Theo RT, lực lượng cảnh sát dự bị Nga được Moskva thành lập vào cuối tháng trước, theo lời đề nghị của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Khi đó, Tổng thống Nga Vladmir Putin đã khẳng định nước này sẵn sàng hỗ trợ người láng giềng trong trường hợp cần thiết, tuy nhiên nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng Belarus chưa cần đến sự trợ giúp này.
Hôm 14/9 vừa qua, hai ông Putin và Lukashenko đã có cuộc gặp gỡ tại thành phố Sochi bên bờ Biển Đen của Nga để bàn về tình hình khủng hoảng hậu bầu cử tại Belarus, cũng như việc hợp tác của hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Sau cuộc hội đàm nói trên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã tiết lộ với báo giới về việc hai nhà lãnh đạo nhất trí giải tán lực lượng cảnh sát dự bị:
"Một kết quả quan trọng của các cuộc hội đàm giữa hai tổng thống [Nga và Belarus] ở thành phố Sochi là việc hai bên đã nhất trí để Nga giải tán lực lượng thực thi pháp luật dự phòng và Vệ binh Quốc gia được thành lập gần khu vực biên giới Nga-Belarus, và điều động các cảnh sát, binh lính trở lại cơ sở đồn trú của họ", ông Peskov cho biết.
Tháng trước, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Nga, ông Putin cho biết Moskva có một số nghĩa vụ với Belarus trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO - một liên minh quốc phòng giống với NATO) và Hiệp ước Nhà nước liên minh Nga-Belarus được kí kết giữa hai nước.
Tổng thống Putin đã nêu điều kiện để Belarus nhận được sự trợ giúp từ Nga, đó là khi "các phần tử cực đoan nấp sau các khẩu hiệu chính trị bước qua một số lằn ranh như phóng hỏa nhà cửa, ngân hàng, cố gắng chiếm giữ các tòa nhà của chính quyền". Tuy nhiên vào thời điểm đó nhà lãnh đạo Nga đã nhận định rằng tình hình của quốc gia láng giềng đã có tiến triển.
RT cho biết, cũng trong cuộc hội đàm hôm 14/9, hai nhà lãnh đạo Putin và Lukashenko đã đạt được thỏa thuận về khoản vay trị giá 1,5 tỉ USD.
Hãng thông tấn trung ương Nga TASS dẫn lời Tổng thống Putin cho biết: "Chúng tôi đồng ý rằng Nga sẽ cung cấp khoản vay lên đến 1,5 tỉ USD cho Belarus trong tình hình đầy thách thức hiện nay, và các bộ trưởng tài chính đang giải quyết điều đó".
Ông Putin cũng nêu điều kiện rằng người dân Belarus phải tự giải quyết khủng hoảng của mình mà không có sự can thiệp từ bên ngoài nếu họ muốn vay khoản tiền này.
Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov, Tổng thống Putin đã công nhận ông Lukashenko là tổng thống hợp pháp của Belarus. "Đối với những người không công nhận kết quả bầu cử, họ vẫn là công dân của Belarus - người anh em của Nga, và chúng tôi vẫn trân trọng và yêu quý họ. Nhưng chúng tôi [Nga] mong muốn những điều xảy ra ở Belarus phải tuân thủ theo luật pháp".
Người phát ngôn Điện Kremlin giải thích rằng việc Nga cho Belarus vay tiền không phải là hành động can thiệp nội bộ, mà số tiền này được sử dụng với mục đích giúp Belarus tái cơ cấu các khoản nợ cũ.
Theo hãng tin RT, nhà lãnh đạo Nga cũng đã khuyến nghị chính quyền Belarus bắt đầu quá trình sửa đổi Hiến pháp và nói rằng đây là quyết định "hợp lý, kịp thời và phù hợp" với tình hình hiện nay.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: