1. Hẹp bao quy đầu là gì?
Bao quy đầu là một nếp da mỏng, dễ đàn hồi, trùm lên toàn bộ quy đầu của dương vật, có tác dụng che chắn cho quy đầu khỏi những tác động từ bên ngoài có thể gây tổn thương như bụi bẩn, vi khuẩn có hại và những kích thích do cọ xát do quần áo nên. Bao quy đầu còn có khả năng tiết ra chất nhờn giúp duy trì độ ẩm niêm mạc quy đầu.
Ở các bé trai từ khi mới sinh ra cho đến trước tuổi trưởng thành bao quy đầu luôn ôm chặt lấy dương vật bảo vệ dương vật. Khi đến tuổi dậy thì bao quy đầu bình thường ở nam giới sẽ tự tuột xuống để lộ hoàn toàn hay một phần đầu dương vật khi dương vật cương cứng.
Hẹp bao quy đầu là tình trạng vòng bao quy đầu bị hẹp ở các mức độ khác nhau nên không thể lộn được bao quy đầu ra. Ở một số trường hợp khi đã đến tuổi trưởng thành mà lớp da này vẫn bao lấy toàn bộ phần đầu dương vật cần hỗ trợ cắt bao quy đầu .
Hình ảnh hẹp bao quy đầu.
2. Những ảnh hưởng của hẹp bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu là nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm nhiễm , khó cương cứng hoặc đau khi quan hệ tình dục , thậm chí còn làm tăng nguy cơ ung thư dương vật.
Do mặt trong của lớp da mỏng bao bọc phía ngoài quy đầu dương vật luôn tiết ra bã nhờn kèm tế bào chết nên cần phải vệ sinh thường xuyên. Hẹp bao quy đầu khiến việc vệ sinh dương vật khó khăn.
Ngoài ra, bao quy đầu hẹp khiến nước tiểu không thoát được hết ra ngoài còn đọng phía trong, tích tụ dần thành cặn bã bẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm sinh sôi phát triển gây viêm nhiễm như: viêm bao quy đầu, viêm quy đầu, viêm đường tiết niệu ...
Nhiễm nấm có thể gây các đốm hoặc mảng trắng trên bao quy đầu. Da quy đầu có thể bị ngứa và dễ bị rách.
Các bệnh lý do hẹp bao quy đầu nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản, thậm chí gây ung thư dương vât.
Hẹp bao quy đầu còn khiến dương vật bị kìm hãm phát triển, có thể ngắn hơn và quy đầu nhỏ hơn so với bình thường. Nam giới bị hẹp bao quy đầu bị đau khi dương vật cương cứng hoặc đau khi quan hệ tình dục.
3. Đối tượng nào dễ bị hẹp bao quy đầu?
Hẹp bao quy đầu phổ biến nhất ở trẻ em hơn nam giới trưởng thành. Theo thống kê có đến 90% trẻ trai có hẹp bao quy đầu sinh lý khi mới sinh. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là một hiện tượng bình thường giúp bảo vệ quy đầu và lỗ tiểu của trẻ. Tình trạng hẹp tạm thời này sẽ biến mất khi trẻ lớn lên, trong vòng vài năm đầu, bao da sẽ tuột xuống và để lộ quy đầu dương vật.
Trong 3 năm đầu, dương vật của trẻ to dần ra, bề mặt da sẽ bong ra, giúp bao quy đầu tách dần khỏi quy đầu và dần tự tuột hẳn ra. Tỷ lệ này giảm dần theo tuổi và đến tuổi dậy thì tỷ lệ này chỉ còn khoảng 10%.
Đối với trẻ lớn hơn hoặc người lớn, hẹp bao quy đầu thường là kết quả của một trong những điều kiện sau:
- Do vệ sinh kém.
- Nhiễm trùng , viêm hoặc sẹo (hẹp bao quy đầu bệnh lý).
- Khuynh hướng di truyền (hẹp bao quy đầu sinh lý) thường tự khỏi khi trẻ được 5 - 7 tuổi.
Ở người lớn, các yếu tố nguy cơ của hẹp bao quy đầu có thể do tình trạng da như: bệnh chàm (là tình trạng lâu ngày khiến da bị ngứa, đỏ, khô và nứt nẻ); Bệnh vẩy nến (dẫn đến các mảng da đỏ, bong tróc và đóng vảy); Phát ban ngứa, sẹo trên bao quy đầu có thể dẫn đến hẹp bao quy đầu…
Trẻ bị hẹp bao quy đầu thường khó khăn khi đi tiểu.
4. Dấu hiệu nhận biết hẹp bao quy đầu cần đi khám
Không khó để nhận biết dấu hiệu hẹp bao quy đầu ở trẻ. Các biểu hiện hẹp bao quy đầu ở trẻ thường bao gồm:
- Không thể lộn được bao quy đầu. Một số trường hợp trẻ hẹp bao quy đầu ở dạng nhẹ thì có thể lộn được bao quy đầu nhưng khó và gây đau.
- Khi đi tiểu, trẻ thường phải rặn, tia nước tiểu yếu.
- Vùng da quy dầu căng phồng khi buồn tiểu, nước tiểu chảy ra đọng lại ở bao quy đầu làm cho đầu dương vật to và phồng lên. Sau khi trẻ tiểu xong một lúc sau nước tiểu từ bao quy đầu mới chảy ra hết.
- Nhiều trẻ luôn cảm thấy sợ, thậm chí khóc thét mỗi lần đi tiểu.
Hiện tượng này thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một số dần mất đi khi trẻ lên 3-4 tuổi. Một số khác nếu không được can thiệp sẽ phát triển đến tuổi trưởng thành.
Nếu hẹp bao quy đầu không được can thiệp trước khi trẻ đến tuổi dậy thì sẽ tác động không tốt tới sự phát triển dương vật, dễ mắc viêm nhiễm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và khả năng tình dục… Vì vậy, cha mẹ cần lưu các dấu hiệu nhận biết hẹp bao quy đầu ở trẻ để đưa trẻ đi khám và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám khi có dấu hiệu hẹp bao quy đầu. Ảnh: M.P