Trong lịch sử Trung Hoa, nếu Tôn Tử được biết đến như bậc “Binh Thánh”, thì danh hiệu “Binh Tiên” ắt phải thuộc về Hàn Tín. Nhờ chiến công hiển hách, mưu lược tài giỏi, những cách dùng quân của vị "chiến thần" này cho đến nay vẫn khiến hậu thế ngả mũ bái phục.
Mặc dù được nhắc tới như một huyền thoại cầm quân, nhưng thanh danh của Hàn Tín lại bị “bôi đen” bởi nghi án chôn sống mẹ ruột đầy tai tiếng.
“Chiến thần” chôn sống mẹ ruột vì… phong thủy!
Thuở thiếu thời, Hàn Tín cùng mẹ nương tựa vào nhau trong cảnh khốn khó, phải ăn xin, hái rau rừng, quả dại để sống qua ngày. Tương truyền rằng, Tín từ nhỏ đã sở hữu đầu óc nhanh nhạy, thân thể linh hoạt, nhờ tu luyện võ nghề mà có được thân thủ phi thường.
Khi đang ở độ tuổi trai tráng, Hàn Tín có lần ra núi Cửu Lý chơi đùa, vô tình bắt gặp một cao nhân râu tóc bạc phơ. Vị đạo sĩ này nói với ông: “Nơi này không tồi, ta đi lên chỗ vách núi, ngươi ở đây xem núi có rung chuyển hay không.”
Quả nhiên, ngọn núi rung chuyển đúng như lời nói của đạo sĩ nọ. Cao nhân này còn tiên đoán thêm:
“Theo ta đoán, chỉ cần giẫm chân lên tảng đá trên kia, ngọn núi này nhất định sẽ rung chuyển. Phàm là những ngọn núi có thể rung chuyển, đem cha mẹ an táng tại đó, nhất định sẽ làm nên đại nghiệp thống trị.”
Mộ của mẹ Hàn Tín - nơi từng xảy ra thảm án chôn sống mẫu thân do chính tay "chiến thần" này gây nên. (Ảnh: nguồn internet).
Người nói vô tình, người nghe lại hữu ý. Hàn Tín khi ấy trong lòng nuôi mộng lớn, khi về tới nhà liền hỏi mẹ xem mộ cha ở đâu.
Tín sinh ra tướng mạo giống khỉ, nên mẹ ông nói rằng phụ thân là một con khỉ thành tinh đã chết nhiều năm về trước, di thể được an táng ở quê ngoại.
Hàn Tín tin lời mẹ, bày mưu tính kế đem bằng được hài cốt mang về, sau đó lên Cửu Lý Sơn đào sẵn huyệt mộ để an táng.
Tuy nhiên, điều ít ai có thể ngờ tới là vị “chiến thần” này không chỉ cải táng cho cha, mà còn chôn sống cả mẹ ruột!
Sau khi đem di cốt của cha hạ huyệt, Hàn Tín một mực đòi mẹ xuống huyệt xem đã được hay chưa. Mẹ ông quả nhiên bước xuống theo lời con trai mà không biết rằng chính những bước đi này sẽ đẩy mình “xuống mồ”!
Nhân lúc mẹ đang ở dưới, Hàn Tín liền đánh ngất mẫu thân của mình bằng chiếc gậy gỗ đã giấu sẵn trước đó, rồi đem phụ mẫu an táng trong cùng một huyệt mộ.
Vì ước muốn làm nên đế nghiệp, vị “chiến thần” lừng lẫy này đã thẳng tay chôn sống mẹ ruột. Nhưng ngay cả khi làm vậy, Tín vẫn không thể lên ngôi Hoàng đế, thậm chí còn phải chịu kết cục vô cùng bi thảm.
Năm 32, Hàn Tín bị Lữ hậu giết chết. Thiên hạ đều nói, Tín bị chết trẻ vì chôn sống mẹ, tổn hại tới âm đức, làm giảm dương thọ.
Cầm quân xuất chúng nhưng "xử thế" dại dột
Trên phương diện cầm quân, Hàn Tín được mệnh danh là “Binh tiên”, nhưng trong việc đối nhân xử thế, ông lại là con người có nhiều thiếu sót.
Sinh thời, vị “chiến thần” này bị đánh giá là kẻ “độc đoán, ấu trĩ”. Đây cũng là nguyên nhân khiến Hàn Tín phải nhận cái chết bi thảm khi còn rất trẻ.
Thái độ làm người của vị “Binh Tiên” này có thể khái quát qua bốn điểm dưới đây:
Thứ nhất, sau khi tấn công và đánh bại Tề quốc, Hàn Tín tự đề cử ngôi vị Tề vương cho bản thân mình.
Thậm chí, ông còn vì điều này mà uy hiếp Lưu Bang rằng nếu không được làm Tề vương, sẽ không xuất binh cứu giá. Lời đe dọa này của Hàn Tín đã buộc Lưu Bang phải phong ông làm Tề vương một cách bất đắc dĩ.
Sinh thời, Lưu Bang nổi danh là một vị vua thuộc vào hàng… "tiểu nhân”. Thái độ của Tín đã khiến vị Hoàng đế họ Lưu này ghi thù. Đắc tội với bậc thiên tử chính là sai lầm lớn nhất của kẻ làm bề tôi như Hàn Tín.
Cách đối nhân xử thế thiếu khôn ngoan của Hàn Tín đã đẩy cuộc đời của người anh hùng này vào bi kịch. (Ảnh minh họa).
Thứ hai, Hàn Tín bề ngoài thì tỏ ra trung thành, trong khi đó lại để lộ ra nhiều hành động bất thường, thậm chí còn giật dây cho Khoái Thông tạo phản.
Mặc dù hậu thế tới nay vẫn hoài nghi về vụ án tạo phản của Hàn Tín, nhưng cổ nhân có câu: "không có lửa làm sao có khói", hơn nữa, trong lúc nguy hiểm, Tín lại vội vàng dồn bạn thân là Chung Ly Muội vào chỗ chết.
Ngay cả khi không có âm mưu tạo phản, hành động của Hàn Tín vẫn chẳng khác nào giấu đầu hở đuôi. Kết quả là Chung Ly Muội lãnh án tử hình, nhân phẩm của Hàn Tín cũng bị hậu thế phỉ báng.
Thứ ba, khi Lưu Bang bắt giải Tín vào kinh thành, vị Hoàng đế này chưa hề có ý trừ khử ông. Nhưng Hàn Tín vì chức quan bị giáng xuống một cấp mà không phục, xúi giục Trần Hi tạo phản, còn nhận lời làm nội ứng tiếp viện.
Chuyện phản phúc này khiến Lưu Bang không thể nhắm mắt làm ngơ.
Cuối cùng, nguyên nhân trọng yếu dẫn đến thảm kịch của Tín bắt nguồn từ chính sự ngạo mạn của ông.
Mặc dù công lao cái thế, nhưng địa vị của Tín cũng không phải bậc vua hàng chúa. Trong khi Phạm Lãi khôn ngoan chọn cách quy ẩn, thì Hàn Tín lại không biết điểm dừng, liên tục phô diễn tài năng của mình.
Đối với bậc đế vương mà nói, bề tôi quá mức tài giỏi, lại không biết giữ mình sẽ bị coi là mối uy hiếp đối với hoàng quyền, làm lung lay uy tín của nhà vua, nhất định không thể lưu lại.