Những trường hợp trở về từ "cõi chết" đáng kinh ngạc nhất

Vy An |

Thật khó có thể tưởng tượng những nhân vật dưới đây có thể bảo toàn mạng sống của họ trước thực tế khắc nghiệt mà họ phải trải qua.

Thuyền trường James Riley

Bị đắm tàu ngoài khơi bờ biển Châu Phi và bị bắt giữ làm nô lệ, thuyền trưởng James Riley cùng đoàn thủy thủ bị buộc phải di chuyển trên sa mạc với rất ít thức ăn và nước uống.

Chỉ với sữa lạc đà và nước tiểu, họ duy trì sự sống trong đau khổ và kiệt sức, cơn tuyệt vọng lên tới đỉnh cao khi họ phải tự ăn thịt chính mình.

Suốt 2 năm trên sa mạc, họ đã mất ít nhất 18kg thịt, phải chịu đựng biết bao hiểm nguy, bị phục kích với cuộc hành trình dài và gian khổ để được di chuyển lên phía Bắc, nơi họ có thể được chuộc lại và tự do.

Khi trở lại Hoa Kỳ vào năm 1815, câu chuyện phiêu lưu đầy gian khổ của đoàn James Riley đã trở thành chủ đề nổi tiếng nhất thời bấy giờ.

Jack Renton

Jack Renton là một thủy thủ người Scotland gặp nạn ở San Francisco năm 1868. Sau khi lênh đênh 40 ngày trên biển, Renton trôi dạt vào một hòn đảo thuộc quần đảo Solomon. Ông bị bắt bởi một bộ lạc Malaitans hung tợn chuyên săn đầu người.

Tuy nhiên, Renton đã làm kinh ngạc những kẻ săn mồi bằng kỹ năng sinh tồn và khả năng ngôn ngữ của mình. Ông được kết nạp vào bộ lạc, thậm chí được tù trưởng nhận làm con nuôi và tham gia các cuộc săn bắt cũng như giao tranh với các bộ lạc khác.

Sau tám năm ở lại đảo, Renton bất ngờ tìm thấy một con tàu và được chở tới Úc, nơi mà câu chuyện ở Solomon của ông ngay lập tức trở thành tâm điểm.

Thi thoảng Renton trở lại đảo và một trong những lần trở lại ấy, Renton bị bắt và chặt đầu bởi bộ lạc đối đầu với Malaitan. Câu chuyện về Renton vẫn được truyền miệng bởi thổ dân Malaitan cho tới ngày nay.

Chiếc bè trôi dạt

Năm 1816, con tàu Pháp Medusa chở nhiều chính trị gia nổi tiếng của Pháp cùng 400 hành khách tới Senegal đã mắc cạn trên một rặng san hô ở Đại Tây Dương.

Toàn bộ người trên tàu buộc phải di tản nhưng không có đủ xuồng cứu hộ nên trừ những chính trị gia và hành khách thuộc phái đoàn ngoại giao, 150 khách còn lại buộc phải chia nhau chiếc bè làm bằng dầm tàu và cột buồm quấn vào nhau.

Do kết cấu lỏng lẻo và chở quá nặng, dù được các xuồng cứu sinh kéo nhưng chiếc bè sau đó nhanh chóng bị chìm. Đêm đầu tiên, 20 người thiệt mạng. Vào ngày thứ tư, thức ăn đã hết, những người còn lại phải sống sót nhờ ăn thịt người.

Sau hơn 15 ngày trôi dạt, chiếc bè được tìm thấy với 15 người còn sống.

Alexander Scott

Một trong những tuyến đường thủy nguy hiểm nhất của thế kỷ 19 là chặng đường nằm giữa quần đảo Canary tới bờ biển Tây châu Phi. Do dòng chảy mạnh xoáy vào bờ, giông lốc và nước cạn, rất nhiều con tàu đã gặp nạn tại nơi đây.

Alexander Scott là một thủy thủ người Liverpool trên con tàu Montezuma bị đắm ngoài khơi vùng biển Sahara năm 1810.

Theo như kể lại, ông bị một bộ lạc bản địa bắt làm nô lệ, đi với họ tới một nơi trên sa mạc có tên Hez el Hezh và bị buộc phải cải sang đạo hồi. Tuy nhiên, ông đã kiên quyết từ chối cải đạo.

Rất may Scott được tha chết nhưng vẫn bị bắt làm nô lệ suốt sáu năm, lang thang hết bộ tộc này tới bộ tộc khác quanh vùng đất Niger và Mali ngày nay.

Cuối cùng, chàng thủy thủ tìm đến được Ma-rốc và được sứ quán Anh cứu sống, đưa về quê hương.

Lạc lối ở Darien

Nhóm nghiên cứu Darien là một dự án của Mỹ được thành lập vào năm 1854 nhằm thám hiểm khu vực mà sau này trở thành kênh đào Panama.

Một nhóm 27 người dưới sự chỉ huy của trung úy Isaac Strain đi sâu vào khu vực rừng rậm Panama để tìm kiếm một con đường thủy nối vịnh Caledonia của Đại Tây Dương đến cảng Darien thuộc Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, không rõ vì lí do gì, đoàn thám hiểm đã bị chia rẽ và lạc đường.

Một nhóm người bản xứ thân thiện giúp đỡ đoàn, nhưng khác với hy vọng sẽ tới được cảng Darien, nhóm lại càng bị lạc sâu hơn vào rừng. Giữa các lựa chọn quay lại hay đi tiếp, họ chỉ còn cách đi tiếp vì không thể quay trở về tàu.

Những hiểu biết cũng như bản đồ mà nhóm thám hiểm tự chuẩn bị là chưa đầy đủ. Lê bước qua khu rừng, họ gặp đủ mọi khó khăn cũng như bị tấn công bởi vắt và muỗi dày đặc không ngừng hút máu.

Trưởng đoàn Strain cho biết, đó là khó khăn lớn nhất trong đời anh từng trải qua, có những lúc họ buông xuôi bởi bệnh tật và hết thức ăn, nhưng vẫn tiếp tục đi bộ vì không còn đường nào khác.

Cho tới khi tới được bờ biển Thái Bình Dương, đoàn chỉ còn lại 16 người, chín người trong đoàn đã qua đời vì chết đói, bệnh tật và kiệt sức.

Mắc kẹt ở Bắc Băng Dương

Vào mùa đông năm 1897, một đội tàu đánh bắt cá voi cùng 265 thuyền viên bị mắc kẹt ở Bắc Băng Dương. Các tảng băng quá dày trong khi chờ tàu cứu hộ tới được đây, sẽ mất 6 tháng.

Cơ hội sống sót của họ vào thời điểm đó dường như bằng không, bởi không có bất cứ nguồn cung cấp thức ăn nào ở nơi Bắc cực lạnh lẽo và hiểm nguy.

Chỉ hai thập kỷ trước đó, 13 tàu đã bị mất tích trong khu vực này.

Cảm nhận được sự cấp bách của tình hình, một tàu phá băng của Mỹ đã được điều tới cứu trợ dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Francis Tuttle, mang tới hi vọng cho đoàn tàu săn cá voi đang bị mắc kẹt.

Tàu phá băng mang tên Gấu, với logo chú Gấu trắng, một biểu tượng của Bắc cực, đã băng qua 2.400km băng trong nhiệt độ -51° C, bền bỉ, kiên trì làm nên điều không tưởng thời bấy giờ.

Dù được tìm thấy trong tình trạng suy nhược, tất cả các thủy thủ đã sống sót trở về.

Bác sĩ William Brydon

Trên lưng chiến mã bị thương, bác sĩ William Brydon là người duy nhất trong 12.000 thường dân của Kabul sống sót trong những biến cố năm 1839.

Sau 2 năm nắm giữ, người Anh mất quyền kiểm soát thành phố, Kabul có nguy cơ bị chiếm đóng bở lãnh chúa Afghanistan Muhammad Akbar.

Một nhóm 4.500 binh sĩ cùng 12.000 thường dân quyết định di tản tới Ấn Độ, dù cho đó là một cuộc hành trình đầy hiểm nguy rình rập.

Nhiệt độ xuống thấp tới mức gần như đóng băng, cùng với sự tàn sát của quân đội lãnh chúa, toàn bộ 12.000 dân Kabul đã thiệt mạng chỉ sau khi rời thành 5 ngày.

Nhờ kiên quyết chống trả trên lưng ngựa, bác sĩ Brydon đã thoát khỏi sự truy đuổi và được trợ giúp khi tới gần thành Jalalabad. Con ngựa bị thương, và bác sĩ là người duy nhất thoát khỏi cuộc thảm sát đẫm mãu.

Robert Jeffrey

Robert Jeffrey là một thủy thủ người Anh phục vụ trên một chiến hạm Hải quân Hoàng gia Anh có tên Recruit, được chỉ huy bởi thuyền trưởng Lake thời chiến tranh với Napoleon.

Vì một lần bị phát hiện ăn cắp bia, anh bị thuyền trưởng phạt ở lại trên một hòn đảo hoang mà không có bất kì một sự hỗ trợ lương thực nào.

Khi cấp trên của Lake phát hiện ra điều này, con tàu được hạ lệnh quay lại tìm kiếm Jeffrey nhưng không thấy dấu vết, họ cho rằng anh đã chết và thuyền trưởng Lake bị sa thải do lỗi lầm của mình.

Trên thực tế, Jeffrey đã sống sót nhờ ăn ốc biển dạt vào bờ và uống nước mưa.

Nhờ kĩ năng sinh tồn bền bỉ và may mắn, sau 9 ngày chống trọi trên đảo hoang, Jeff được một con tàu Mỹ cứu sống và đưa về Massachusetts. Anh ở lại đây một năm và trở về quê hương sau đó.

Judas Paddock và đoàn thủ thủ tàu Oswago

Khi các tàu Anh hay Mỹ bị đắm trên bờ biển Barbary, cơ hội sống sót duy nhất cho các thủy thủ là tìm tới Ma-rốc, đất nước có mối quan hệ thân thiết với cả 2 phía.

Tuy nhiên nếu họ bị bắt giữ bởi các bộ tộc du mục trên sa mạc Sahara, cơ may ấy sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Judas Paddock là thuyền trưởng của tàu Oswago, con tàu bị mắc cạn vào năm 1800 trên bờ Barbary. Khi ấy chỉ còn lại ông và 3 thủy thủ sống sót.

Họ bị bắt giữ làm nô lệ và bị trao đổi như hàng hóa giữa các bộ lạc bản địa. Các nô lệ bị đối xử tồi tệ, bị đánh đập thường xuyên, không thức ăn và chốn ngủ.

Thứ duy nhất họ giữ được là mạng sống, bởi chí ít, họ vẫn được coi là một món hàng trao đổi.

Bằng tài biện xảo khéo léo, thuyền trường Paddock đã thuyết phục chủ nhân mới của mình là Ahamed đưa ông tới Ma-rốc để được chuộc với giá hời, và sống sót trở về đất Mỹ sau một cuộc hành trình gian nan dành sự sống.

Tuy nhiên Paddock cũng không thể bảo về được các thủy thủ và số phận của họ có lẽ đã kém may mắn hơn.

Trung sĩ James Landon

Trong thời kỳ nội chiến Mỹ, trại Andersonville là nhà tù quân sự được phe miền Nam thành lập dành cho các tù binh chiến tranh.

Nổi tiếng về độ khắc nghiệt của các hình phạt tra tấn cũng như điều kiện giam giữ quá bẩn thỉu, đây thực sự là chốn địa ngục trần gian với các quân nhân miền Bắc.

Tại đây, hơn 13.000 tù binh đã bỏ mạng, trại trưởng Henry Wirz đã bị kết án và treo cổ vì tội ác chiến tranh sau khi hòa bình được lập lại trên đất Mỹ.

Có thể nói với điều kiện khắc nghiệt như thế, Andersonville thực sự là nơi chôn thân vĩnh viễn cho những người xấu số bị bắt giam.

Vậy mà một kỳ tích đã xảy ra, khi Trung sĩ James Landon thuộc phe Liên minh miền Bắc bị bắt khi đã trúng đạn, vẫn có thể sống sót trở về.

Anh lê lết suốt năm ngày với vết thương rỉ máu liên tục suốt năm ngày, sau đó bị giam giữ trong điều kiện tồi tệ của trại giam 6 tuần, không thuốc men, không một sự giúp đỡ dù chỉ nhỏ nhất.

May mắn thay khi phe miền Nam đầu hàng chỉ sau đó ít ngày, James Landon được phóng thích, nhưng vết thương không được chữa trị cho tới khi anh trở về quê nhà Iowa.

Chỉ có sức sống bền bỉ và một ý chí kiên cường mới làm nên điều kỳ diệu ấy, James Landon sống khỏe mạnh tới năm 83 tuổi, và thường kể lại cho con cháu nghe câu chuyện thoát chết khó tin của mình.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại