Giải mã những yếu tố "tầm thường" đánh tụt nền văn minh Trung Hoa

Trần Quỳnh |

Bằng những chính sách cai trị “tầm thường hóa” của mình, Nguyên triều đã gây ra những bước thụt lùi đáng kể về văn minh trong lịch sử Trung Hoa.

Dưới thời đại ngự trị của Tống triều từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, Trung Hoa đã bước sang thời kỳ “cận đại”. Vậy tại sao công cuộc chuyển mình của đất nước này vào thế kỷ 19 lại diễn ra khó khăn và chật vật như vậy?

Đi sâu vào lịch sử Trung Hoa, nguyên nhân sâu sa dẫn đến điều này chính là nhờ “cải cách Đường – Tống”. Tuy nhiên sau khi triều Nam Tống diệt vong, công cuộc “cận đại hóa” này không chỉ bị cắt đứt, mà Trung Quốc còn có những bước phát triển thụt lùi về lịch sử.

Các nhà tư tưởng nhạy bén dưới thời Minh khi xem xét vấn đề này đều nhận thấy rõ: Tống triều bị diệt vong đồng nghĩa với việc có vương triều khác thay thế.

Tuy nhiên theo lời nhận xét của học giả Vương Phụ thì: “Nhị Hán, Đường diệt vong, âu cũng là tự vong. Nhưng Tống mất, đồng nghĩa với đạo pháp tương truyền từ thời Hoàng Đế, vua Nghiêu, vua Thuấn cũng chết theo.”

Tống triều diệt vong, không chỉ là sự sụp đổ của một vương triều, mà là một biến cố lớn thay đổi toàn bộ lịch sử Trung Quốc. Theo ngôn ngữ thời xưa, đó chính là việc “đánh mất thiên hạ”, còn theo cách nói hiện đại, thì đây chính là sự “gián đoạn về văn minh”.

Vậy, vì sao lại nói việc Tống triều diệt vong đồng nghĩa với sự “gián đoạn văn minh”?

Theo học giả Chu Lương, nhà Tống diệt vong là lúc Nguyên triều thống nhất Trung Hoa, cũng mang đến những ảnh hưởng lạc hậu trong chính trị, xã hội.

“So với thời đại nhà Tống, đây thực chất là một chuyển biến đảo ngược. Loại nghịch chuyển này không những chỉ ảnh hưởng tới thời nhà Nguyên, mà còn trở thành khuôn mẫu lịch sử để sau đó Minh triều kế thừa.

Nhà Minh trên kế bản chính là kế thừa chế độ chính trị từ thời nhà Nguyên, mà Nguyên triều lại giữ chế độ của đế quốc Mông Cổ.

Từ một khía cạnh nghiêm khắc mà nhìn nhận, lấy Bắc Tống làm tiêu chuẩn về chế độ chính trị của dân tộc Hán, thì khi nhà Nam Tống diệt vong, ắt sẽ dẫn đến sự gián đoạn về văn minh.”


Sở hữu sức mạnh đáng kinh ngạc về quân sự, nhưng sự thành lập của Nguyên triều lại bị coi là dấu mốc đánh dấu sự “gián đoạn về văn minh” trong lịch sử Trung Hoa.

Sở hữu sức mạnh đáng kinh ngạc về quân sự, nhưng sự thành lập của Nguyên triều lại bị coi là dấu mốc đánh dấu sự “gián đoạn về văn minh” trong lịch sử Trung Hoa.

Khôi phục “chế độ gia sản”

Có người đã từng nhận định Tống triều “có công với thiên hạ” về mặt chính trị. Năm xưa, một triều thần từng nói với vua Tống Cao Tông:

“Thiên hạ của mọi người, thiên hạ của Trung Hoa, thiên hạ của tổ tông, của quần thần, của vạn họ, chứ không phải thiên hạ của riêng bệ hạ.”

Tư tưởng này khẳng định “thiên hạ” ở đây không phải là thứ của cải quân chủ tư hữu, mà là thuộc về tất cả mọi người.

Tuy nhiên khi đội quân đến từ thảo nguyên xâm nhập Trung Nguyên, họ lại ngang nhiên biến đất đai, nhân khẩu, tài nguyên ở nơi này thành “của riêng”. Hình thức này cũng giống như chế độ chiếm hữu nông nô của các thế tộc giàu có thời Ngụy Tấn, Đường.

Khi “quân – thần” biến thành “chúa - nô”

Người Tống tin tưởng vào mối quan hệ “quân – thần” dưới mắt nhìn: Quân mặc dù có thể ra lệnh cho thần, nhưng cũng không thể dựa vào đó mà làm việc trái lý. Thần mặc dù theo quân, nhưng không được phản bội mà ăn ỏ hai lòng.”

Nhưng kể từ khi “nhập Nguyên”, mối quan hệ quân – thần này lại bị biến thành kiểu quan hệ chúa – nô.

Theo đó, triều thần sẽ trở thành nô bộc, rất nhiều vị đại thần phải vào cung làm lính. Đối với mối quan hệ kiểu này, quyền sinh sát đương nhiên sẽ nằm trong tay vua, việc sát phạt thần tử lại dã man như sát phạt nô lệ.

Một vị học giả Minh triều từng đánh giá: “Lễ nghĩa từ thời Tam Đại, đến khi Nguyên triều ngự trị, đều bị coi nhẹ!” (Tam Đại là: Nhà Hạ, nhà Thương, nhà Tây Chu. Ðời Tam Đại sở dĩ được thiên hạ là vì làm điều nhân, sở dĩ mất thiên hạ là tại làm điều bất nhân).

Kế sách “chia để trị”

Dưới thời nhà Tống, nhân dân trên cơ bản không cần bắt buộc thực hiện chế độ quân sự, việc lao động cưỡng bức không nhiều, sai dịch cũng được giảm. Để đáp ứng nhu cầu về quân lính, triều đình thực hiện hình thức “chiêu mộ.”

Nhưng nhà Nguyên lại sử dụng hình thức “chư sắc hộ kế” để cai trị dân chúng. Chế độ này đem toàn bộ người dân theo chức nghiệp mà phân thành các loại là: dân hộ, quân hộ, trạm hộ, tượng hộ (thợ thủ công), diêm hộ (làm muối), Nho hộ, y hộ, nhà chứa…

Một khi chức nghiệp đã được xác định và phân chia thì người dân không được phép thay đổi, mấy đời đều phải theo nghề này, cũng phải chịu các loại lao dịch, thuế khóa tương ứng.

Sự trở lại của các “chợ buôn người”

Trên cơ bản Tống triều đã loại bỏ chế độ nô lệ, nhưng Nguyên triều sau đó lại thiết lập chế độ “khu khẩu”, khiến hình thức buôn người một lần nữa trở lại trong lịch sử Trung Quốc.

“Khu khẩu” chính là nơi “cung ứng đầu người”. Đây là khu vực tập hợp các tù binh chiến tranh, người hầu, những người bị ép làm nô lệ để cung cấp cho những người có nhu cầu sử dụng.

Quý tộc, quan lại, hay cả cung đình nhà Nguyên đều giữ rất nhiều “khu khẩu”. Những người ở trong nơi này đều là nô lệ của triều đình hoặc nô lệ tư nhân.

Bóc lột tới cả thợ thủ công

Đối với thủ công nghiệp, Tống triều tiến hành hai chính sách là “Hòa cố chế” và “Soa cố chế”.

“Hòa cố” là cách tuyển dụng thợ của triều đình, người làm thuê cho chính phủ có mối quan hệ bình đẳng dựa trên quan hệ làm thuê. “Sỏa cố” đồng tính chất nhưng cường điệu hơn ở chỗ chính phủ dựa theo chất lượng và giá thị trường để trả tiền cho nhân công.

Nguyên triều lại đem toàn bộ thợ thủ công trong nước sắp xếp theo “tượng tịch” (loại hình nghề nghiệp). Những người này dù không phải đi lính nhưng bị ép buộc làm lao động trong các quan doanh.

Quản lý nghiêm ngặt từ… việc đi lại

Thời Hán – Đường, nhân dân nếu muốn đi xa nhà thì phải xin giấy thông hành từ chính phủ, gọi là “quá sở”.

Tới thời nhà Tống, việc đi lại hết sức tự do, không cần “quá sở”.

Nhưng Nguyên triều sau này đã khôi phục “lộ dẫn chế”, hạn chế sự di chuyển của người dân. Để thực hiện điều này, Nguyên triều đặt ra điều luật pháp là “người đi đường phải tiến hành kiểm tra”.

Cụ thể: “Phàm là người muốn đi xa, trước tiên phải tới báo với ti huyện nơi mình ở về công việc, phương hướng, địa điểm muốn tới…

Nếu muốn đi qua bến đò, cửa khẩu, phải tới ti huyện địa phương trình báo. Nếu không có ti huyện thì phải đến úy ti hoặc trình báo với tuần kiểm. Nếu là người không có công việc cần tới mà vẫn đi xa, ắt là kẻ không yên phận.”

“Đối với các nhà trọ, khách điểm cũng phải tiến hành nghiệm xét nghiêm ngặt lai lịch của khách. Nếu có điểm vi phạm lập tức đến san bằng nhà cửa, đánh 27 roi.”

Như vậy theo quy định này, nếu người dân Nguyên triều muốn đi xa hay tìm nơi nghỉ trọ, phải tới viết “văn dẫn” trình cho chính phủ. “Văn dẫn” này tương tự như thư giới thiệu, sau đó được chấp thuận mới được phép đi xa, nghỉ trọ.

“Kê biên và sung công” tràn lan

Kê biên và sung công là hình thức tịch thu tài sản của tội phạm, nô tỳ, tài sản tịch thu khi nhập quan được chính phủ tiến hành.

Dưới thời Tần – Hán, việc kê biên, sung công khá thịnh hành. Nhưng tới Tống triều, hình thức này ít khi áp dụng, cũng bị khống chế nghiêm ngặt.

Quy định dưới thời Tống Hiếu Tông ghi rõ:

“Từ nay nếu cần kê biên, sung công tài sản của người khác, cần phải thông qua thẩm tra của Hình ti đối với phạm nhân, sau khi báo cáo mới được tiến hành. Nếu trong quá trình tiến hành có điểm mờ ám, người bị tịch biên có quyền tố cáo.”

Từ thời nhà Nguyên, chế độ kê biên, sung công diễn ra tràn lan. Hốt Tất Liệt từng xuống chiếu thư ghi rõ: “Phàm là những chức quan không làm hết chức trách, hay tài sản của người Hán, người Hồi, kẻ phạm tội,…đều bị tịch thu.”

Đây bị đánh giá là “quan niệm thoái hóa về quyền sở hữu tài sản” trong lịch sử Trung Quốc.

Chế độ nhục hình hà khắc

Từ khi Hán Văn Đế bỏ chế độ nhục hình, những loại hình phạt như “kình” (xăm lên mặt), “nhị” (xẻo mũi), “ngoạt” (chặt chân), “cung” (cắt bộ phận sinh dục),…gần như đã không còn được áp dụng.

Từ thời Tống, ngoại trừ hình phạt “kình” còn được giữ lại, những hình phạt trên cũng tuyệt nhiên không được khôi phục.


Hàng loạt các nhục hình dã man đã được hợp pháp hóa trong luật lệ của nhà Nguyên.

Hàng loạt các nhục hình dã man đã được hợp pháp hóa trong luật lệ của nhà Nguyên.

Tuy nhiên đến thời nhà Nguyên, nhục hình lại được thêm vào luật pháp.

Lăng trì là một loại hình phạt thảm khốc từng nằm ngoài pháp luật Tống triều, tới thời nhà Nguyên đã được áp dụng chính thức. Lăng trì và treo cổ trở thành một trong hai cách xử tử hình của triều đại này.

Cũng từ thời nhà Nguyên, lăng trì bắt đầu tràn lan, cũng là khởi đầu cho xu thế dã man hóa trong pháp chế Trung Hoa.

Tục tuẫn táng

Chôn người sống theo người chết là một loại phong tục dã man thời viễn cổ. Từ thời nhà Hán, hủ tục này cơ bản đã biến mất trên đất Trung Nguyên, chỉ còn trường hợp tự nguyện tuẫn táng.

Dân tộc Khiết Đan ở phương Bắc và tộc Nữ Chân khi đó vẫn duy trì tập tục này. Đây cũng là biểu hiện của một xã hội chưa khai hóa hoàn toàn.


Dưới thời nhà Nguyên, hủ tục tuẫn táng người sống trở nên phổ biến.

Dưới thời nhà Nguyên, hủ tục tuẫn táng người sống trở nên phổ biến.

Quý tộc Nguyên triều có tiến hành tuẫn táng người sống hay không, lịch sử không ghi chép cụ thể. Nhưng việc triều đình nhà Nguyên cổ vũ hủ tục này trong dân gian là điều rõ ràng.

“Nguyên sử” ghi chép: “Tề thị là vợ của Lý Văn Thực ở Đại Đồng, Diệm Toại ở Hà Nam có vợ là Dương thị, Phan Cư Kính ở đại đô có vợ là Trần thị… Những người này sau khi chồng qua đời đều tuẫn táng tự tử để tuẫn táng.”

Chính vì mức độ phổ biến của hủ tục này, mà khai quốc Hoàng đế Minh triều Chu Nguyên Chương sau khi lên ngôi đã phải tiến hành khôi phục chế độ tuẫn táng.

Thiết lập chế độ “cấm hải”


Hình thức cấm hải đã được thi hành tới bốn lần trong lịch sử Nguyên triều.

Hình thức "cấm hải" đã được thi hành tới bốn lần trong lịch sử Nguyên triều.

Trung Quốc tiến hành “cấm hải” có tiền lệ bắt đầu từ Nguyên triều. Thống trị Trung Hoa chưa tới trăm năm, nhưng triều đại này đã 4 lần “cấm hải”.

Trong thời gian này, thương nhân không được phép rời bến đi buôn bán. “Cấm buôn lậu trên biển, nếu có dấu hiệu tích trữ hàng qúy, quan phủ được phép thu mua. Nếu có kẻ che giấu, người khác được quyền báo cáo.”

Điều này đồng nghĩa với mậu dịch hải ngoại chỉ được tiến hành khi quan phủ bỏ vốn, hoàn toán khác với chính sách tự do mậu dịch của thời nhà Tống.

Áp dụng “giờ giới nghiêm” trên toàn quốc

Luật lệ “cấm đi lại ban đêm” tới thời nhà Tống đã không được lưu hành do sự xuất hiện của nhiều chợ đêm phồn hoa.

Thời đại của nhà Nguyên, luật lệ này lại được khôi phục, thậm chí còn thi hành rất nghiêm khắc.Theo đó, khi tiếng chuông cấm vang lên, người dân không được phép ra ngoài, không được ăn uống, thậm chí không được đốt đèn.

“Nếu ban đêm đi kiểm tra phát hiện nhà nào còn ánh đèn dầu, liền đánh dấu lên cửa nhà đó. Sáng hôm sau quan phủ sẽ tới tra hỏi, không giải thích thỏa đáng ắt sẽ bị xử phạt. Ban đêm nếu bắt gặp kẻ đi lại, liền bắt lại, sáng hôm sau giải lên tòa án.”

Với thể chế thống trị bị đánh giá là “tầm thường hóa”, Nguyên triều không thể so sánh về Tống triều trên phương diện văn hóa. Điều này cũng lý giải tại sao triều nhà Nguyên không có khả năng kế thừa những thành tựu từ nhà Tống trước đó.

Ông Từ Đạo Lân – một học giả thời Dân quốc đã từng lý giải:

“Nguyên nhân chủ yếu là do sau khi tiến nhập Trung Nguyên, những người này đã phá hủy chế độ tư pháp tốt đẹp từ thời Tống. Họ hủy Đại Lý Tự, hủy bỏ luật học, hủy bỏ các cuộc thi hình pháp,…để áp dụng chế độ kỳ dị của mình.”

Sự “tầm thường hóa” trong chế độ thống trị này biểu hiện rõ nét ở số thuế đặc biệt thấp mà triều đình thu được. Chính phủ vì vậy cũng chỉ có thể duy trì hình thái cơ bản nhất.

Từ góc nhìn hiện đại, loại hình chính phủ sơ sài này căn bản không có đủ tài lực và năng lực để tiến hành cách tân kinh tế sao cho phù hợp với tiến trình đi lên của lịch sử.

Giải mã thế lực khổng lồ hộ mạng các đời Hoàng đế Trung Hoa Giải mã thế lực khổng lồ "hộ mạng" các đời Hoàng đế Trung Hoa

Bảo vệ Hoàng đế được coi là chuyện đại sự hàng đầu của các triều đại trong lịch sử Trung Quốc. Để làm tốt công tác này, mỗi triều đại lại chọn cho mình cách thức và phương pháp khác nhau.

Giải mã thế lực xã hội đen vượt mặt các con trời Trung Hoa Giải mã thế lực "xã hội đen" vượt mặt các "con trời" Trung Hoa

Các thế lực xã hội đen hình thành tại Trung Quốc từ thời cổ đại, thậm chí còn có quyền uy "vượt mặt Thiên tử" trong nhiều giai đoạn lịch sử.

Hé lộ chiêu trò ăn chặn đốn mạt chốn quan trường Thanh triều Hé lộ chiêu trò ăn chặn đốn mạt chốn quan trường Thanh triều

Với mức lương một năm chưa đầy 6 lượng bạc, các huyện lại địa phương dưới thời nhà Thanh đã tự đặt ra hàng loạt các "quy tắc phí" để ăn chặn tiền của nhân dân.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại