Đột nhiên đau chân, đi khám ra bệnh hiểm

Nguyễn Thạnh |

Chiều 22-4, Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) cho hay vừa thực hiện hai cuộc phẫu thuật phức tạp thay mới tĩnh mạch chủ dưới, cứu sống hai bệnh nhân có chồi bướu xuyên thành chít hẹp tĩnh mạch chủ cản trở máu về tim.

Cả hai trường hợp người bệnh đều được phát hiện bệnh khi khối ung thư xâm lấn và viêm dính phức tạp trong ổ bụng mà trước đó họ không hề hay biết.

Đột nhiên đau chân, đi khám ra bệnh hiểm- Ảnh 1.

Các bác sĩ phẫu thuật cứu bệnh nhân

Ông P.V.Đ (60 tuổi, ở TP HCM) đi khám vì chân phải đột nhiên đau nhiều không rõ nguyên nhân gần một tuần, kèm sốt. Bệnh viện địa phương phát hiện ông có bướu thận nên chuyển lên tuyến chuyên sâu về ngoại khoa.

Tại Bệnh viện Bình Dân, các bác sĩ phát hiện bướu thận phải kích thước lớn 80 mm x 40 mm và chồi bướu đã ăn lan, xuyên vào thành tĩnh mạch chủ dưới gây chít hẹp khiến máu từ chân phải không chảy về tim được. Đây chính là lý do làm cho người bệnh đau chân dữ dội. Ông được cắt bỏ thận phải có bướu xâm lấn, thay tĩnh mạch chủ dưới.

Trường hợp thứ 2 là ông P.T.N (37 tuổi), nhập viện vì đau hông lưng âm ỉ bên phải từ 2 tháng trước kèm ăn uống kém, sụt cân. Cách đây 5 năm, người bệnh từng được phẫu thuật do ung thư vỏ tuyến thượng thận bên phải, nhưng do dịch COVID-19 đến nay không tái khám.

Các bác sĩ phát hiện bướu vỏ tuyến thượng thận đã tái phát và có kích thước 64x43x34mm (khoảng bằng trái banh tennis) và phẫu thuật gỡ dính, tách bướu an toàn ra khỏi đại tràng phải, tá tàng và cuống gan, tạo hình đoạn tĩnh mạch chủ dưới dài 6 cm bằng mảnh ghép sinh học từ màng ngoài tim bò…

Theo TS-BS Phạm Phú Phát, Trưởng Khoa Niệu A Bệnh viện Bình Dân, hiện nay có thể phát hiện bướu thận giai đoạn sớm, khi bướu chỉ mới có kích thước khoảng 1-3 cm bằng siêu âm ổ bụng. Việc cắt bướu bảo tồn thận sẽ rất thuận lợi và tiên lượng rất tốt cho người bệnh thay vì phát hiện muộn đến khi bướu đã xâm lấn hoặc di căn xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại