Bài 1: Lá cỏ mực 1 nắm, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt, hòa với ít mật ong. Dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ viêm loét. Ngày bôi 2 - 3 lần.
Hoặc: Hoàng liên 10g, hoàng bá 10g, cỏ mực 20g, rau má 20g, tang diệp 16g, sài hồ 12g, cam thảo đất 16g, thục địa 12g, trúc diệp 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Công dụng: Thanh nhiệt, chống viêm, thích hợp khi bị nhiệt miệng, có những nốt loét ở đầu hoặc thân lưỡi, gây đau rát, xót, sốt, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ lượng ít,…
Bài 2: Ngân hoa 10g, liên kiều 12g, tri mẫu 10g, hoàng bá 12g, bạch thược 12g, hồng hoa 10g, cỏ mực 20g, cát căn 20g, sinh địa 12g, trần bì 10g, đại táo 10g, trúc diệp 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Hoặc: Cát căn 20g, chi tử 12g, liên kiều 12g, đinh lăng 20g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, sâm đại hành 16g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g, sài hồ 12g, mạch môn 16g, thiên môn 16g, trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Công dụng: Thanh nhiệt, lương huyết, chống viêm, thích hợp cho người bệnh có biểu hiện lợi sưng đau, dễ chảy máu, lưỡi đỏ, có những nốt loét trong khoang miệng, đau đớn, đại tiện táo, bụng đầy trướng,…
Bài 3: Gạo tẻ 100g nấu thành cháo, sau cho bột cát căn 50g vào nấu chín thành cháo ăn trong ngày. Dùng 3-5 ngày. Công dụng: Thanh nhiệt, nhuận táo, thích hợp cho trường hợp nhiệt miệng, nướu răng bị sưng chảy máu, táo bón,…
Bài 4: Bí ngô 150g, đậu đen 30g, hạt sen 25g, gạo tẻ 50g, gạo nếp 20g, đường kính vừa đủ. Bí ngô gọt bỏ vỏ thái miếng.
Đậu đen và hạt sen rửa sạch. Gạo nếp, gạo tẻ đãi sạch. Cho tất cả vào nồi, đổ nước hầm cho chín kỹ, đậu đen và hạt sen chín mềm, cho đường vào, thêm 2 - 3 lát gừng đập giập vào quấy đều là được. Múc ra bát ăn nguội. Công dụng: Thanh nhiệt chống viêm, dưỡng âm, phù hợp với người bị nhiệt miệng, tâm phiền, ngủ không yên, nước tiểu đỏ, người nóng.