượu lâu dài sẽ bị nghiện rượu, bệnh được xếp vào nhóm “bệnh tâm thần” ngang hàng của nghiện ma túy), kế đến là gan (dễ bị xơ gan và sau đó có thể là ung thư gan), rồi đến dạ dày tá tràng (bị viêm loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết tiêu hóa)...

Riêng đối với hệ thần kinh trung ương, rượu bia gây tác hại ở nhiều mức độ khác nhau và đặc biệt ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe tâm thần.

Nhiều người trông thấy kẻ uống rượu bia như bị “kích thích”, nói năng có khi bất chấp, dám có những hành động bình thường không dám làm nên tưởng rằng rượu có tác dụng “kích thích”. Thực ra, rượu bia chỉ có tác dụng “ức chế” (trong Dược lý học, rượu được xếp vào nhóm thuốc gây mê tức nhóm thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương).

Rượu biaức chế vùng vỏ não điều khiển sự tự chủ, sự kiềm chế của chúng ta. Nếu vùng vỏ não này bị ức chế, ta sẽ tung hê, dám làm những việc trước đây không dám làm và cứ tưởng là bị kích thích.

Uống nhiều rượu bia sẽ làm tê liệt hệ thần kinh tự chủ, sự phán đoán và ý thức đạo đức. Hậu quả tất nhiên của việc lạm dụng rượu bia sẽ dẫn đến hành vi bạo lực, tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội.

Nhiều vụ “rượu vào… dao ra” đã xảy ra làm chấn động dư luận. Rất nhiều vụ bạo lực gia đình diễn ra với sự “giúp sức” của rượu bia. Uống nhiều rượu bia, người ta dễ buông thả trong tệ nạn “bia ôm” và bất kể vấn đề “an toàn tình dục”.

Không an toàn trong hoạt động tình dục chắc chắn vào cửa tử là nhiễm HIV/AIDS nhiễm các bệnh viêm gan siêu vi B và C... Tệ nạn “rượu uống người” chứ không phải “người uống rượu” nữa cứ xảy ra hàng ngày.

Về tác hại của rượu đối với sức khỏe tâm thần, ở nước ta trong năm 2010, thống kê tại Viện Sức khỏe Tâm thần TW cho thấy cứ 100 bệnh nhân nhập viện trị bệnh tâm thần, 14 người liên quan đến rượu.

Các biểu hiện thường gặp của bệnh nhân có vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến rượu là loạn thần, biểu hiện hoang tưởng hoặc bị ảo giác, bạo lực với người thân, dễ gây gỗ với gia đình và người xung quanh.

Có thể cắt cơn nghiện rượu tại bệnh viện nhờ sử dụng các thuốc an thần dạng nhẹ. Trong vòng một tuần bệnh nhân có thể cắt được cơn nghiện, nhưng tỷ lệ tái nghiện rượu có thể lên đến 100% do yếu tố dễ mua rượu, giá rẻ và bệnh nhân nhân không có ý chí bỏ rượu.

Điều đặc biệt cần lưu ý là đối với những người thường xuyên mệt mỏi, cơ thể suy nhược, mất ngủ nhiều, đôi khi chỉ uống một lượng rượu rất ít nhưng có thể xuất hiện một loại loạn tâm thần đặc biệt, có thể gọi là say rượu bệnh lý.

Đó là khi uống rượu đến mức gọi là say, ý thức người uống rượu trở nên mù mờ, rối loạn định hướng về thời gian và không gian, không phân biệt được sáng, trưa, chiều, tối, không biết mình đang ở đâu.

Có khi thấy những hình ảnh không có trên thực tế hay nghe những lời nói vang lên trong đầu gọi là ảo thị và ảo thính.

Có người cứ nghĩ rằng mình đang bị ai đó theo dõi hay đe dọa, từ đó có các phản ứng giận dữ như tấn công người khác, đốt nhà… Say rượu bệnh lý có thể kết thúc bằng một giấc ngủ mà sau đó người uống rượu không còn nhớ điều gì đã xảy ra.

Rượu bia có cung cấp năng lượng nhưng lại là năng lượng “vô bổ”, tạo phản ứng đốt cháy trong cơ thể để người uống rượu bia có cảm giác nóng bừng lên thôi, chứ không thêm sức lực.

Người uống rượu bia thấy nóng, có vẻ chịu được lạnh rét nhưng xin lưu ý hiện tượng có cảm giác nóng bừng là do rượu làm giãn mạch máu (uống thấy mặt đỏ là vậy), có tác dụng tải nhiệt qua da chứ không làm tăng thân nhiệt để chịu lạnh rét.

Chính hiện tượng này làm người uống rượu bia dễ mất cảnh giác không sợ lạnh, ngủ mình trần rất dễ bị cảm lạnh mà nhiều người gọi là “trúng gió”. Ta nên lưu ý hiện tượng này để đừng uống say xỉn quá, ngủ bạ đâu đó, không có sự che đắp cần thiết sẽ đưa đến bệnh hoạn.

Đối với người không uống rượu bia thường xuyên, lâu lâu mới uống và uống không nhiều việc pha nước ngọt vào rượu bia để uống không có gì đáng lo ngại.

Nhưng nếu uống thường xuyên và chính vị ngọt khoái khẩu làm cho uống thật nhiều hệ lụy xấu sẽ xảy ra. Do một tính chất gây lệ thuộc của rượu là làm “lờn rượu”, tức càng ngày càng phải uống nhiều hơn để cảm thấy thế mới đã.

Thế là, chẳng chóng thì chầy người thích uống rượu bia pha nước ngọt sẽ đi đến nghiện rượu bia. Và cũng như nghiện ma túy, nghiện rượu bia rất khó cai nghiện để dứt bỏ, và biết bao hệ lụy xảy ra do sư nghiện này.

100 bệnh nhân nhập viện trị bệnh tâm thần thì có 14 người có liên quan đến rượu

-Tronh những ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, mỗi ngày khoa Cấp cứu BV. Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân ngộ độc, xuất huyết tiêu hóa, suy gan thận cấp... liên quan đến rượu.Thống kê cho thấy số bệnh nhân cấp cứu tăng 30% so ngày thường.

Trong đó 50% số ca chuyển tuyến, chủ yếu do tim mạch, huyết áp, hô hấp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa, suy gan thận cấp liên quan đến rượu bia.

Dư âm rượu bia những ngày sau tết - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

-BV. Việt Đức (Hà Nội), thống kê trong 3 ngày từ 30 Tết đến ngày mùng 2, tiếp nhận cấp cứu 213 bệnh nhân, trong đó 112 người bị tai nạn giao thông, 6 gặp nạn do pháo nổ, tăng cao so với mọi năm.

Riêng trong ngày 30 Tết, các bác sĩ của bệnh viện đã cấp cứu 74 bệnh nhân, trong đó 30 người bị tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia.

-Còn tại BV. Quân y 103, từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Nguyên đán, bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân mỗi ngày, tăng khoảng 20% so với ngày thường. Trong số đó, 70% ca cấp cứu liên quan đến rượu như xuất huyết dạ dày, loét dạ dày, ngộ độc rượu, tai nạn giao thông, xô xát sau khi sử dụng rượu, bia...

Nhiều trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng, đòi hỏi phải xử trí nhanh, kịp thời mới bảo toàn được tính mạng. Hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết (7/2 và 8/2 dương), khoa Cấp cứu tiếp nhận 2 bệnh nhân bị loạn thần do rượu. Bệnh nhân được gia đình đưa đến viện trong tình trạng nói nhảm, hành vi không bình thường, có dấu hiệu hoang tưởng, hành hung cả người nhà và bác sĩ.

-Tại TP.HCM, khoa Cấp cứu BV. Nhân dân Gia Định cũng ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện do say rượu. Tương tự, khoa Cấp cứu BV. Chợ Rẫy cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn do say xỉn.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại