Đột phá: Virus cổ đại giúp tạo ra siêu vắc-xin ngừa và trị ung thư

Anh Thư |

Các nhà khoa học Anh khám phá ra rằng tàn tích của một loại virus cổ đại đã ẩn náu hàng chục triệu năm trong DNA của con người có thể được khai quật để trở thành siêu vắc-xin chống lại ung thư kháng trị.

Theo BBC, nghiên cứu từ Viện Francis Crick (London - Anh) cho thấy tàn dư không hoạt động của những virus cũ này có thể được đánh thức khi các tế bào ung thư vượt khỏi tầm kiểm soát. Điều này vô tình giúp hệ thống miễn dịch nhắm mục tiêu và tấn công khối u hiệu quả hơn.

Trước đó, các nhà khoa học đã nhận thấy mối liên hệ giữa cơ hội sống cao hơn sau ung thư phổi và một phần của hệ thống miễn dịch - được gọi là tế bào B - tập hợp xung quanh các khối u.

Đột phá: Virus cổ đại giúp tạo ra siêu vắc-xin ngừa và trị ung thư - Ảnh 1.

Tế bào B đã hành động để chống lại thứ mà nó nghĩ là liên quan đến virus cổ đại, một cơ chế có tiềm năng giúp tạo ra vắc-xin ngừa và trị ung thư - Ảnh: NEWS MEDICAL

Các tế bào B là thứ tạo ra hàng loạt kháng thể có thể giúp tấn công những kẻ xâm lược, bao gồm các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 hay các tế bào hư hỏng của bệnh ung thư.

Chính xác những gì chúng đang làm đối với bệnh ung thư phổi vẫn còn là một bí ẩn nhưng một loạt các thí nghiệm phức tạp dựa trên các mẫu từ bệnh nhân và thử nghiệm động vật cho thấy về cơ bản việc tấn công các tế bào ung thư chỉ là chuyện "một công đôi việc".

Thứ các kháng thể cố gắng tấn công là tàn tích của cái được gọi là "retrovirus nội sinh", rồi vô tình đoàn quân này tấn công luôn tế bào ung thư, theo giáo sư Julian Downward, Phó Giám đốc nghiên cứu từ Viện Francis Crick.

Các retrovirus, có nguồn gốc từ hàng chục triệu năm trước, đã đưa một bản sao hướng dẫn di truyền của chúng vào bên trong của chúng ta. Và thực ra hơn 8% những gì cũng ta nghĩ là "DNA của con người" có nguồn gốc từ những virus cổ xưa như vậy.

Một số retrovirus này đã trở thành phần cố định trong mã di truyền của chúng ta hàng chục triệu năm trước và được chia sẻ với họ hàng tiến hóa của chúng ta, loài vượn lớn. Bất chấp quá trình phân tách loại và tiến hóa phức tạp, chúng ta và vượn vẫn mang theo tàn tích này trong cơ thể.

Theo thời gian, một số hướng dẫn ngoại lai này đã được cơ thể "thuần hóa" để phục vụ các mục đích hữu ích bên trong tế bào của chúng ta, nhưng cũng được các yếu tố di truyền khác của cỗ máy thông minh mang tên "cơ thể" kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn sự lan rộng.

Tuy nhiên, sự hỗn loạn chiếm ưu thế bên trong một tế bào ung thư khi nó phát triển không kiểm soát đã khiến cơ chế kiểm soát tàn dư của virus cổ xưa này mất đi.

Những hướng dẫn di truyền cổ xưa này không còn khả năng hồi sinh toàn bộ virus nhưng chúng có thể tạo ra các mảnh virus đủ để hệ thống miễn dịch phát tín hiệu báo động và bắt đầu làm việc.

Giáo sư George Kassiotis, người đứng đầu bộ phận miễn dịch học retrovirus tại Trung tâm nghiên cứu Y sinh của Viện Francis Crick mô tả rằng hoạt động của tế bào ung thư đã khiến nó bị lầm tưởng là virus hoặc một "đồng phạm" tích cực, nên bị tiêu diệt.

Giáo sư Kassiotis nói rằng đó là một sự đảo ngược vai trò đáng chú ý đối với retrovirus. Vào thời hoàng kim hàng chục triệu năm trước, có thể chính chúng đã gây ung thư cho tổ tiên chúng ta khi xâm nhập DNA và gây hư hỏng trong hệ thống di truyền, một cơ chế làm phát sinh ung thư.

Bài công bố vừa được xuất bản trên Nature cho biết các nhà nghiên cứu muốn tăng cường hiệu quả đó bằng cách phát triển vắc-xin để dạy cơ thể cách săn lùng các retrovirus nội sinh.

Vắc-xin này sẽ lợi dụng cơ chế nói trên để trở thành vắc-xin điều trị ung thư kháng trị - ở những bệnh nhân mà các phương pháp khác không còn hiệu quả do tế bào ung thư tìm cách né được hệ thống miễn dịch.

Tham vọng hơn, họ cho rằng cơ chế cũng có thể giúp vắc-xin này có tác dụng phòng ngừa ung thư, giống như các vắc-xin chúng ta vẫn tiêm để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại