LPR-DPR cảnh báo: Bất kỳ máy bay nước ngoài nào bay qua Donbass đều sẽ bị bắn hạ. (Ảnh: RIA)
Trong bối cảnh phương Tây bắt đầu hỗ trợ Lực lượng vũ trang Ukraine bằng vũ khí và kế hoạch đánh chiếm Donbass, các nước cộng hòa tự xưng trong khu vực đã quyết định sẽ tấn công bất kỳ máy bay nước ngoài nào có thể gây ra mối đe dọa với các hệ thống phòng không ở Donbass.
Cụ thể, thông tin về vấn đề này xuất hiện chỉ sau vài ngày, khi một máy bay trinh sát điện tử RC-135W Mỹ được phát hiện gần biên giới của LPR và DPR.
Theo Avia.pro, LPR và DPR được trang bị một số lượng tương đối nhỏ các hệ thống phòng không, tuy nhiên, chúng cũng đủ để bắn hạ các máy bay xâm phạm bất hợp pháp không phận của bất kỳ nước cộng hòa tự xưng nào.
Giới chuyên gia cho rằng, lý do khiến máy bay trinh sát Mỹ Boeing RC-135W bay qua vùng Donbass là để xác định chính xác vị trí của hệ thống phòng không, trạm radar và hệ thống tác chiến điện tử cho các cuộc tấn công tiếp theo của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn là thực tế vài tuần trở lại đây ở phía nam của DPR, máy bay phản lực không xác định đã được phát hiện hai lần.
Trước đó, theo truyền thông Ukraine, hôm 11/12, máy bay trinh sát điện tử RC-135W của Không quân Mỹ đã thực hiện nhiệm vụ do thám vùng Donbass.
Theo Flightradar24, chiếc trinh sát cơ đã thực hiện nhiệm vụ do thám một cách thận trọng để tránh chọc giận phía Nga.
Động thái này diễn ra một ngày sau khi máy bay chiến đấu Su-27 của Nga xuất kích hộ tống một nhóm máy bay do thám của Pháp và Mỹ, bao gồm máy bay chiến đấu Mirage 2000, chiến đấu cơ Rafale cũng như máy bay do thám CL-600 Artemis và trinh sát cơ RC-135 trên Biển Đen.
RC-135W có tốc độ tối đa là 870 km/h, tầm hoạt động 6.500 km, hành trình tối đa 12.000 km và bay cao tối đa 15.000 m, thời gian bay liên tục có thể trên 12 giờ.
Được biết, chiếc máy bay này có thể bao quát mọi phương tiện phòng không của đối phương như tiêm kích đánh chặn, tổ hợp tên lửa phòng không...
Năng lực đáng gờm của RC-135W khiến giới quan sát đồn đoán về ý đồ của Mỹ đằng sau việc triển khai trinh sát cơ này đến khu vực vô cùng nhạy cảm, thổi bùng căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Moscow và Kiev vẫn luôn đổ lỗi cho nhau về các xung đột leo thang tại vùng Donbass - nơi quân đội Ukraine đang đối đầu cùng các lực lượng ly khai mà phương Tây cáo buộc được Nga chống lưng. Phía Ukraine cho biết, xung đột Donbass đã cướp đi sinh mạng của 14.000 người kể từ năm 2014.
Bên cạnh đó, Ukraine cùng các đồng minh phương Tây của nước này và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thời gian qua đã cáo buộc Nga về việc điều động tăng cường binh sĩ theo kiểu “khiêu khích” tại khu vực biên giới miền đông của Ukraine và tại Crimea.
Trong khi đó phía Nga cáo buộc Mỹ và NATO đã có hành động “nóng” với nước này tại khu vực Biển Đen.