Hé lộ chiêu trò ăn chặn đốn mạt chốn quan trường Thanh triều

Trần Quỳnh |

Với mức lương một năm chưa đầy 6 lượng bạc, các huyện lại địa phương dưới thời nhà Thanh đã tự đặt ra hàng loạt các "quy tắc phí" để ăn chặn tiền của nhân dân.

Lương huyện lại ít hơn... trợ cấp hộ nghèo

Cuốn “Giang Du huyện chí” đã từng đề cập: Vào năm Càn Long thứ 26 (năm 1761), ở Tứ Xuyên, tiền lương giữa quan huyện và huyện lại (những chức vụ không có phẩm cấp thời phong kiến) chênh lệch rất nhiều, thậm chí lương của huyện lại còn vô cùng ít ỏi.

Theo đó, những chức quan tại huyện theo triều đình quy định chỉ 4, 5 người là tri huyện, tuần kiểm, điển sử, giáo dụ và huấn đạo. Đại đa số các huyện dưới thời nhà Thanh không bố trí tuần kiểm.

Lương của tri huyện một năm là 45 lượng, bổng lộc thêm vào khoảng 600 lượng, tổng cộng là 645 lượng. Tuần kiểm lương một năm là 121,52 lượng tính cả bổng lộc. Số tiền này với điền sử là 111,52 lượng.

Chỉ riêng huấn đạo và giáo dụ là hưởng lương 40 lượng, không có thêm bổng lộc.


Dưới thời nhà Thanh, mức lương chính thức của các huyện lại thấp tới không ngờ! (ảnh minh họa).

Dưới thời nhà Thanh, mức lương chính thức của các huyện lại thấp tới không ngờ! (ảnh minh họa).

Tuy nhiên tại nha huyện còn có “tam ban” và các bộ Hộ, Lễ, Lại, Binh, Hình, Công. Bên dưới còn có 77 sai nha.

Trong đó trừ 8 kẻ “dân tráng” (lao động nặng) và 6 kẻ cung binh (lính kỹ thuật) là được hưởng lương 1 năm 8 lượng bạc, thì 63 người còn lại mỗi năm chỉ được phát 6 lượng.

Những thành phần có đồng lương ít ỏi này bao gồm: sai nha, sai vặt, nhân viên công vụ, nhân viên phục vụ, lính cai ngục, đưa thư, người bảo quản thực phẩm, người làm bếp, pháp y.

Các chức vụ này không phân biệt xuất thân, trình độ, công cán… đã phục vụ trong huyện phủ sẽ chỉ được hưởng mức lương cố định như trên.

Nếu “quy ra thóc”, huyện lại nha môn mỗi năm chỉ có 6 lượng bạc, tương đương với 4 thạch gạo. Theo đơn vị đo lường thời nhà Thanh, mỗi thạch gạo bằng 150kg, 4 thạch tương ứng với 600kg gạo.

Hiện nay tại Trung Quốc, nửa cân gạo có giá 2 NDT. Làm một phép tính đơn giản có thể thấy lương của huyện lại nha môn thời xưa xấp xỉ 2400NDT/năm.

Như vậy bình quân mỗi tháng, những người làm trong huyện phủ chỉ có 200NDT (khoảng 700.000VNĐ) để trang trải.

Trung Quốc ngày nay trợ cấp cho những hộ nghèo khoảng 210NDT mỗi tháng. Từ đó có thể thấy đời sống của các sai dịch, sai nha cấp huyện thời xưa ở mức thấp, không những không đủ ăn chứ chưa nói tới việc chu cấp cho gia đình hay phụng dưỡng cha mẹ.

Khi “cái khó ló cái khôn”

Tục ngữ có câu “trời không tuyệt đường sống của người”, huyện lại nha môn đương nhiên không thể vác bụng đói đi làm công vụ.

Không cam chịu nhận đồng lương ít ỏi từ triều đình, huyện lại khi đó đã đặt ra một loạt các “quy phí” nhằm bòn rút bách tính để thỏa mãn bản thân.

Những “quy phí” này không có văn bản quy định rõ ràng, càng không có tiêu chuẩn, trở thành một loại “quy tắc ngầm” công khai tại các địa phương. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và mức độ tham ô mà việc thu phí ở mỗi nơi lại khác nhau.

Nhưng hầu hết các sai nha, huyện lại đều nghiễm nhiên coi đây là một loại “phụ cấp.”


Không cam chịu với đồng lương ít ỏi, các quan lại cấp huyện đã trăm phương ngàn kế nghĩ ra cách để bòn rút tiền của bách tính. (Ảnh minh họa).

Không cam chịu với đồng lương ít ỏi, các quan lại cấp huyện đã trăm phương ngàn kế nghĩ ra cách để bòn rút tiền của bách tính. (Ảnh minh họa).

Tại huyện Giang Du, “quy phí nội quy” nêu rõ:

“Nếu là án kiện tụng tầm thường, chỉ cần sai nha đến nhà, cả nguyên đơn và bị cáo đều phải lo phí ăn uống, đi lại là 2 lượng bạc, nếu bị cáo phải giam giữ sẽ nộp 3 lượng.”

“Đối với án kiện bất thường cần đến pháp y khám nghiệm, nếu người này ở cách hiện trường 50 dặm, bị cáo phải lo 400 đồng tiền đi lại, 200 đồng tiền cơm. Nếu pháp y ở xa hơn 50 dặm, tùy đường sá, chi phí mà có thể nộp tới 3000 đồng.”

Không chỉ “ăn chặn” qua các vụ án, huyện lại còn tính toán chi li cả “phí giấy tờ”. Theo đó, “mỗi giấy báo án có chi phí là 800 đồng, tính cả thù lao viết lách là 1000 đồng.”

Như vậy, tính sơ qua cũng có thể thấy mỗi vụ án kiện tụng, huyện lại thu được 17 lượng bạc. Trung bình mỗi năm số án kiện có thể lên tới 200 vụ, thu về 3400 lượng.

Nếu tính cả các phí giấy tờ, công chứng, kiểm tra nội bộ… thì số tiền thu được có thể lên tới 6000 lượng một năm.

Số tiền trên chỉ có 1/3 được nộp lên trung ương, còn lại 4000 lượng bạc sẽ chia đều cho 77 nha dịch. Tính sơ qua mỗi nha dịch có thể thu về 60 lượng một năm, gấp 10 lần so với số lương ban đầu.

Dưới thời nhà Thanh, nhu cầu chi dùng của một người dân bình thường chỉ khoảng 10 lượng một năm.

Như vậy, với số tiền bòn rút từ bách tính, ngay cả những kẻ có chức vụ thấp nhất trong bộ máy quan lại cấp huyện cũng có thể thừa sức sống một cuộc sống xa hoa lúc bấy giờ.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại