Hợp đồng tưởng đã xuôi chèo mát mái...
Từ lâu Indonesia đã có ý định mua sắm dòng máy bay tiêm kích Su-35 tối tân của Nga sau khi rất hài lòng với các loại tiêm kích đánh chặn Su-27 hoặc tiêm kích đa năng Su-30MK2 có cùng xuất xứ.
Công tác đàm phán hợp đồng nhập khẩu Su-35 đã bắt đầu từ tháng 11 năm 2015, tuy nhiên hai bên Nga-Indonesia lúc đó chưa thống nhất được giá cả, phương thức thanh toán hàng đổi hàng cũng như các loại hàng hóa cụ thể mà Indonesia có thể giao và Nga có thể nhận.
Phải tới tận tháng 2/2018 vừa qua, sau nỗ lực không mệt mỏi của các bên, hợp đồng cung cấp 11 tiêm kích Su-35 trị giá tới 1,1 tỷ USD mới chính thức được ký kết.
Theo Bộ Thương mại Indonesia, trị giá của hợp đồng mua 11 chiếc tiêm kích Su-35 trị giá 1,14 tỷ USD, trong đó nước này sẽ thanh toán cho Nga bằng các loại hàng hóa như dầu cọ, cà phê, trà và cao su với tổng trị giá lên tới 570 triệu USD.
Tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Không quân Indonesia.
Theo tiến độ ghi trong hợp đồng, 2 chiếc Su-35 đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao cho Indonesia vào tháng 10 năm nay.
Tuy nhiên, đầu tháng 9/2018, ông Mohamed Vahid Supriyadi - Đại sứ Indonesia tại Nga tuyên bố nước này hy vọng sẽ nhận được 2 chiếc Su-35 đầu tiên vào tháng 10 năm 2019, như vậy, so với thông tin ban đầu thì kế hoạch giao hàng đã bị lùi lại tròn 1 năm.
Còn trước đó, ông Viktor Kladov - Giám đốc Hợp tác quốc tế và chính sách khu vực Tập đoàn Nhà nước Rostec tuyên bố rằng Indonesia có thể sẽ mua thêm 1 lô tiêm kích Su-35 khi ngân sách của quốc gia này đủ điều kiện.
Rõ ràng, triển vọng hợp tác khoa học kỹ thuật - quân sự giữa Indonesia và Nga đang hết sức tốt đẹp và có thể mở rộng hơn nữa trong tương lai.
Không quân Indonesia sở hữu khá nhiều tiêm kích Sukhoi mua từ Nga.
... nhưng Mỹ đã ra tay ngáng đường
Theo đó, Nga đã buộc phải hoãn lại việc chuyển giao các máy bay tiêm kích Su-35 tối tân cho Indonesia vì những đòn cấm vận trả đũa của Mỹ, hãng tin RIA Novosti và tờ Kommersant đồng loạt đưa tin, dẫn phát biểu của 2 quan chức cấp cao của ngành công nghiệp quốc phòng Nga cũng như từ 1 nguồn tin thân cận với chính phủ.
Hợp đồng bán 11 chiếc tiêm kích Su-35 mà Nga ký với Indonesia sẽ vẫn có hiệu lực pháp lý, tuy nhiên việc thực hiện sẽ bị tạm hoãn lại. Một trong số các nguồn tin của tờ Kommersant tuyên bố, "tình hình 'chẳng vui vẻ gì' nhưng 'không nghiêm trọng', chúng tôi đang tích cực làm việc với các đối tác của Indonesia để tìm cách giải quyết vấn đề".
Theo tờ Kommersant, Nga lo ngại các lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt lên một ngân hàng thương mại - đơn vị được chỉ định tham gia làm trung gian thanh toán trong hợp đồng.
Tiêm kích Su-35.
Cùng với đó, theo RIA, các cơ quan hữu quan của Mỹ không đảm bảo rằng họ có hay không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Indonesia khi hợp tác với công nghiệp quốc phòng Nga.
Kommersant cho biết thêm, Nga cũng đang gặp rất nhiều khó khăn:
"Khi tiến hành thực hiện hợp đồng dưới dạng tín dụng và việc thanh toán thông qua một trong số các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, thật không may là ở Mỹ, người ta coi khoản tín dụng này như là hợp tác với Rosoboronexport và sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng này".
Rõ ràng, sau những thất bại khi không ngăn được Nga bán tên lửa S-400 Triumf cho Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ hay đành bất lực nhìn Nga thần tốc giao tên lửa S-300 cho Syria, cuối cùng người Mỹ đã giành được một "chiến thắng an ủi", cho dù chỉ là tạm thời.
Nhiều khả năng, Nga sẽ vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng và chuyển giao Su-35 cho Indonesia vào thời điểm thích hợp. Từ nay đến tháng 10/2019, thời gian vẫn còn dài.
Su-35 là loại tiên kích chiếm ưu thế trên không thế hệ 4++ được trang bị động cơ điều khiển véc tơ lực đầy cùng radar mảng pha tối tân, có khả năng bay với tốc độ tối đa 2.500km/h, bán kính chiến đấu tới khoảng 1.600km.
Su-35 được trang bị pháo trên khoang cỡ nòng 30mm cùng 12 giá treo có thể mang được tất cả các loại vũ khí có điều khiển hiện đại nhất của Nga, từ tên lửa không đối không, không đối đất cho tới tên lửa chống hạm đầy uy lực.
Tiêm kích Su-35 trình diễn tại Triển lãm MAKS-2017