Đối mặt với ung thư tái phát

Nguyệt Thu - BS.TS. Phạm Nguyên Quý |

Bác sĩ của bạn không thể biết chắc ung thư sẽ tái phát hay không nhưng có thể cung cấp cho bạn thêm thông tin về nguy cơ tái phát.

Ung thư tái phát bằng cách nào?

Sau khi điều trị, ung thư vẫn có nguy cơ tái phát vì một lượng nhỏ tế bào ung thư có thể tồn tại âm thầm trong cơ thể. Theo thời gian, các tế bào này có thể sinh sôi và phát triển đủ lớn để gây ra triệu chứng hoặc xuất hiện qua các khảo sát hình ảnh. Tùy vào loại ung thư, tái phát có đặc điểm khác nhau, như vị trí và thời gian xuất hiện trên cơ thể.

Ung thư có thể tái phát theo những cách sau:

• Tái phát cục bộ: xuất hiện cùng vị trí nơi có ung thư nguyên phát.

• Tái phát khu vực: xuất hiện gần nơi ung thư nguyên phát.

• Tái phát xa: xuất hiện ở nơi hoàn toàn khác của cơ thể.

Ung thư tái phát được đặt tên theo nơi ung thư nguyên phát bắt đầu, ngay cả khi tái phát ở một bộ phận khác của cơ thể. Ví dụ, nếu ung thư vú tái phát xa ở gan, nó vẫn được gọi là ung thư vú chứ không phải ung thư gan. Bác sĩ gọi đó là ung thư vú di căn. Di căn có nghĩa là ung thư đã lan sang một bộ phận khác của cơ thể.

Chẩn đoán ung thư tái phát

Đối mặt với ung thư tái phát - Ảnh 1.
Đối mặt với ung thư tái phát - Ảnh 2.
Đối mặt với ung thư tái phát - Ảnh 3.
Đối mặt với ung thư tái phát - Ảnh 4.

Vận động và hoạt động trí não phong phú theo sở thích cùng với cộng đồng đã được chứng minh là những phương pháp tích cực giúp bệnh nhân K có thêm sức mạnh thể chất và tinh thần để vượt qua căn bệnh.

Sau khi điều trị ung thư nguyên phát, bệnh nhân sẽ được chăm sóc theo dõi theo kế hoạch cụ thể, bao gồm lịch trình tái khám, thăm khám lâm sàng và có thể bao gồm các xét nghiệm khác. Những lần tái khám và xét nghiệm này rất quan trọng để kiểm tra sức khỏe và theo dõi tái phát.

Tùy vào loại ung thư, bệnh nhân có thể cần thêm xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hình ảnh nhưng việc thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng và cẩn thận của bác sĩ vẫn là căn bản quan trọng nhất. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân để ý một số dấu hiệu hoặc triệu chứng tái phát cụ thể.

Nếu nghi ngờ ung thư tái phát, bệnh nhân có thể sẽ cần thêm một số xét nghiệm chẩn đoán khác để bác sĩ hiểu rõ hơn. Những xét nghiệm này có thể bao gồm xét nghiệm máu và các loại thể dịch, khảo sát hình ảnh hoặc sinh thiết.

Lựa chọn điều trị cho ung thư tái phát

Đối mặt với ung thư tái phát - Ảnh 5.
Đối mặt với ung thư tái phát - Ảnh 6.
Đối mặt với ung thư tái phát - Ảnh 7.

Ảnh của tổ chức hỗ trợ người bệnh ung thư Salt Cancel Initiactive.

Nếu các xét nghiệm xác nhận rằng ung thư đã tái phát, nhóm điều trị sẽ bàn thảo với bệnh nhân về các lựa chọn điều trị. Quy trình này tương tự như lập kế hoạch điều trị ung thư nguyên phát lúc đầu. Các bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố sau:

• Mục tiêu của người bệnh.

• Kích thước của bướu, loại ung thư, nơi nào trong cơ thể ung thư tái phát.

• Sức khỏe tổng quát.

• Cách điều trị ban đầu và hiệu quả.

• Tác dụng phụ gặp phải với điều trị trước đó.

• Điều trị trước đó kết thúc vào khi nào.

pham-truong-giang-15718197316081623277287

Bác sĩ nha khoa Phạm Trường Giang, 65 tuổi, sống ở TP HCM, mắc căn bệnh ung thư đầu tiên cách đây 16 năm và đến nay đã vượt qua 6 căn bệnh ung thư tái phát ở nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể.

Nhưng với nghị lực phi thường cùng sự hiểu biết về căn bệnh để hợp tác với các bác sĩ, ông luôn có những ngày sống hạnh phúc và trở thành tấm gương động viên những người đang chung sống với ung thư.

Trong ảnh: BS nha khoa Phạm Trường Giang với người vợ luôn sát cánh vượt qua ung thư cùng ông, bà Đặng Thị Hồng.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị tham gia thử nghiệm lâm sàng. Khi lựa chọn giữa các phương pháp điều trị, việc xem xét những yếu tố dưới đây là rất quan trọng:

• Mục tiêu và lợi ích có thể kỳ vọng của mỗi cách điều trị

• Những rủi ro và tác dụng phụ có thể xảy ra với mỗi cách điều trị

• Ảnh hưởng của mỗi điều trị lên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân

Trong quá trình điều trị, giảm thiểu các triệu chứng và tác dụng phụ vẫn là một phần quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân, được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ. Hãy thuờng xuyên thông báo với đội ngũ bác sĩ chăm sóc về các triệu chứng bao gồm triệu chứng mới hoặc sự thay đổi của triệu chứng đã có.

Đối phó với ung thư tái phát

Bệnh nhân có thể trải qua những xúc cảm như khi mới mắc bệnh ung thư. Sốc, hoài nghi, lo lắng, sợ hãi, giận dữ, đau buồn và cảm giác mất kiểm soát là những cảm xúc phổ biến. Tất cả những cảm giác này đều là những phản ứng bình thường đối với trải nghiệm khó khăn này. Một số người thậm chí có thể thấy chẩn đoán này gây bối rối nhiều hơn lần đầu tiên.

Nhiều người khi bị ung thư tái phát cũng nghi ngờ bản thân về các quyết định hoặc lựa chọn điều trị trước đó. Hãy nhớ rằng bạn và đôi ngũ bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho bạn đã dựa trên thông tin có sẵn ở thời điểm đó để lựa chọn phương cách điều trị thích hợp nhất. Cả bạn và nhóm chăm sóc đều không thể dự đoán được tương lai.

Nếu bạn lo lắng về việc có đủ sức mạnh để theo các đợt xét nghiệm và điều trị thì điều này cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân lại thấy rằng kinh nghiệm điều trị trước đây giúp họ chuẩn bị tốt hơn khi đối mặt với các thách thức mới. Ví dụ, những người bị ung thư tái phát đã có sẵn một số "nguồn lực" như sau:

• Hiểu biết về ung thư trước đây giúp giảm bớt sự sợ hãi và lo lắng liên quan đến những điều chưa biết

• Mối quan hệ trước đây với bác sĩ, y tá và nhân viên phòng khám và bệnh viện

• Hiểu biết về hệ thống y tế, các từ y khoa thường được sử dụng và bảo hiểm y tế

• Hiểu biết về phương pháp điều trị và tác dụng phụ đi kèm, cũng như các biện pháp để chế ngự

• Những nơi hỗ trợ, bao gồm gia đình và bạn bè, các nhóm hỗ trợ và các chuyên gia được đào tạo để cung cấp hỗ trợ về tình cảm

• Biết các phương pháp giảm căng thẳng, như tập thể dục, thiền hoặc dành thời gian gặp gỡ bạn bè

Cảm thấy đau khổ sau chẩn đoán ung thư tái phát là chuyện thường gặp. Nhưng bệnh nhân nên tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn khi đau khổ kéo dài và cản trở khả năng thực hiện hoạt động hàng ngày. Tư vấn có thể giúp bạn qua nhiều cách bao gồm:

• Học cách đối phó với những cảm xúc khó khăn

• Kiểm soát triệu chứng ung thư và tác dụng phụ của điều trị

• Suy ngẫm về ý nghĩa của việc mắc bệnh ung thư

Đây cũng có thể là thời điểm tốt để xem xét tham gia nhóm hỗ trợ trực tiếp hoặc cộng đồng trực tuyến để chia sẻ cảm xúc và kinh nghiệm của bạn với những bênh nhân khác có cùng cảnh ngộ.

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe.

Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

Tài liệu tham khảo: https://www.cancer.net/survivorship/dealing-cancer-recurrence



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại