Tăng tầm gấp đôi
Hãng Sputnik dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga và Ấn Độ "đã đồng ý cải tiến tên lửa BrahMos giúp phát triển phiên bản mới của tên lửa này có tầm bắn tới 600 km và cho phép nó được phóng từ mặt đất, máy bay và tàu chiến".
Ngay khi quyết định tăng tầm bắn cho BrahMos được công khai, chuyên gia phân tích quốc phòng Rahul Bhonsle cho rằng với tầm bắn 300 km, hệ thống BrahMos buộc phải triển khai ở gần khu vực mục tiêu, trong khi được tăng tầm bắn, khu vực bố trí tổ hợp chiến đấu sẽ linh hoạt hơn, dễ gây bất ngờ cho đối phương.
PJ-10 BrahMos là tên lửa chống hạm siêu thanh được Ấn Độ phát triển trên nền tảng P-800 Oniks (NATO định danh: SS-N-26 Strobile) của Nga. New Dehli đã sử dụng mẫu tên lửa này gần 10 năm nay, quá trình thử nghiệm phiên bản cho tiêm kích Su-30MKI đang được tiến hành.
Một số phiên bản của tên lửa BrahMos.
Khoảng 65% chi tiết của BrahMos được cung cấp bởi Nga, bao gồm cả đầu dò radar và động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet). Hai nước từng xảy ra bất đồng về bản quyền công nghệ, trong đó cho phép Ấn Độ xuất khẩu tên lửa BrahMos mà không cần sự chấp thuận của Nga.
Với thỏa thuận mới này, New Dehli và Moscow nhiều khả năng đã giải quyết được ổn thỏa vấn đề. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những khách hàng quan tâm sẽ thuận lợi hơn trong việc mua tên lửa hành trình siêu thanh này.
Đòn đánh không thể chống đỡ
Hãng tin Reuters cho biết, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu BrahMos Aerospace, liên doanh sản xuất tên lửa siêu thanh BrahMos, đẩy nhanh việc bán tên lửa cho 5 nước. Trong danh sách này, Việt Nam đứng ở vị trí ưu tiên số một. Tiếp theo là Indonesia, Nam Phi, Chile và Brazil.
Trong khi đó, Philippines đứng đầu danh sách thứ hai gồm 11 nước, trong đó có Malaysia, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Reuters dẫn một văn bản của chính phủ Ấn Độ đánh giá đây là những quốc gia "đã bày tỏ sự quan tâm nhưng cần thảo luận và phân tích sâu hơn".
Cũng theo nguồn tin này, Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc đề nghị cung cấp cho Việt Nam tàu chiến trang bị sẵn tên lửa BrahMos, thay vì chỉ cung cấp các tổ hợp tên lửa riêng lẻ. Reuters dẫn lời nguồn tin cho biết:
"Một khinh hạm trang bị tên lửa BrahMos có thể đóng vai trò quyết định, nó có thể trở thành công cụ răn đe thực sự ở Biển Đông". Nguồn tin cho biết thêm rằng New Delhi có thể mở rộng hạn mức tín dụng để hỗ trợ Việt Nam trang trải chi phí của con tàu.
Trong khi đó, tờ Russia Beyond The Headlines đưa tin cho hay, Hải quân Việt Nam có thể sẽ sớm được trang bị tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới Brahmos.
Nói về sự nguy hiểm của BrahMos, tạp chí này nhận định rằng nếu các tàu chiến của địch có hệ thống phát hiện tên lửa thì họ chỉ phát hiện ra Brahmos khi nó chỉ còn cách 26 km và họ chỉ còn 26 giây để phản ứng hoặc nói những lời cầu nguyện.
Tạp chí này cho biết thêm, Brahmos sẽ cung cấp cho Việt Nam một lợi thế bất đối xứng rất lớn đối với đối thủ. Brahmos được thiết kế để nhắm vào các mục tiêu có giá trị cao và đòi hỏi một đầu đạn lớn, có độ chính xác tuyệt vời. Nó có thể dùng để phá hủy căn cứ của đối phương hoặc các hệ thống vũ khí quan trọng.
Nếu được trang bị Brahmos, các tàu giá rẻ của Hải quân Việt Nam cũng có thể trở thành một mối đe dọa đối với nhiều mục tiêu lớn và chiến lược, có thể tấn công các mục tiêu chiến lược ở khu vực ven biển mà không cần phải đi quá xa căn cứ.
Phiên bản chống hạm mới của Brahmos có thể di chuyển với tốc độ siêu âm, ở tầm thấp chỉ cách mặt biển 3-4 mét. Đây là một vũ khí lý tưởng để tấn công tàng hình tàu địch.
"Công nghệ chết tạo tên lửa đã làm giúp nó tạo ra một sự thay đổi cuộc chơi trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu. Không có tên lửa nào khác có khả năng bay ở tốc độ Mach 2 lại lướt trên mặt biển", Russia Beyond The Headlines nhận định.