Theo nguồn tin quân sự của phe đối lập Syria tại tỉnh Idlib, nơi được coi là căn cứ địa của nhóm khủng bố Hội đồng giải phóng vùng Sham (Hayyat Tahrir al-Sham viết tắt là HTS) có liên hệ với al-Qaeda.
Hiện tại bất đồng lớn đã gây chia rẽ trong hàng ngũ của HTS liên quan tới việc nhóm này tiếp tục không thể hiện quan điểm về thoả thuận tại Sochi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga liên quan tới khu phi quân sự bao quanh tỉnh Idlib.
HTS vẫn tiếp tục im lặng và không đưa ra phản ứng, trong khi đa phần các nhóm vũ trang đối lập đang chờ đợi một quyết định được xem là rất quan trọng của nhóm để liên kết với nhau và ngăn chặn cái gọi là "Sự xâm lược của chính phủ Syria và người Nga", một chiến dịch quân sự lớn tại Idlib có thể gây ra một thảm họa nhân đạo.
Theo một chỉ huy quân sự cấp cao giấu tên thuộc lực lượng đối lập Quân đội Syria tự do (FSA) ở miền bắc Syria:
"HTS, mặc dù đã thẳng thừng từ chối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ giải tán nhóm trước đây, nhưng nay lại thể hiện thái độ né tránh hành động quân sự được cho là sắp xảy ra ở Idlib. Nó dẫn tới mối đe dọa rằng nhóm sẽ tan rã vì chia rẽ nội bộ.
Trong các cấp lãnh đạo của HTS thể hiện cho hai dòng tư tưởng đối lập, một là cố gắng sử dụng đàm phán dựa trên sự tôn trọng thỏa thuận Idlib để ngăn chặn một cuộc tấn công ồ ạt, ủng hộ một khu phi quân sự ở miền bắc Syria do lãnh đạo HTS Abu Mohammed Joulani chủ trương.
Dòng tư tưởng thứ hai, phản đối thoả thuận Idlib từ các chiến binh do chỉ huy chiến trường cao cấp người Ai Cập Abu al-Iqazan, được mô tả như là phe "cứng rắn", đang nhận được sự ủng hộ của các Emir khác (Tiểu vương tự xưng của HTS)."
Hôm 28/8, lãnh đạo HTS Abu Mohammad Joulani tuyên bố không cho phép một kịch bản ở Idlib giống như Nam Syria, lên án các trạm giám sát ngưng bắn của Thổ Nhĩ Kỳ trong Idlib là vô dụng và tuyên bố HTS quyết tâm tiêu diệt IS.
Nguồn tin cũng phân tích những rắc rối mà lãnh đạo HTS Joulani phải đối mặt là nếu công khai công nhận thoả thuận Idlib, các nhóm vũ trang "cực đoan" hơn sẽ rời khỏi HTS và gia nhập các phe phái cực đoan khác.
Nguồn tin cũng chỉ rõ một sự đe doạ cho vị trí lãnh đạo của Joulani với HTS, người đang càng ngày càng thể hiện một mối quan hệ mật thiết với Thổ Nhĩ Kỳ.
Joulani có thể là một mục tiêu cần phải loại bỏ của các lãnh đạo HTS khác, những người đang liên tục từ chối đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ, từ chối kết quả của thỏa thuận Sochi về Idlib và việc HTS đang đàm phán để tham gia vào Mặt trận giải phóng quốc gia (NLF) do Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ.
Việc Joulani bị hạ bệ đồng nghĩa với hoạt động quân sự lan rộng nhằm vào cả Quân đội Syria lẫn các lực lượng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và ngay cả lực lượng NLF.
HTS có thể sẽ tan rã như thế nào?
Joulani đang phải đối mặt với một tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" vì trong khi chờ đợi tuyên bố công khai của HTS về thỏa thuận Idlib, một số nhóm vũ trang trong HTS đã vội vã tuyên bố ly khai khỏi tổ chức và gia nhập nhóm "cực đoan" hơn được al-Qaeda trực tiếp lãnh đạo.
Nhóm này chính là Người bảo vệ tôn giáo (Tanzim Hurras al-Deen viết tắt THD) mới thành lập tháng 2 năm 2018 và thu hút hàng nghìn thành viên HTS gia nhập.
Lực lượng đặc biệt "Đỏ" thuộc nhóm khủng bố HTS tại Idlib.
Điều này được xác nhận bởi Chuẩn tướng Ahmed al-Rahal, thuộc lực lượng đối lập Quân đội Syria tự do (FSA): "Sáu nhóm vũ trang còn lại trong thành phần HTS đang yêu cầu các lãnh đạo của HTS thể hiện quan điểm 'cứng rắn' hơn".
Al-Rahal, người đã liên tục đưa ra thông tin về những thay đổi trong tỉnh Idlib, nhấn mạnh rằng HTS:
"Nó đang bị đe doạ tiêu diệt ngay khi ở sân nhà. Khi một phe đồng thuận còn phe cực đoan hơn thì từ chối thực thi thỏa thuận Sochi tại Idlib.
Abu Muhammad al-Julani, Emir (Tiểu vương tự xưng) Lãnh đạo của HTS đứng đầu nhóm có xu hướng tôn trọng thoả thuận và chấp nhận ngưng đấu tranh vũ trang nhưng các Emir khác thì từ chối hoàn toàn và yêu cầu không tuân theo thỏa thuận.".
Các giáo sĩ Hồi giáo cực đoan, các chỉ huy chiến trường của HTS, tự xưng là các Emir chủ trương theo đường lối cứng rắn, đang liên tục đưa ra các tuyên bố theo đuổi việc "giải phóng hoàn toàn vùng Sham (bao gồm Lebanon - Syria - Iraq và một phần Jordan) khỏi chủ nghĩa thế tục.
Các Emir này kêu gọi các chiến binh đối lập không thực thi thỏa thuận của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về Idlib, nói thoả thuận này là "sự thất bại" và sẽ không chấp nhận những "kẻ phản bội".
Cụ thể là Emir al-Shar'i Abu al-Yazzan đã tuyên bố:
"Ai rút lại lời thề tiếp tục chiến đấu cho đến khi lật đổ chế độ (của Tổng thống Syria Bashar al-Assad) và giao nộp vũ khí hạng nặng là kẻ đạo đức giả. Bất cứ kẻ nào yêu cầu chúng ta giao nộp vũ khí, để loại bỏ năng lực chiến đấu của chúng ta theo thỏa thuận Sochi là kẻ phản bội".
Thổ Nhĩ Kỳ và Abu Muhammad al-Jolani "đồng minh" hay "địch thủ"?
Joulani đang dẫn đầu một phe "ôn hoà" hơn và bỏ qua sự phản đối trong nội bộ HTS để duy trì mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ (TNK).
HTS phải lựa chọn giữa việc Ankara ngày càng tăng cường lực lượng vũ trang TNK trong tỉnh Idlib và trở thành "quan toà" đứng trung gian giữa các phe nhóm vũ trang ở Idlib và một lựa chọn tồi tệ hơn là một cuộc chiến có tính quyết định tồn vong với Quân đội Syria và Nga.
Abu Mohammad al-Joulani trong một cuộc thị sát chiến tuyến của HTS tại tỉnh Idlib.
Theo nhà báo và nhà nghiên cứu về các nhóm thánh chiến tại Syria Khalid Husein: "HTS vẫn còn tiếp tục duy trì mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ".
Ông nhấn mạnh rằng: "Trong khi đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, Joulani không bị sức ép. Ông ta ứng xử với Thổ Nhĩ Kỳ một cách thận trọng, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì nghi ngờ Joulani, cả hai đều không đặt lòng tin hoàn toàn vào nhau.
Tuy Thổ Nhĩ Kỳ cam kết với người Nga sẽ có biện pháp mạnh với những nhóm vũ trang từ chối hoặc đối đầu, nhưng thực tế Thổ Nhĩ Kỳ đã không cắt đứt mối quan hệ của họ với HTS, ít nhất cho đến hiện tại.
Người Thổ đang tính toán về việc giữa việc bảo đảm an toàn cho chính mình bằng một vùng đệm ở các khu vực biên giới Syria và tiếp tục nỗ lực ngăn chặn bất kỳ sự mở rộng của người Kurd tại Syria mà không muốn thiệt hại về nhân mạng binh lính Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara miễn cưỡng đồng thuận với người Nga và không muốn lặp lại một cuộc chiến gây đổ máu quá lớn cho binh lính của họ như chiến dịch "Cành Oliu" tại khu vực Afrin, phía bắc Idlib".
Khalid Hussein kết luận: "Joulani đang cố gắng cân bằng theo một cách thực dụng nhất, vừa không muốn chống đối Thổ Nhĩ Kỳ và vừa không muốn HTS tan rã".
Tình thế trớ trêu cho Thổ Nhĩ Kỳ
Vào ngày 2/10, chính phủ Đức đã đưa ra một thống kê tương đối chính xác về số lượng chiến binh tại Idlib phân chia theo các nhóm vũ trang như sau:
- 50.000 chiến binh thuộc liên minh Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) được hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ.
- 5.000 chiến binh thuộc các nhóm vũ trang không liên kết (Jaysh al-Izza vv..) đa phần là các nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA) trước đây được Hoa Kỳ viện trợ quân sự trực tiếp.
- 8.000 chiến binh thuộc nhóm khủng bố HTS (Hiện tại đã được HTS tái tổ chức thành 3 trung đoàn).
- 1.500 chiến binh thuộc nhóm khủng bố Đảng Hồi Giáo Đông Turkestan (TIP).
- 1.000 chiến binh thuộc Tanzim Huras al-Deen (gồm đa phần là người nước ngoài tách ra từ HTS).
Và khoảng 300 là các nhóm khủng bố liên kết với IS.
Các nhóm vũ trang và lãnh thổ của từng nhóm tại Idlib.
Ngay từ sau khi thoả thuận Sochi được ký kết, nhóm vũ trang đầu tiên tại Idlib lên tiếng phản đối và hô hào tiếp tục thánh chiến là Tanzim Huras al-Deen.
Ngày 29/9 Jaysh al-Izza, nhóm FSA "không liên kết" tuyên bố không đồng ý với các điều khoản của thoả thuận Sochi, Jaysh al-Izza đã tăng cường quân tiếp viện và vũ khí từ Idlib đến chiến tuyến tại các thị trấn Lataminah, Kafr Zita và Zakat, Tel Wasit, Al-zayara và Sarmaniya tại đồng bằng Ghaab, bắc Hama.
Gần như ngay sau tuyên bố của Tanzim Huras al-Deen và Jaysh al-Izza, Faylaq al-Sham (nhóm là nòng cốt của 1 trong 5 quân đoàn của NLF) dù được viện trợ trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng tuyên bố không thực thi Sochi.
Lập luận của Jaysh al-Izza và Faylaq al-Sham như sau:
1. Các nhóm không chấp nhận việc gần như toàn bộ lãnh thổ thuộc hai nhóm kiểm soát sẽ nằm trong vùng phi quân sự.
Điều này đồng nghĩa với toàn bộ vũ khí hạng trung, hạng nặng phải giao nộp cho TNK theo thoả thuận Sochi chứ không chuyển tới các căn cứ nằm sâu trong nội địa như các nhóm khác. Cả hai nhóm yêu cầu ranh giới khu phi quân sự phải nhỏ hơn.
2. Các nhóm không chấp nhận quân cảnh Nga nằm trong thành phần lực lượng tuần tra hỗn hợp Nga-TNK giám sát khu phi quân sự. Đây được coi là hành động mở rộng lãnh thổ kiểm soát bởi chính phủ khi người dân đang có xu hướng đổ về các vùng chính phủ Syria kiểm soát để trở về nhà.
3. Về việc mở lại cao tốc M5 nối Aleppo và Hama, hai nhóm yêu cầu chính phủ Syria phải phóng thích tù nhân chính trị thì mới đảm bảo được sự tham gia của phe đối lập.
Cho tới thời điểm hiện tại, các cuộc đàm phán con thoi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các "đối tác" trong khu vực Idlib đang diễn ra.
Một loạt các cuộc gặp giữa TNK và HTS, TNK và Jaysh al-Izza, Thổ Nhĩ Kỳ và Faylaq al-Sham đã được khởi động nhưng đàm phán đang ở thế bế tắc.
Mục tiêu ban đầu của thoả thuận Sochi là chia tách các nhóm vũ trang ở Idlib để TNK có thể dễ dàng tiến hành một chiến dịch truy quét với lực lượng xung kích là NLF có lẽ đang trở nên phức tạp, khi mà nhóm khủng bố lớn nhất là HTS lại có xu hướng tuân thủ còn các nhóm ôn hoà hơn, được TNK "kiểm soát" như Faylaq al-Sham (NLF) thì lại chống đối.
Việc thực thi thoả thuận Sochi cho thấy những tuyên bố của các lãnh đạo TNK về việc tiêu diệt khủng bố theo cách của họ ngày càng khó đạt được mục tiêu, tuy nhiên Sochi đã làm được điều mà người Nga mong muốn - phá vỡ các kết cấu liên minh của các nhóm vũ trang tại Idlib.