Bí ẩn xác chết không đầu của Hoàng đế Thanh triều Ung Chính

Nguyễn Nhung |

Không chỉ chết “bất đắc kỳ tử”, ngay cả đến khi khâm liệm, quan quân Thanh triều cũng không thể tìm thấy thủ cấp của Hoàng đế Ung Chính để cùng an táng.

Ung Chính là một trong số ít những Hoàng đế “mạnh tay” nhất lịch sử phong kiến Trung Quốc. Ông chấp chính vào thời điểm nhà Thanh dưới thời kỳ Khang – Càn đang thịnh vượng, góp phần quan trọng vào công cuộc duy trì trật tự Thanh triều.

Mặc dù tại vị chỉ hơn chục năm ngắn ngủi song trong khoảng thời gian vị Hoàng đế này cai quản thiên hạ, những chính sách trị quốc mà ông áp dụng thực sự đã tạo ảnh hưởng vô cùng lớn đối với tiến trình lịch sử Trung Hoa.

Cũng chính bởi Ung Chính quá “mạnh tay” nên xung quanh vị vua thứ 5 của Thanh triều thù nhiều hơn bạn. Mặc dù luôn có tâm lý đề phòng, song cuối cùng, ông cũng thăng thiên một cách chóng vánh và vô cùng không minh bạch.

Sự ra đi của ông đột ngột và ly kỳ, để lại một thi thể không đầu, đồng thời lưu lại một bí mật lớn không lời giải thích rõ ràng cho hậu thế.

Vậy rốt cuộc, chuyện gì xảy ra cách đây vài trăm năm, để rồi hậu thế chỉ có thể tìm lời giải thích tương đối qua những tương truyền còn lưu lại?

Ung Chính là một trong những vị vua có thời gian tại vị ngắn và cũng là một trong số ít những Hoàng đế gây tranh cãi nhiều nhất lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Từ việc Hoàng tử thứ 4 của vua Khang Hy đăng cơ xưng đế cho đến việc ông đột ngột qua đời, tất cả đều đặt ra những nghi vấn lớn, vĩnh viễn không bao giờ tìm được lời giải chính xác.

Vì lẽ đó, vụ án thi thể không đầu của Ung Chính càng trở nên mất hi vọng về khả năng được làm sáng tỏ. Các chuyên gia lịch sử học ngày nay chỉ có thể dựa vào những phỏng đoán hợp lý để đưa ra một số nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của vị Hoàng đế này.


Chân dung Hoàng đế Ung Chính.

Chân dung Hoàng đế Ung Chính.

Các cách giải thích về nguyên nhân cái chết của Ung Chính

Quan điểm thứ nhất, đồng thời là quan điểm được lưu truyền nhiều nhất cho rằng, vua Ung Chính bị kẻ thù Lữ Tứ Nương giết hại.

Trong quãng thời gian vị Hoàng đế thứ 5 của Thanh triều tại vị, “văn tự ngục” (tên chung dùng để chỉ những vụ án do chữ nghĩa mà ra) vô cùng thịnh hành.

Một số lượng lớn các văn nhân vì viết sai một hai câu, có liên quan đến triều đình trong các tác phẩm của mình mà ngay lập tức rước họa diệt môn.

Ông nội của Lữ Tứ Nương là Lữ Lưu Lương – một trong số những người gặp đại họa ấy. Trong thảm kịch tàn nhẫn, toàn bộ Lữ gia đều bị giết hại, ngoại trừ cô cháu gái duy nhất là Lữ Tứ Nương khi đó ở ngoài phủ chơi đùa mà bảo toàn được tính mạng.

Gia tộc họ Lữ hầu như đã bị tuyệt diệt, không sót lại ai.

Lòng thù hận trong thiếu nữ này tích tụ và lớn dần, Tứ Nương quyết tâm học võ ở khắp nơi.

Sau hơn chục năm luyện tập gian khổ, trang bị cho mình võ công thâm hậu, người con gái này quyết định vào kinh, kết hôn với một người đàn ông họ Lý để có chỗ nương thân nơi kinh thành.

Sau khi kết hôn không lâu, Lữ Tứ Nương một hôm đã cải trang thành đàn ông ra ngoài, đêm muộn mới về, đồng thời xách theo một cái đầu người còn be bét máu. Người chồng sau khi hỏi kỹ mới biết đó là đầu của Hoàng đế Ung Chính.

Ngay trong đêm đó, hai vợ chồng Tứ Nương khăn áo lên đường rời khỏi quê hương.


Các giai thoại, truyền thuyết về cái chết của Ung Chính liên quan đến nhân vật Lữ Tứ Nương đã được chuyển thể thành phim truyền hình.

Các giai thoại, truyền thuyết về cái chết của Ung Chính liên quan đến nhân vật Lữ Tứ Nương đã được chuyển thể thành phim truyền hình.

Ngày hôm sau, Tử Cấm Thành truyền đi thông tin Hoàng đế bị bệnh đột ngột qua đời. Khi triều đình phát lệnh dán thông báo giới nghiêm khắp thành, Lữ Tứ Nương đã sớm cùng chồng xa chạy cao bay.

Luồng quan điểm thứ hai khá tương đồng với quan điểm thứ nhất nhưng cách Lữ Tứ Nương hành thích Ung Chính có sự khác biệt.

Giải thích cho câu hỏi vì sao thi thể vị Hoàng đế này, ngay cả khi khâm liệm vẫn không có đầu, quan điểm thứ hai cho rằng, Lữ Tứ Nương sau khi đến kinh thành đã dựa vào nhiều mối quan hệ, tìm cách vào cung.

Sau khi vào cung trong vai một cung nữ, người phụ nữ này nhờ có dung mạo và trí tuệ hơn người, đã được Ung Chính vô cùng sủng ái.

Cuối cùng, trong một đêm khi ngủ cùng Hoàng đế, Tứ Nương đã tranh thủ lúc vua không chú ý, dùng một con dao ngắn hành thích và lấy thủ cấp của kẻ thù, sau đó vội vã rời Tử Cấm Thành.

Cũng giống với hai quan điểm trên, song quan điểm thứ ba có phần ly kỳ hơn một chút, nhưng độ tin cậy không cao.

Những người đưa ra quan điểm này cho rằng sau khi cả gia đình bị giết hại, Tứ Nương vào trong rừng sâu tìm thấy học võ, sau khi võ công cái thế mới xuống núi và trở thành nữ hiệp nức tiếng một vùng.

Dựa vào công phu đã luyện được, người phụ nữ này tìm cách đột nhập hoàng cung, hành thích và cắt đầu Ung Chính.

Quan điểm này nghe khá giống với những câu chuyện võ hiệp vẫn được hư cấu trong các bộ phim truyền hình cổ trang của Trung Quốc, vì thế, độ tin cậy của cách lý giải này vẫn chưa được kiểm chứng.

Tuy nhiên, dù là quan điểm nào, thì cái chết của Hoàng đế Ung Chính đều được gắn với cái tên Lữ Tứ Nương và khả năng võ thuật hơn người của người phữ này.

Hay nói cách khác, nguyên nhân cái chết của Hoàng đế thứ 5 của nhà Thanh chỉ có một với ba cách giải thích khác nhau.

Điểm nghi vấn


Cho đén nay, cái chết bí ẩn của Hoàng đế Ung Chính vẫn là mối quan tâm của nhiều người.

Cho đén nay, cái chết bí ẩn của Hoàng đế Ung Chính vẫn là mối quan tâm của nhiều người.

Theo quy định của Thanh triều, việc canh giữ hoàng cung vô cùng nghiêm ngặt. Khi Hoàng đế xuất cung đều có hộ vệ bảo vệ trước sau, cảnh giới vô cùng chặt chẽ.

Vì thế, cho dù Lữ Tứ Nương võ nghệ cao siêu đến đâu, cũng khó có thể lấy đầu Ung Chính một cách thuận lợi mà không bị tổn hại gì, càng không có chuyện nội ngoại cung không một ai biết đến.

Từ yếu tố này, có thể thấy cách giải thích thứ hai có độ tin cậy nhất định. Tuy nhiên, quan điểm này vẫn có điểm nghi vấn.

Theo quy định bất di bất dịch của vương triều Đại Thanh, phi tần phục vụ Hoàng đế nhất định phải trải qua một trình tự kiểm tra toàn thân rất cẩn thận. Tứ Nương cho dù có chuốc cho vua say xỉn, cũng khó có thể thực hiện kế hoạch táo bạo của mình.

Nếu như cả 3 cách giải thích trên đều không thể hoàn toàn đáng tin, vậy thì đâu mới là nguyên nhân thực sự đã đẩy Ung Chính đến cảnh chết thảm? Các tư liệu lịch sử ghi chép rất ít về nguyên nhân dẫn đến cái chết của vị Hoàng đế này.

Duy chỉ có cuốn “Đông Hoa lục” chương thứ 32 có dành vài lời viết về cái chết của Ung Chính đơn giản: Ngày 23/8 năm Ung Chính năm thứ 13, Hoàng đế đột ngột mắc bệnh qua đời tại Viên Minh Viên.

Ngoài thông tin trên, cả cuốn sách không ghi chú bất cứ thông tin nào giải thích cho cái chết của vị vua này.

Điều này có cách lý giải. Sau khi Hoàng đế Ung Chính chết, giai cấp thống trị đã bưng bít một cách nghiêm mật nguyên nhân tử vong của ông. Ngoài một số ít đại thần tham trực tiếp giải quyết vụ việc này, người ngoài rất khó để nắm chân tướng sự việc.

Đây chính là nguyên nhân quan trọng, giải thích vì sao sử sách không có bất cứ ghi chép nào về cái chết và thi thể không đầu đầy bí hiểm của Ung Chính.

Cho đến nay đã 300 năm kể từ khi vị vua này qua đời. Và từ đó đến nay, những câu chuyện, truyền thuyết có liên quan vẫn còn lưu truyền trong quần chúng.

Để giải mã bí mật này, có lẽ sẽ phải đợi đến khi khai quật địa cung Thái Lăng, tiến hành giám định AND. Hy vọng rằng khoa học tiên tiến, phát triển từng ngày sẽ sớm mang đến cho những người thực sự quan tâm một câu trả lời thỏa đáng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại