Vì sao mỹ nhân xưa thường mang gối khi ngoại tình?

Phong Nguyệt |

Chuyện phụ nữ ngoại tình thì thời nào cũng có. Trong những bộ sử rất dày dặn và chi tiết như ở Trung Quốc, những chuyện vụng trộm lại càng không khó khăn gì để tìm thấy.

Tuy nhiên, khi bỏ công lần giở lại những trang sử liệu đầy rẫy chuyện phong tình này, các sử gia lại phát hiện ra rằng, các phụ nữ Trung Quốc thời xưa, bất kể là tiểu thư khuê các, công chúa lá ngọc cành vàng hay thường dân đều tự mang theo gối tới chỗ hẹn hò với tình nhân của mình.

Rồi cũng vào lúc trà dư tửu hậu, người ta bắt đầu đi tìm lời giải cho hành động lạ lùng này…

Các sử gia cho rằng, nguyên nhân đầu tiên và cũng là quan trọng nhất khiến những người phụ nữ Trung Quốc cổ đại mang theo gối tới chỗ hẹn hò có lẽ là vì tính “thực dụng” của nó.

Để tránh sự việc bị phát hiện và trong bối cảnh nhà nghỉ, khách sạn chưa được phát triển như ngày nay, những cuộc tình vụng trộm của phụ nữ cổ đại thường diễn ra tại những nơi hẻo lánh và thường là vào lúc nửa đêm thanh vắng.

Trong tình huống ấy, một cô gái cẩn thận, chỉn chu ắt sẽ nghĩ tới việc mang theo một chiếc gối để đôi tình nhân có thể sử dụng lúc ân ái. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, người ta gọi những chiếc gối này là “gối uyên ương”.

Tên gọi “gối uyên ương” bắt nguồn từ câu chuyện tình giữa Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy trong vở tạp kịch “Tây sương ký” nổi tiếng của Vương Thực Phủ.

Có lẽ đây là câu chuyện tình yêu mà hiếm người không biết. Chuyện kể rằng, Thôi Oanh Oanh là tiểu thư xinh đẹp, con gái của một vị tướng quốc.

Khi cha chết, hai mẹ con nàng về quê, nhưng gặp loạn đành tạm lánh ở chùa Phổ Cứu, đất Bồ.

Trương Quân Thụy, một thư sinh nghèo, cha mất sớm, vãn du sang đất Bồ chơi, khi ngoạn cảnh chùa đã gặp Oanh Oanh. Chàng đắm đuối trước sắc đẹp của nàng bèn tìm cách vào chùa xin trọ.

Đêm đến, họ Trương ngâm thơ tỏ tình, Oanh Oanh họa lại. Khi Tôn phu nhân làm chay cho chồng thì Trương Quân Thụy cũng nhờ sư cụ của chùa thêm một phần lễ làm chay cho cha mình để có dịp gần Oanh Oanh.

Lúc bấy giờ Tôn Phi Hổ, vốn là thủ lĩnh thảo khấu đã đem quân bao vây chùa, đòi lấy Oanh Oanh. Thôi phu nhân tuyên bố ai giải vây được chùa sẽ gả con gái cho.

Trương Quân Thụy bèn viết thư nhờ bạn là tướng quân Đỗ Xác đem binh tiến đánh và bắt được Tôn Phi Hổ. Thôi phu nhân mở tiệc ăn mừng và tiệc có mời Trương Quân Thụy.

Ai cũng tưởng là tiệc cưới, nhưng Thôi phu nhân lật hẹn, nói rằng mình đã hứa gả con cho cháu ngoại Trịnh Hằng, nên chỉ cho phép Oanh Oanh nhận Quân Thụy làm anh em. Cả Oanh Oanh và Trương Quân Thụy đều rất mực đau khổ.

Sau buổi tiệc, Quân Thụy ốm tương tư, Oanh Oanh sai Hồng nương sang thăm.

Khi ra về, Trương Quân Thụy viết thư nhờ Hồng nương đưa cho Oanh Oanh nhưng Hồng nương không dám đưa mà bỏ vào hộp nữ trang.

Oanh Oanh vô tình đọc được, rất mừng nhưng lại tự ái mắng Hồng, rồi viết thư trả lời Trương Quân Thụy, sai Hồng nương mang sang.

Do viết khi Oanh Oanh đang giận dữ, Hồng nương tưởng đó là thư Oanh Oanh cự tuyệt Quân Thụy nên đã an ủi Quân Thụy hết lời.

Sự an ủi đó lại càng khiến Quân Thụy tuyệt vọng. Chỉ đến khi giở thư ra, thấy đây bài thơ Oanh Oanh hẹn chàng ở mái phía Tây lúc trăng lên, họ Trương vui mừng liền hết bệnh.

Đêm hôm đó như đã hẹn, Quân Thụy vượt tường đến mái Tây. Nhưng vì có Hồng nương theo bên cạnh nên Oanh Oanh thẹn thùng.

Nàng trở mặt mắng chàng khiến chàng ngẩn người chẳng hiểu vì sao. Hồng nương cũng không rõ thực hay giả vờ, định tố cáo Quân Thụy với Thôi phu nhân nhưng bị Oanh Oanh ngăn lại.

Về phòng, Quân Thụy lại trở bệnh nặng. Thôi phu nhân nghe tin sai Hồng nương đến thăm, Oanh Oanh cũng viết thư hẹn tối đến thăm.

Từ đó Oanh Oanh và Trương Quân Thụy bí mật đi lại, quan hệ với nhau như vợ chồng.

Chuyện cũng kể rằng, mỗi lần Thôi Oanh Oanh hẹn hò Trương Quân Thụy đều mang theo một chiếc gối gọi là “gối uyên ương”.

Vậy rốt cuộc “gối uyên ương” là loại gối như thế nào? Các sử gia nói rằng, sở dĩ gọi là “gối uyên ương” có lẽ vì bên trên gối có thêu một cặp uyên ương hoặc đây là loại gối dài, dùng cho vợ chồng.

Có một điều chắc chắn là gối uyên ương được các cặp tình nhân sử dụng trong những cuộc tình vụng trộm của mình.

Nguyên nhân thứ hai khiến những phụ nữ cổ đại mang theo gối tới chỗ hẹn hò chính là để làm tặng phẩm cho người tình của mình.

Những câu chuyện tặng gối được sử sách ghi lại rất nhiều, chẳng hạn như trường hợp cuộc tình giữa Tào Thực và Chân phi, vợ anh trai mình là Tào Phi thời Tam Quốc hay như chuyện ngoại tình của công chúa Cao Dương thời nhà Đường.

Sử sách chép rằng, Chân phi vốn tên là Chân Mật, là một trang tuyệt sắc nổi tiếng thời Tam Quốc, tới mức thời bấy giờ lưu truyền câu ca rằng: “Đông Ngô hữu nhị Kiều, Bắc phương Chân Mật tiếu”.

Vì nhan sắc nổi tiếng của mình, Chân Mật được Viên Thiệu, chúa tể Ký Châu cưới cho con trai thứ ba của mình là Viên Hy.

Năm 204, Tào Tháo đánh Nghiệp Thành, thủ phủ Ký Châu của Viên Thiệu, Chân Mật khi đó mới 22 tuổi, lọt vào tay quân Tào.

Sách “Tam quốc diễn nghĩa” chép rằng, sau khi thắng trận, Tào Phi dẫn quân xông thẳng vào nhà họ Viên bắt được Chân Mật đem về làm vợ.

Nhiều sách khác lại kể rằng, vì nghe đồn về nhan sắc kiều diễm của Chân thị, chính Tào Tháo rất thèm khát nên khi đem quân triệt hạ họ Viên đã có ý định chiếm lấy nàng về mua vui cho mình.

Vì thế, ông ta ra lệnh không ai được xâm phạm đến gia quyến nhà họ Viên. Thật không may là cậu con trai là Tào Phi nhanh chân hơn đã chiếm được người đẹp.

Tào Tháo tuy tiếc đứt ruột vẫn phải cưới Chân Mật cho con trai mình.

Tuy nhiên, không chỉ Tào Tháo mà em trai của Tào Phi là Tào Thực, một văn nhân có tiếng lúc bấy giờ cũng rất si mê nàng.

Tuy nhiên, vì Chân Mật đã là Chân phi, sau đó, khi Tào Phi lên ngôi, nàng lại được phong làm hoàng hậu nên Tào Thực chỉ biết chôn giấu mối chân tình của mình trong lòng.

Phía Chân Mật do bị Tào Phi bắt ép về làm vợ nên cũng không có tình cảm, lại thêm sau này Tào Phi sủng ái một phi tử khác gọi là Quách phi, ghẻ lạnh với mình vì vậy nàng cũng bắt đầu nảy sinh cảm tình với người em chồng tài hoa phong nhã của mình.

Tuy nhiên, do những ràng buộc về lễ giáo, hai người chỉ dám để lộ tình cảm của mình qua ánh mắt.

Sau này, do Quách phi dèm pha, Tào Phi đày Chân Mật ra Nghiệp Thành rồi ép phải chết tại đây vào năm 233. Tào Thực biết tin vô cùng thương tiếc, ngày đêm thương nhớ không thôi.

Chuyện kể rằng, Tào Thực và Chân Mật sống yêu nhau mà không được ở bên nhau nên sau khi chết đã tìm cách đến bên nhau.

Một lần, Tào Thực du ngoạn sông Lạc Thủy thì nằm mộng thấy nữ thần sông này. Nữ thần đó chính là Chân Mật sau khi chết hóa thân mà thành.

Hai người sau khi ân ái, sáng hôm sau chia tay, Chân Mật đã tặng cho Tào Thực một chiếc gối có mùi hương của mình để giữ ở bên.

Mặc dù đây là câu chuyện đậm chất huyền thoại, song việc tặng gối mang hương thơm cho tình nhân có lẽ là hành động rất thường thấy của các cô gái thời bấy giờ.

Bởi lẽ, đây không phải là trường hợp duy nhất, những người phụ nữ mang gối tặng cho tình nhân được ghi chép trong sử sách.

Sau mối tình bi kịch giữa Chân Mật và Tào Thực 500 năm, công chúa Cao Dương, cô công chúa táo tợn của triều đại nhà Đường cũng đã tặng cho tình nhân của mình một chiếc gối để lưu giữ làm tín vật.

Có điều, chính chiếc gối tình yêu này đã đẩy cuộc tình vượt ngoài lễ giáo của cô vào bi kịch.

Cao Dương công chúa là cô con gái rất được Đường Thái Tông yêu chiều, vì vậy đã gả cô cho con trai của tể tướng Phòng Huyền Linh là Phòng Di Ái.

Tuy nhiên, với tính cách kiêu ngạo của mình, cuộc sống gia đình giữa Cao Dương và Phòng Di Ái không hề hạnh phúc.


Cao Dương công chúa

Cao Dương công chúa

Sau này, Cao Dương gặp hòa thượng Biện Cơ, thấy Biện Cơ tuy xuất gia nhưng tướng mạo khôi ngô, tuấn tú lại kiên nghị đâm ra si mê.

Biện Cơ cũng bị sự xinh đẹp và mối tình cuồng nhiệt của công chúa Cao Dương quyến rũ, không thể cưỡng lại được. Vì vậy, hai người bí mật qua lại với nhau bất chấp mọi điều tiếng cũng như sự ràng buộc của lễ giáo.

Trong thời gian hai người bí mật qua lại, Cao Dương tặng cho Biện Cơ rất nhiều vật phẩm, trong đó quý giá nhất chính là chiếc gối ngọc mình thường dùng để Biện Cơ luôn có cảm giác hai người đang ở bên nhau.

Tuy nhiên, mọi chuyện vỡ lỡ khi chiếc gối bị một tên trộm lấy cắp và sau đó bị quan phủ bắt lại. Chiếc gối ngọc quý giá chắc chắn phải thuộc về một người có thân phận vô cùng cao quý.

Thế nhưng, tên trộm lại quả quyết rằng, chiếc gối quý giá kia y lấy được từ trai phòng của một vị hòa thượng. Lần theo nguồn gốc chiếc gối, quan phủ đã phát hiện ra mối quan hệ vụng trộm giữa Cao Dương và Biện Cơ.

Sự việc nhanh chóng được báo lên hoàng đế. Kết quả Biện Cơ bị mang ra chém đầu giữa chợ để “thị chúng” còn 10 cung nữ biết chuyện ngoại tình của Cao Dương mà che giấu cũng bị xử chết.

Câu chuyện ngoại tình của Cao Dương công chúa và hòa thượng Biện Cơ để lại cho những người đời sau một bài học vô cùng quý giá: không để lại chứng cớ khi ngoại tình.

Tuy nhiên, vào thời bấy giờ, cho dù là dùng cho cuộc ân ái khi hẹn hò hay làm tặng phẩm cho tình nhân thì chiếc gối là vật không thể thiếu khi những người phụ nữ quyết định vượt rào đi theo tiếng gọi của tình yêu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại