Một phụ nữ (42 tuổi, ở California, Mỹ) đến bệnh viện, sau khi ngón tay của cô bị sưng và đau đớn kéo dài 1 tuần không đỡ, dù trước đó, cô không hề bị thương hay va đập.
Tại bệnh viện, hình ảnh phim chụp X- Quang và CT cho thấy, cô bị sưng ở mô mềm ngón tay không có dấu hiệu ảnh hưởng tới xương.
Tuy nhiên, kết quả sinh thiết lại gây bàng hoàng, cô bị nhiễm Mycobacterium Tuberculosis – một loại vi khuẩn gây bệnh lao.
Tay của cô gái sưng to vì bị bệnh lao. (Ảnh: Health)
Sau khi kiểm tra, bác sĩ kết luận cô nhiễm lao từ chồng. Chồng cô vô tình truyền bệnh cho vợ sau một cơn ho bất chợt.
“Hiện tại, do được phát hiện sớm và điều trị tích cực bằng nhiều phương pháp khác nhau, sau 9 tháng, bệnh tình của người phụ nữ trên đã được kiểm soát, các triệu chứng của cô cũng dần biến mất hoàn toàn”, một vị bác sĩ cho biết.
Theo các chuyên gia, mặc dù, bệnh lao không phổ biến ở Mỹ vì có thuốc kháng sinh chữa trị, nhưng đây vẫn là “kẻ giết người hàng đầu” trên toàn thế giới.
Vi khuẩn lao lan truyền trong không khí, gây ra bệnh lao, bệnh này thường xảy ra ở phổi và làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như thận, cột sống và não…
Các triệu chứng của bệnh lao bao gồm: Ho ra máu, đau ngực, sụt cân, mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi ban đêm, ớn lạnh và chán ăn.
Mặc dù hiếm khi bệnh lao phát triển ở ngón tay, nhưng theo các bác sĩ, trường hợp như người phụ nữ trên, cũng là lời cảnh báo cho những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu, cần phải cẩn trọng.
Cụ thể, những người đang chiến đấu với bệnh HIV/AIDS, tiểu đường, bệnh thận và ung thư nên đặc biệt chú ý hơn về sức khỏe, so với người bình thường.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi phát hiện bản thân có những dấu hiệu nghi ngờ của bệnh lao, người bệnh cần nhanh chóng tới các bệnh viện chuyên khoa gần nhất để được thăm khám và xét nghiệm, qua đó tìm ra phương pháp điều trị cụ thể.
Tránh chủ quan, khiến bệnh quá nặng, gây khó khăn cho quá trình trị bệnh về sau.